Theo tờ The Washington Post, Facebook đã dần dần sửa đổi các chính sách kiểm duyệt nội dung bài đăng và thông tin sai lệch để đáp ứng nhu cầu đăng post của Tổng thống Donald Trump kể từ khi ông tham gia tranh cử vào năm 2015. Mọi chuyện được cho là bắt đầu khi Trump đăng một video lên Facebook với nội dung sẽ cấm người Hồi Giáo vào nước Mỹ.
Cũng theo tờ báo này, CEO Mark Zuckerberg được cho là đã từng muốn Facebook dán nhãn và loại bài viết này của Trump. Tuy nhiên, Mark đã bị Joel Kaplan - Phó Giám Đốc Chính sách Công Toàn cầu của Facebook ngăn cản vì lo sợ sự ảnh hưởng quyền lực của Trump. Việc Facebook tiếp tục cho phép bài đăng của Trump lan truyền trên mạng xã hội này đã gây ra một làn sóng tẩy chay từ rất nhiều thương hiệu lớn như Verizon, Coca Cola, Unilever, v.v.
Quay trở lại bài đăng năm 2015 khi Trump còn đang trên đường tranh cử, bài đăng phân biệt người Hồi Giáo đã gây ra tranh cãi trên diện rộng. Kể từ đó, Facebook có luật chơi riêng dành cho các bài post của chính trị gia. Những bài post này sẽ không chịu ảnh hưởng của các chính sách và điều khoản của Facebook bởi chúng được coi là “tin đáng coi trọng.”
Khi chính quyền của Trump ngày càng mạnh hơn, Facebook đã chỉnh sửa nhiều chính sách của mình để lấy lòng quốc hội. Năm 2019, Facebook thông báo sẽ không kiểm tra thông tin của các bài đăng bởi chính trị gia và Phó Giám đốc Chính sách công toàn cầu - Kaplan đã yêu cầu thuật toán của Facebook nhẹ nhàng hơn với các bài đăng ủng hộ phe cánh hữu sau khi bị cáo buộc ngăn chặn tiếng nói của phe bảo thủ.
Tờ The Washington Post đã có buổi nói chuyện với rất nhiều nhân viên và cựu nhân viên Facebook và xem qua các tài liệu chưa từng được công bố của công ty này. Business Insider đã cố gắng liên hệ với người đại diện với Facebook, tuy nhiên, họ vẫn chưa phản hồi.
Gần đây, Facebook đã bị tẩy chay diện rộng khi không có những bước đi quyết liệt liên quan tới các bài đăng của Tổng thống Trump. Cuối tháng năm, Trump đăng lên hai trang mạng xã hội lớn là Facebook và Twitter, bày tỏ quan điểm về cái chết của người da màu George Floyd ở Minneapolis. Mấu chốt của bài đăng nằm ở câu “Khi cướp bóc bắt đầu thì súng nổ.” 
Twitter đã dán nhãn bài đăng này là “cổ xúy bạo lực”. Trong khi đó, Facebook chẳng dám đụng gì đến bài đăng này, khiến cho hàng ngàn người, bao gồm cả nhân viên của hãng đình công và phản đối dữ dội.
Vào ngày 17 tháng sáu, một nhóm gồm sáu tổ chức phi lợi nhuận lên tiếng kêu gọi các công ty tẩy chay Facebook dưới chiến dịch mang tên “Stop Hate For Profit”. Các công ty lớn bao gồm Coca Cola, Verizon và Unilever đã tham gia chiến dịch này.
Ngày 22 tháng sáu, Mark Zuckerberg công bố Facebook sẽ giới thiệu hai chính sách mới. Đầu tiên, Facebook sẽ cấm các quảng cáo có yếu tố phân biệt chủng tộc, tôn giáo, màu da, giới tính, xu hướng tính dục, hoặc nguồn gốc nhập cư. Thứ hai, Facebook sẽ dán nhãn những “tin đáng coi trọng” nếu tin này vi phạm luật của Facebook, bất kể tin tức này đến từ chính trị gia nào đi chăng nữa.
Một số thông tin chính xoay quanh vụ tẩy chay Facebook:

  • Cổ phiếu Facebook giảm 7% trong ngày thứ sáu sau khi Coca Cola công bố rằng công ty này sẽ dừng hoàn toàn các hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội. Sự giảm mạng cổ phiếu này đã làm CEO Mark Zuckerberg bay mất 7 tỉ USD.
  • Starbucks tiếp nối các công ty khác, dừng quảng cáo trên mạng xã hội và chuyển qua Youtube.
  • Trong tình hình tranh cử, Unilever sẽ dừng mọi hoạt động quảng cáo trên Facebook và Twitter Mĩ cho tới năm 2020.
  • Một trong những nhà tổ chức chiến dịch “Stop Hate for Profit” nói với tờ Reuters rằng họ muốn đưa chiến dịch này ra toàn thế giới, tiếp tới sẽ tập trung vào châu Âu. 
  • Khi chiến dịch tẩy chay bùng phát mạnh mẽ hơn, Donald Trump đã tweet lại một video cho thấy một người ủng hộ ông đang lặp lại từ “white power” (sức mạnh của người da trắng). Post này được xóa trong vòng vài giờ sau đó và người đại diện của Trump cho biết tổng thống không nghe rõ tiếng hô “white power”.

Theo Business Insider và The Washington Post