Họ viết tay trái và cơ thể di chuyển sang phải, giúp người học phía dưới không bị che khuất, nhanh chóng nắm ý hơn là phải viết xong rồi đứng tránh ra một phía như người viết tay phải. Mình có lần mình hỏi, sao giáo sư nào cũng thuận tay trái thế, thì thầy trả lời "chúng tôi tập". Rồi thầy nói thêm "anh thuận tay phải thì nên tập sử dụng tay trái cho cuộc sống hàng ngày, lỡ tay phải bị đau thì tay kia sẽ giúp mình thoải mái trong cuộc sống hơn".
Thầy dạy nhưng mình không thấy đúng nên không làm theo. Làm tay trái thấy chậm, khó. Vốn nhanh nhẹn nên mình làm gì làm luôn tay thuận cho nhanh, và một cách vô thức, tay trái chỉ còn là tay phụ, khi cần 2 tay thì mới sử dụng. Tay phải một hôm bị sự cố phải bó bột 1 tháng, đúng lúc này mới hiểu "cãi thầy núi đè". Cầm đũa gắp thức ăn thì rớt lên rớt xuống, gọt hoa quả không được, tắm rửa kỳ cọ người cũng khó, đánh răng cũng chậm, thậm chí bấm điện thoại cũng lâu...
Nhưng vì buộc phải làm nên sau 1 tháng, tay trái cũng thuần thục dần. Mọi thứ đều do làm nhiều mà quen. Lớ ngớ là do ít làm. Sáng nay ngồi ngẫm, nếu gọi là công cụ thì cũng nên có thêm 1 cái sơ-cua (tiếng Pháp secours, tức dự phòng, tiếng Anh là standby/backup, tiếng Trung là 备用/储备), như ĐH Nha Trang có ngành đào tạo cử nhân ngôn ngữ Anh - Trung, là rất hay, sinh viên ra trường gặp Tây thì nói tiếng Anh, gặp người Hoa thì nói tiếng Trung, 2 tay 2 công cụ, dễ kiếm ăn hơn. Trong nhân lực cũng nên có 2 trợ lý, tay trái tay phải, đứa này đau bụng sáng nay xin nghỉ phép thì mình có đứa khác làm. Vợ chồng cũng nên làm khác ngành nhau, ngành mình tèo thì ngành của người kia nuôi. Nhiều nhân viên văn phòng hay thầy cô giáo, còn trẻ thì dấn thân tập trung cho đạt đỉnh nghề đó, nhưng đến tuổi xế chiều rồi rồi, sắm thêm 1 nghề nhẹ nhàng khác như thủ công mỹ nghệ/cây cảnh/món ăn vặt/may vá thêu thùa.... chẳng hạn, tránh bị cú sốc chán nản khi về hưu.