Các trung tâm thương mại Parkson âm thầm ‘bốc hơi’ tại thị trường Việt Nam:
Từng được đánh giá là ‘ông trùm bán lẻ’ trên thị trường Việt Nam. Sau thời gian dài kinh doanh, tất cả các TTTM Parkson đều rơi vào tình trạng khan hiếm khách hàng và liên tục báo lỗ.
Giai đoạn từ 2015 - 2018: tổng cộng có 5 trung tâm đóng cửa. Cụ thể, vào tháng 1/2015, Parkson Keangnam (Từ Liêm, Hà Nội) đột ngột đóng cửa trong tình trạng hỗn loạn. Đến tháng 5/2016, TTTM Parkson Paragon tại quận 7, TP.HCM chính thức ngừng hoạt động khi tình hình tài chính của doanh nghiệp này ’báo động đỏ’. Cũng trong năm 2016, vào tháng 12, Parkson Viet Tower (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng theo đó ra đi .
Tình trạng vắng vẻ tại Parkson diễn ra trong vài năm liên tiếp
Tiếp đến vào tháng 3/2018, Parkson Flemington (Lê Đại Hành, quận 11) cũng biến mất khỏi bản đồ mua sắm của Việt Nam. Tháng 6/2018, nhiều chủ hàng kinh doanh tại Parkson Cantavil (quận 2, TP.HCM) cho biết họ đã không còn kinh doanh “cùng” Parkson từ tháng 6 mà thuê mặt bằng thông qua Cantavil Premier mall.
Sau hàng loạt trung tâm buộc phải bán đi hoặc đóng cửa, thì vào đầu năm 2022, Parkson buộc phải bán trung tâm thương mại Parkson Hùng Vương của mình cho chủ quản tòa nhà Hùng Vương Plaza là công ty đã cho Parkson thuê đất để thực hiện việc kinh doanh của mình trong suốt những năm vừa qua.
Chỉ còn lại 1 trung tâm tại thị trường Việt Nam. Liệu sự lụi tàn đã được báo trước?
Parkson Saigon Tourist Plaza là trung tâm đầu tiên tại thị trường Việt Nam, đánh dấu sự xuất hiện của ‘ông trùm bán lẻ’ này tại thị trường triệu dân vào năm 2005. Cũng là TTTM cuối cùng của Parkson ‘trụ’ được đến thời điểm hiện tại, nhưng tình hình kinh doanh không mấy khả quan.
Parkson Saigon Tourist Plaza nằm ngay vị trí ‘đất vàng’ của TP.HCM, tọa lạc tại 45 Lê Thánh Tôn, Bến Nghé, Quận 1. Trước đây, Parkson Saigon Tourist Plaza là một trong những trung tâm có lượng khách mua sắm đông nhất tại thị trường Quận 1.
Vị trí đắc địa là thế nhưng đối diện Parkson Saigon Tourist Plaza là Vincom Center Đồng Khởi, nơi quy tụ đầy đủ các tiện ích hiện đại và sang trọng như mua sắm, giải trí, ẩm thực... từ phân khúc trung đến cao cấp. Cách đó không xa là trung tâm Takashimaya - Saigon Center hiện đại đi vào hoạt động từ năm 2016. Parkson rơi vào thế yếu khi cùng ‘đấu’ với các ‘ông lớn’, từ đó lượt khách hàng sụt giảm, doanh thu liên tục đi xuống.
Thua lỗ vì cạnh tranh cùng các ‘ông lớn’ hay không chịu thay đổi mô hình?
Lượng khách hàng thưa thớt, việc làm ăn thua lỗ, Parkson đóng cửa TTTM và có thể sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam là điều mà nhiều người có thể dự đoán được.
Mô hình hoạt động của Parkson hiện tại không còn phù hợp với thị trường thế giới nói chung và cả Việt Nam nói riêng. Khách hàng hiện tại ưa chuộng những tiện ích tích hợp vào cùng một nơi bao gồm: mua sắm, ẩm thực, giải trí,... Không đơn thuần như mô hình hoạt động của Parkson (Department Store) đơn giản chỉ là mua sắm.
Parkson không còn là đối tác chiến lược duy nhất mà tất cả các thương hiệu mong đợi để được có đất để ‘diễn’ như cách đây 10 hay 15 năm về trước nữa. Parkson Saigon Tourist Plaza còn lượng khách hàng nhất định là nhờ vào 2 ông lớn Nhật Bản: Muji và Uniqlo.
Nỗi đau trượt dài trong cái bóng của quá khứ, ngủ quên trên chiến thắng đã khiến Parkson không nhanh nhạy nắm bắt thị trường và không chịu thay đổi. Người ta luôn hi vọng một Parkson đổi mới và quay lại với thời huy hoàng của chính mình.