Productboard, một startup phần mềm quản lý có trụ sở tại Mỹ, đầu tháng 2 đã trở thành kỳ lân thứ 1.000 của thế giới khi huy động thành công 125 triệu USD trong vòng gọi vốn Series D. Trong thời điểm đó, cũng có 6 công ty khác đã trở thành kỳ lân.

Thậm chí, CB Insights ước tính rằng hiện tại mỗi ngày có thêm khoảng 2 kỳ lân mới xuất hiện.

Về xu thế này, ông Brian Lee, người phụ trách mảng nghiên cứu tại CB Insights cho biết việc phần lớn các dịch vụ đều chuyển dịch theo hướng số hoá đã hỗ trợ rất nhiều cho việc có thêm nhiều startup như hiện nay. “Số hoá các dịch vụ khiến các công ty phần mềm trở nên có giá trị hơn.”

Yếu tố thứ hai tác động lên xu thế này là IPO không còn là áp lực đối với các startup hiện nay. Lee giải thích thêm: các startup bây giờ có thể dễ dàng gọi vốn từ các nhà đầu tư thay vì chỉ trông chờ vào IPO như trước kia để huy động vốn.

Trong quá khứ, các kỳ lân đời đầu như ByteDance, SpaceX, hay Stripe đã gặp áp lực IPO rất nhiều trước khi trở thành những công ty tỷ đô.

khoi-nghiep-1646048242.jpeg

Sở dĩ phần lớn các nhà đầu tư dễ dàng mở ví hơn vì họ muốn nhập cuộc sớm ở các ngành công nghiệp mới như mã hoá. Và điều này góp phần định giá của các startup tăng cao.

“Bạn không thể phủ nhận sức mạnh của FOMO (Fear of Missing Out – nỗi sợ bị bỏ lỡ). Mọi người sẵn sàng nhập cuộc với số vốn lớn hơn,” Lee nói.

Và cuối cùng là COVID-19. Đại dịch hơn 2 năm đã góp phần thúc đẩy sự ra đời của các “kỳ lân”. Trong năm 2020, tổng số kỳ lân được tạo ra là 569, và số lượng này đã tăng gấp đôi vào năm 2021.

“COVID-19 tạo ra nhiều mất mát và nỗi đau cá nhân nhưng nó thúc đẩy doanh số bán hàng phần mềm các loại,” Aileen Lee, một nhà đầu tư mạo hiểm cho biết.

Năm ngoái, khoảng 621 tỷ USD vốn đầu tư đã đổ vào các công ty khởi nghiệp, lớn gấp đôi so với năm 2020 và lớn hơn rất nhiều số vốn được huy động thông qua IPO cùng kỳ. Theo đó, lãi suất thấp và các món hời mà các nhà đầu tư nhận được khi các startup IPO thành công đã thu hút sự chú ý của phần lớn các nhà đầu tư.

Huy động vốn giờ ‘dễ như ăn kẹo’?

Chia sẻ với phóng viên, đại diện của một startup cho biết cơ hội gọi vốn ngày nhiều hơn nhưng làm thế nào để lấy được vốn vẫn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

“Khác với thời điểm trước dịch, khi đó startup phải chứng tỏ được tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai thông qua ý tưởng khởi nghiệp, nhưng giờ đây, các nhà đầu tư lại quan tâm hơn tới khả năng tạo ra lợi nhuận bền vững của bản thân startup đó hơn,” vị đại diện cho biết.

Cùng quan điểm, Trần Hữu Đức, giám đốc Quỹ tăng tốc Khởi nghiệp Việt Nam, trong một thảo khởi nghiệp gần đây, cho biết “Ăn ít, sống lâu” là đang là tiêu chí để gọi vốn.

Liệu các startup có thể “nhịn thở đủ lâu, ăn ít, sống lâu” để vượt qua khó khăn ít nhất trong 12 tháng tới?, ông Đức giải thích thêm.

Về vấn đề này, bà Aileen Lee khẳng định các kỳ lân ngày càng có nhiều một phần là vì ngày càng có thêm nhiều startup hơn. Và tất nhiên, cột mốc “kỳ lân” vẫn là một bằng chứng cho thành công hiếm gặp.

"Thực sự rất khó để đạt đến mốc 1 tỷ USD. Điều này cần thời gian, may mắn, khả năng thực thi và bền bỉ", bà chia sẻ thêm và nói rằng đạt đến cột mốc này là một chỉ dấu mạnh mẽ cho các thành công tiếp theo.