Mặc dù khoảng cách giữa King Coffee của bà Lê Hoàng Diệp Thảo và Trung Nguyên Legend của ông Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn còn khá xa, nhưng kể từ sau khi ly hôn, trong khi hoạt động kinh doanh tại Trung Nguyên Group đi xuống, thì King Coffee lại đang bứt tốc.
Tranh chấp hôn nhân giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã kéo dài 5 năm vẫn chưa ngã ngũ.
Cuối năm 2019, tòa phúc thẩm đưa ra phán quyết cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ được toàn quyền sở hữu cổ phần chung tại Trung Nguyên; phía bà Lê Hoàng Diệp Thảo nhận gần 1.800 tỷ đồng gồm toàn bộ tiền, vàng, ngoại tệ trong ngân hàng.
Ông Vũ có trách nhiệm hoàn lại cho bà Thảo hơn 1.500 tỷ đồng, tương đương giá trị phần cổ phiếu quy đổi của bà Thảo. Ông Vũ cũng tự nguyện về việc không tranh chấp cổ phần tại công ty Trung Nguyên International Singapore.
Dù đã giành lại toàn quyền sở hữu tại công ty gia đình nhưng ông Vũ thừa nhận, phiên tòa, phải mất 2 năm thì Trung Nguyên mới có thể gượng dậy.
Doanh thu của công ty mẹ CTCP Tập đoàn Trung Nguyên (Trung Nguyên Group) đạt 4.234 tỷ đồng – giảm so với năm 2018. Tuy nhiên con số này vẫn cao hơn năm 2016 và 2017. Tương tự, doanh thu của Trung Nguyên Coffee năm 2019 đạt 1.316 tỷ đồng – giảm so với năm trước nhưng vẫn cao hơn 2 năm 2016 và 2017.
Điều quan trọng hơn, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp thuộc hệ thống Trung nguyên đều sụt giảm sâu. LNST của công ty mẹ chỉ còn 90 tỷ đồng – tiếp đà lao dốc cực mạnh trong 4 năm qua. Con số này trong giai đoạn 2016 – 2017 lần lượt đạt 681 tỷ đồng và 531 tỷ đồng.
Ngoài lý do là biên lợi nhuận gộp giảm thì nguyên nhân khác lớn dẫn đến sự teo tóp của lợi nhuận là do chi phí cho bán hàng và quản lý doanh nghiệp ngày càng tăng cao.
Công ty Trung Nguyên Franchising điều hành chuỗi cà phê Trung Nguyên Legend và Trung Nguyên E-Coffee dù ghi nhận doanh thu tăng, nhưng lỗ cũng ngày càng nặng. Mức lỗ trong 2019 hơn 50 tỷ đồng, gấp đôi so với năm trước đó. Cả hệ thống đem về doanh thu 410 tỷ đồng, đã thua xa các chuỗi cà phê top đầu như Highlands, The Coffee House, Starbucks, hay Phúc Long...
Sang năm 2020, chia sẻ trên báo chí mới đây, lãnh đạo của Trung Nguyên Legend cho biết, diễn biến phức tạp của Covid-19 đang khiến hoạt động xuất khẩu Trung Nguyên đi xuống.
Trong khi đó, thương mại điện tử, đặc biệt ở một số khu vực trên thế giới, phát triển rất mạnh bất chấp dịch bệnh. Nắm bắt xu hướng này cũng như hiện thực hóa khát vọng chinh phục toàn cầu, Trung Nguyên Legend đã bắt tay với Amazon, Alibaba mở "siêu thị cà phê" trên 2 sàn thương mại điện tử này.
Lật lại dữ liệu xa hơn, từ 2011 đến 2014, doanh thu công ty mẹ của Trung Nguyên Group tăng trưởng tốt, từ 2.800 tỷ lên 3.900 tỷ. Năm 2014, Trung Nguyên ghi nhận 1.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế - gấp 4 lần so với năm 2013. Bên cạnh hoạt động kinh doanh tốt lên thì một nguyên nhân đáng kể khác đưa lợi nhuận 2014 tăng vọt là do trong năm này các công ty con chủ chốt của Trung Nguyên như CTCP Cà phê Trung Nguyên, CTCP Cà phê hòa tan Trung Nguyên đã kết chuyển hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận tích lũy được trong giai đoạn 2012-2014 về cho công ty mẹ dẫn đến doanh thu tài chính tăng đột biến lên 518 tỷ đồng.
Nếu loại trừ khoản thu nhập bất thường này thì lợi nhuận trong năm 2014 của Trung Nguyên chỉ vào khoảng 800 tỷ đồng, tương đương với kết quả của năm 2015. Trong năm 2015, Trung Nguyên diễn ra một biến cố lớn khi ông Đặng Lê Nguyên Vũ ra quyết định miễn nhiệm bà Lê Hoàng Diệp Thảo khỏi vị trí Phó Tổng giám đốc thường trực kể từ ngày 14/4/2015, qua đó dẫn tới nhiều mâu thuẫn, tranh chấp cho đến hiện nay.
Phía bà Lê Hoàng Diệp Thảo, trong quá trình tranh chấp cũng đã xây dựng được cho mình một Trung Nguyên International ngày càng lớn mạnh. Một trong những quyết định quan trọng là rời trụ sở công ty từ Singapore về Việt Nam.
Tháng 10/2016, Trung Nguyên International lần đầu cho ra mắt thương hiệu King Coffee tại Mỹ, sau đó mở rộng nhanh chóng sang Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Úc, Ấn Độ…
Đến tháng 7/2017, King Coffee quay trở lại Việt Nam. Sản phẩm của King Coffee kết hợp hạt cà phê của nhiều vùng nguyên liệu nổi tiếng trên thế giới như Ethiopia, Brazil, Colombia, Guatemala, cùng với Buôn Mê Thuột và Cầu Đất của Việt Nam.
Sau năm 2018 chững lại, doanh thu của TNI bùng nổ năm 2019, doanh thu đạt 1.478 tỷ đồng, tăng 38%. Công ty của bà Thảo cũng báo lãi 20 tỷ đồng so với mức lỗ 41 tỷ đồng năm trước đó.
Giai đoạn 2016 – 2017 chứng kiến TNI vươn lên mạnh mẽ, doanh thu tăng gấp đôi và lợi nhuận trong khoảng 50 – 60 tỷ đồng. Đây cũng là những năm mà bà Thảo còn nắm trong tay nhà máy sản xuất tại Bắc Giang.