Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình mới có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM công bố thông tin chính thức thắng kiện Công ty CP Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô.

Phán quyết của Hội đồng Trọng tài ngày 6/12 đã thông qua Phán quyết buộc Thành Đô phải thanh toán cho Hòa Bình tổng số tiền gần 368 tỷ đồng bao gồm tiền nợ gốc, tiền lãi, phí luật sư và phí trọng tài của 12 hợp đồng thi công xây dựng công trình thuộc dự án Khu nghỉ dưỡng và Nhà ở cao cấp The Empire (tên thương mại là Cocobay Đà Nẵng) tại Đà Nẵng do Thành Đô làm chủ đầu tư. Hợp đồng giữa Hòa Bình và Thành Đô được kí kết từ ngày 31/8/2016 đến 1/1/2018. 

Phán quyết Trọng tài có giá trị chung thẩm, ràng buộc các bên và có hiệu lực từ ngày 6/12.

Trong trường hợp quá 30 ngày từ ngày Phán quyết có hiệu lực, nếu Thành Đô không thanh toán số tiền này thì sẽ phải thanh toán tiền lãi do chậm thanh toán. Mức lãi suất là 11,5-14,6%/năm theo quy định tại các hợp đồng với số nợ gốc hơn 242 tỷ đồng, và 10%/năm với các số tiền còn lại.

Cocobay Đà Nẵng có quy mô hơn 10.000 phòng nghỉ dưỡng trên tổng diện tích 31 ha, tổng vốn đầu tư lên đến 11.000 tỷ đồng.  Cocobay được quảng cáo rầm rộ trong suốt thời gian dài là “tổ hợp giải trí hàng đầu Đông Nam Á”. 

Thời điểm ra mắt năm 2016, chủ đầu tư Thành Đô cam kết mức lợi nhuận tối thiểu 12%/năm trong 8 năm cho khách hàng mua condotel tại đây.

Tuy nhiên, trong thời gian vận hành dự án từ 2017 - 2018, Empire Group (công ty con thuộc Thành Đô đứng vai trò chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng) đã rơi vào tình trạng thua lỗ hàng chục tỷ đồng/năm.  Đến cuối năm 2018, tổng tài sản của công ty này đạt trên 11.000 tỷ đồng, hơn 50% trong số này là các khoản phải thu và hàng tồn kho. Tương ứng, các khoản nợ phải trả cũng tăng gần gấp đôi, chiếm 92% tổng nguồn vốn.

Cuối năm 2019, Thành Đô gửi thông báo dừng chi trả cam kết lợi nhuận 12%/năm từ năm 2020 cho khách hàng. Doanh nghiệp lý giải việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn do khung pháp lý chưa hoàn thiện, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và vận hành dự án. Tổng cộng Thành Đô nợ các nhà đầu tư thứ cấp gần 1.000 tỷ đồng.

Liên quan đến tập đoàn Hòa Bình, gần 1 tháng nay, cuộc nội chiến tại tập đoàn này nổ ra khiến dư luận xôn xao. Theo đó, 2 phe là phe ông Nguyễn Công Phú (Thành viên HĐQT độc lập, bổ nhiệm từ năm 2021) và phe ông Lê Viết Hải vẫn tranh chấp chiếc ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Về kết quả kinh doanh, quý 3/2022 là một quý khởi sắc của Hòa Bình khi doanh thu thuần đạt 3.778 tỷ đồng, tăng tới 80% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 282 tỷ đồng, tăng 2,4 lần, giúp biên lợi nhuận gộp đạt tới 7,46% (cao hơn nhiều so với cùng kỳ chỉ 5,54%).

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của Hòa Bình đạt 10.904 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 684 tỷ đồng, tăng 35%. Biên lợi nhuận gộp suy giảm nhẹ, đạt 6,27% (cùng kỳ 6,71%).
Tính đến hết ngày 30/9/2022, ợ phải trả của Hòa Bình đạt 14.913 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Như vậy, 80% tài sản của Hòa Bình được hình thành từ nợ phải trả. Nợ vay của Hòa Bình đã có bước tăng khá mạnh trong 9 tháng, đạt 6.566 tỷ đồng, tăng 29%. Trong đó, vay ngắn hạn 5.496 tỷ đồng, tăng 17%; vay dài hạn 1.070 tỷ đồng, tăng 2,7 lần.