Đã vài chục năm nay, các nhà nghiên cứu trên thế giới đã nỗ lực đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “đâu là nguyên nhân dẫn đến sự giàu có hay nghèo đói của các quốc gia, dân tộc”, nhiều học giả đã đầu tư nghiên cứu hàng chục năm trời, ở cả các quốc gia thành công lẫn các quốc gia thất bại, sau đó họ đã viết ra những cuốn sách rất có giá trị về chủ đề này.
Từ ngày có mạng xã hội, vấn đề này cũng thường xuyên được mang ra bàn luận rất sôi nổi, tôi cũng bắt đầu viết và tranh luận về chủ đề này từ cuối năm 2016.
Hôm nay tôi xin quay lại chủ đề đặc biệt quan trọng, tôi rất quan tâm và không bao giờ cũ này.
Đối với cá nhân tôi, trong số các luận điểm lý giải về sự giàu có hay nghèo đói của các quốc gia, dân tộc, có 3 luận điểm cần được nghiên cứu sâu, tranh luận và bàn luận nhiều nhất.
1) Luận điểm thứ nhất:
Thể chế, thể chế dân chủ là nguyên nhân dẫn đến sự giàu có của các quốc gia, dân tộc, là động lực cho sự phát triển, thậm chí có học giả còn cho rằng thể chế dân chủ là nguyên nhân duy nhất, không liên quan đến tài nguyên, khoáng sản hay vị trí địa lý của quốc gia. Để bảo vệ cho luận điểm của mình, các tác giả đưa ra ví dụ về Đông Đức - Tây Đức, Bắc và Nam Hàn, thành phố Nogales (nửa Mexico và nửa Mỹ) ….
Đại diện cho luận điểm này là cuốn sách “Tại sao các quốc gia thất bại (Why Nations Fail)” của Daron Acemoglu và James A. Robinson.
2) Luận điểm thứ hai:
Dân chủ không phải là động lực của sự phát triển mà nó chính là thành phần của sự phát triển, nó đi đồng hành với phát triển, khi kinh tế và văn minh của quốc gia tăng lên thì dân chủ cũng được mở rộng theo. Để bảo vệ cho luận điểm này, các tác giả cho rằng ngoài các nước Châu Âu, Mỹ, Canada, Australia ra thì trên thế giới chỉ có duy nhất 3 quốc gia thuộc khối các nước Á, Phi và Mỹ Latin trở nên giàu có là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và có thể thêm Trung Quốc nữa, cả 4 quốc gia này đều đi theo con đường “kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước” ở giai đoạn đầu của sự phát triển, chứ không đi theo con đường dân chủ phương tây (như sách báo phương tây vẫn viết).
Đại diện cho luận điểm này là cuốn sách “Châu Á vận hành như thế nào (How Asia works)” của Joe Studwell.
3) Luận điểm thứ ba:
Chặng đường mà các nước Châu Âu, Mỹ, Canada, Australia, New Zealand trở nên giàu có là một chặng đường dài và sớm hơn các khu vực khác rất nhiều, quá trình làm giàu là quá trình họ hoàn thiện thể chế dần dần. Thế nhưng giờ đây họ lại khuyến cáo các quốc gia khác theo thể chế dân chủ hiện tại của họ, tức là không đi lại con đường mà họ đã đi để làm giàu, hành động đấy chẳng khác nào “Leo gác rút thang” khiến tất cả các quốc gia Á, Phi, Mỹ Latin không thể trở nên giàu có, dù có nỗ lực thế nào.
Đại diện cho luận điểm này là cuốn sách “Lên gác, rút thang (Kicking away the Ladder” của Hang-Joon Chang.
Tôi sẽ viết ý kiến và bàn luận của tôi về ba luận điểm trên, nhưng nếu dồn tất cả vào một bài thì sẽ quá dài, không phù hợp với bài trên facebook, nên tôi sẽ viết và đăng làm nhiều bài, mỗi bài sẽ bàn về một luận điểm.
Những ai quan tâm đến chủ đề này xin hãy theo dõi, đọc và cùng trao đổi.