Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức vừa thông báo lại danh sách nhà đầu tư mua 130 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ. Theo đó, Công ty Chứng khoán LPBank (LPBS) vẫn dự kiến mua 50 triệu cổ phiếu, Công ty Cổ phầnTập đoàn Thaigroup (Thaigroup) mua 52 triệu cổ phiếu và nhà đầu tư cá nhân Nguyễn Đức Quân Tùng được quyền mua 28 triệu cổ phiếu.
Sự xuất hiện của Thaigroup, thay thế cho Công ty Quỹ Quản lý Cát Việt trong danh sách trước đó, là thông tin đã được dự báo sau khi thị trường lan truyền thông tin tập đoàn của bầu Đức sẽ được bầu Thụy hậu thuẫn.
Cả LPBS và Thaigroup đều có liên quan đến Thaiholdings, một công ty gắn liền với tên tuổi bầu Thụy, người hiện là Chủ tịch HĐQT của LPBank. Cuối tháng trước, LPBank và Hoàng Anh Gia Lai đã ký kết hợp tác toàn diện, khởi đầu mối quan hệ chiến lược của hai bên.
Thành lập từ năm 2007, Thaigroup trước đây là Tập đoàn Xuân Thành, tập đoàn kinh tế tư nhân có địa bàn hoạt động rộng khắp Việt Nam, tập trung đầu tư phát triển vào rất nhiều lĩnh vực như: xi măng, khách sạn, thủy điện. Sau khi tái cấu trúc, Thaigroup hiện là công ty con do Thaiholdings năm giữ 81,6%.
Cũng là một thành viên trong hệ sinh thái của bầu Thụy, LPBS trước đây là Công ty Chứng khoán Liên Việt, hiện chỉ có vốn điều lệ 250 tỷ đồng do LPBank là cổ đông lớn nắm giữ 5,5%.
LPBS đang lên kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm thêm 3.638 tỷ đồng, trong đó một phần nguồn vốn để thực hiện kế hoạch đầu tư vào HAGL trong đợt phát hành riêng lẻ trên.
Thaiholdings chưa trực tiếp sở cổ phần LPBS nhưng lãnh đạo của công ty là bá Vũ Thanh Huệ (Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc) đang là chủ tịch HĐQT của LPBS. Bà Huệ cũng nắm giữ 14% cổ phần của công ty này.
Nếu hoàn tất đợt phát hành theo kế hoạch, LPBS và Thaigroup sẽ sở hữu 102 triệu cổ phiếu HAG, chiếm 9,65% tổng số cổ phần Hoàng Anh Gia Lai sau chào bán.
Sự xuất hiện của nhóm nhà đầu tư này có thể đảm bảo cho kế hoạch phát hành riêng lẻ của bầu Đức thành công sau khi đã thất bại một lần trong năm ngoái.
Cụ thể, tháng 9/2022, HAGL từng chào bán gần 162 triệu cổ phiếu với giá 10.500 đồng, dự kiến thu về 1.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, diễn biến thị trường không phù hợp nên các nhà đầu tư đã từ chối mua, kế hoạch trên thất bại.
Lần này HAGL muốn huy động 1.300 tỷ đồng để thanh toán khoản nợ gốc và lãi trái phiếu trị giá 330 tỷ đồng, cơ cấu lại các khoản nợ vay TPBank (269 tỷ đồng) và bổ sung nguồn vốn lưu động và cơ cấu lại nợ cho công ty con Hưng Thắng Lợi Gia Lai (700 tỷ đồng).
Bầu Đức đang nỗ lực thực hiện lời hứa với cổ đông HAGL là trả hết nợ vào năm 2026 và đưa tập đoàn này trở lại sau 10 năm vật lộn với cảnh nợ nần. Gần đây, tập đoàn đã thanh toán 200 tỷ đồng tiền gốc lô trái phiếu mã HAGLBOND16.26 (6.596 tỷ đồng) cho BIDV.
Tháng trước, HAGL công bố đã thanh lý tài sản là khách sạn Hoàng Anh Gia Lai thu về 180 tỷ đồng. Số tiền này theo dự định là ưu tiên thanh toán một phần nợ trái phiếu đã phát hành.
Nguồn: Dũng Phạm/Theleader
Thaiholdings cứu đợt tăng vốn của Hoàng Anh Gia Lai | TheLEADER