Bị Nga “phản đòn”, EU khủng hoảng, Việt Nam hưởng lợi
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, EU là thị trường tiêu thụ viên nén gỗ lớn nhất thế giới, nhu cầu của cả khu vực chiếm hơn 75% sản lượng toàn cầu với hơn 23,1 triệu tấn năm 2021. Trong bối cảnh “khủng hoảng năng lượng” đang ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến Liên minh Châu Âu, thì viên nén gỗ chính là một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu cho vấn đề. Chính vì quá rõ điều này, nên vào tháng 3/2022, Chính phủ Nga đã giáng một đòn nặng nề nhằm “phản đòn” lại những lệnh trừng phạt của EU. Họ ban hành lệnh cấm xuất khẩu một số sản phẩm gỗ, bao gồm cả sản lượng viên nén gỗ 2,4 triệu tấn/năm, mà từ trước đến nay EU, chính là đích đến của toàn bộ số lượng sản phẩm đó.
Theo Wood Resources International LLC, gần 76% trong tổng sản lượng hơn 23 triệu tấn của EU, được sử dụng để sưởi ấm cho người dân và làm nguyên liệu cho các nhà máy điện. Và tốc độ tăng trưởng của nhu cầu tiêu thụ viên nén gỗ tại Liên minh Châu Âu lên tới 30%-40% trong 5 năm tới, sau đó có thể đạt mức 10 triệu tấn. Vì thế, việc mất đi gần 10% sản lượng để phục vụ cho toàn bộ khu vực từ Nga, đã khiến cho EU phải bắt buộc tìm kiếm nguồn cung thay thế từ những nơi khác. Và Việt Nam là một trong những nơi tiềm năng nhất, khi thuộc top 2 quốc gia sản xuất viên nén lớn nhất thế giới (sau Mỹ) với sản lượng 3,5 triệu tấn năm 2021.
Từ trước đến nay, hơn 95% tổng sản lượng xuất khẩu viên nén gỗ của Việt Nam chủ yếu nhập vào thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhờ vào cơ hội từ việc thiếu hụt nguồn nhiên liệu, nhu cầu viên nén của các quốc gia tăng mạnh, dẫn đến sản phẩm của Việt Nam có cơ hội rất lớn để xuất khẩu sang thị trường EU. Ngoài ra, chính nhu cầu tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc cũng tăng mạnh theo xu hướng chung, nên giá viên nén gỗ của nước ta đã tăng từ 180% - 200%.Theo thông tin tiết lộ từ ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest): "Cuối năm 2021, giá xuất khẩu viên nén gỗ có lúc xuống 100 USD/tấn nhưng hiện nay giá đang ở mức 180-200 USD/tấn".
Đứng trước cơ hội “có một không hai” như vậy, có một doanh nghiệp sản xuất viên nén gỗ tại Việt Nam thuộc top 1 châu Á và top 5 thế giới năm 2020, đã đầu tư hàng loạt dự án để chuẩn bị cho cuộc chơi này. Đó là chính là Tập đoàn An Việt Phát (AVP Group).
Viên nén gỗ - loại nhiên liệu được EU săn đón trong tình thế chịu ảnh hưởng của "khủng hoảng năng lượng"
“Ông trùm” lĩnh vực viên nén gỗ
Tập đoàn An Việt Phát (AVP Group) được thành lập từ năm 2014 tại Đồng Nai, do “nữ hoàng rơm rạ” Bùi Thị Lan sinh năm 1982 làm người đại diện, ông Bùi Tuấn Anh là Tổng giám đốc. Ngoài ra, bà Lan còn là người đại diện của một số doanh nghiệp khác như: Công ty TNHH MTV Nhiên liệu sinh khối, Công ty Điện và Điện tử TCL (Việt Nam), Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu Năng lượng An Việt,... và nhiều công ty khác. Theo trang chủ giới thiệu, thì hiện tại AVP Group có đến 8 công ty thành viên, 4 chi nhánh, 22 văn phòng đại diện, 8 nhà máy và 1000 nhân sự làm việc các các đơn vị. Không chỉ sản xuất viên nén gỗ, tập đoàn còn tập trung vào các lĩnh vực: giấy, than đá, đèn, vận tải, nông sản và bất động sản.
Người đứng sau Tập đoàn An Việt Phát - Bà Bùi Thị Lan tại các hoạt động liên quan đến dự án của mình
Tháng 3/2021, sau 13 tháng khởi công xây dựng, AVP Group đã khánh thành Nhà máy sản xuất, chế biến lâm sản tiêu thụ nội địa và xuất khẩu An Việt Phát Hà Tĩnh (giai đoạn 1). Dự án nhà máy này do thành viên của tập đoàn là Công ty TNHH MTV Năng lượng An Việt Phát làm chủ đầu tư với tổng số vốn hơn 1.287 tỷ đồng. Theo như Tổng giám đốc của AVP Group, An Việt Phát Hà Tĩnh là nhà máy thứ hai trong tổng số 20 nhà máy đã và sắp triển khai để phục vụ cho thị trường xuất khẩu.
Đến năm 2022, Tập đoàn An Việt Phát đã đề xuất và chuẩn bị triển khai hàng loạt dự án, nhằm tận dụng cơ hội thị trường đang rất tốt cho các lĩnh vực của công ty. Chỉ sau đúng 1 năm khánh thành nhà máy An Việt Phát Hà Tĩnh, tập đoàn của bà Bùi Thị Lan tiếp tục gửi văn bản cho UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất dự án nhà máy điện sinh khối 8.500 tỷ đồng. Theo thông tin tìm hiểu, điện sinh khối là điện được tạo ra từ các nguyên vật liệu sinh khối có nguồn gốc sinh học như: cây công nghiệp, phụ phẩm nông nghiệp và lâm nghiệp. Theo như đề xuất, dự án nhà máy điện sinh khối có diện tích 25-30ha, có công suất 112 MW và hoạt động trong vòng 50 năm.
Ba tháng sau, AVP Group làm lễ khởi công xây dựng dự án Nhà máy sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu đầu tiên tại tỉnh Bình Định. Dự án này cũng nằm trong chuỗi 20 nhà máy của tập đoàn, nhằm tăng mạnh sản lượng viên nén để đáp ứng xu thế tăng trưởng mạnh của nhu cầu tiêu thụ trên thế giới. Nhà máy được xây dựng tại Cụm công nghiệp Tây Xuân (Tây Sơn, Bình Định) với diện tích 5,8ha, cùng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng, sẽ bắt đầu hoạt động vào quý III/2023. Gần đây nhất, vào cuối tháng 8/2022, Tập đoàn An Việt Phát liên tiếp nhận được 2 giấy chứng đầu tư dự án cùng lúc. Một là Nhà máy viên nén gỗ xuất khẩu tại tỉnh Hà Giang, và hai là Nhà máy chế biến lâm sản tiêu thụ nội địa - xuất khẩu tại tỉnh Tuyên Quang.
Hình ảnh Nhà máy An Việt Phát Hà Tĩnh được khánh thành vào năm 2021
Ngoài việc xây dựng các nhà máy chế biến và sản xuất, AVP Group còn tập trung vào các kế hoạch trồng rừng nhằm bảo được nguồn nguyên vật liệu chất lượng và ổn định. Một thành viên của AVP Group - Hợp tác xã (HTX) An Việt Phát là đơn vị chuyên phụ trách các dự án trồng rừng, và hỗ trợ người dân đảm bảo chất lượng rừng phù hợp với yêu cầu các thị trường khó tính. Mới đây HTX đã giúp 1.153 chủ rừng tại Quảng Bình có được chứng chỉ FSC bảo đảm cho 3.070ha rừng. Đây là chứng chỉ yêu cầu bắt buộc tại các thị trường nhập khẩu viên nén khó tính, giúp cho các nhà quản lý rừng, nhà sản xuất sản phẩm từ rừng đảm bảo được các tiêu chí liên quan đến khai thác rừng. Tập đoàn cũng đã đề xuất với ban lãnh đạo tỉnh Điện Biên về việc trồng 100.000ha rừng với mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, phục vụ cho Nhà máy chế biến của tập đoàn tại đây.
Với việc triển khai hàng loạt dự án hàng trăm, hàng nghìn tỷ trở lên, thì số liệu tài chính của An Việt Phát là điều được quan tâm nhất. Chỉ trong vòng 3 năm, 2017 - 2020, AVP Group đã tăng vốn điều lệ gấp 8 lần, từ 100 tỷ lên con số 800 tỷ đồng. Song song đó, kết quả kinh doanh của tập đoàn cũng tăng trưởng qua các năm. Năm 2018, An Việt Phát có kết quả kinh doanh vô cùng ấn tượng khi doanh thu tăng trưởng gần 200%, từ 1.202 tỷ năm 2017 tăng vọt lên 2.025 tỷ đồng. Đặc biệt, lãi ròng tăng hơn gấp 3 lần từ 24 tỷ đồng lên 78 tỷ đồng. Sang năm 2019, doanh thu và lợi nhuận chỉ còn tăng khoảng 10% so với năm trước. Đến năm 2020, AVP Group ghi nhận doanh thu là 2.440 tỷ đồng và lãi ròng 127 tỷ đồng.
Tình hình kinh doanh của AVP Group giai đoạn 2017-2020 (Nguồn: Cafebiz)
Viên nén gỗ - lĩnh vực “mới nổi” đem lại nguồn thu hàng trăm triệu USD
Viên nén gỗ là một loại nhiên liệu sinh học có nguồn gốc từ chất thải của gỗ thông, gỗ cao su (mùn cưa, dăm gỗ,...), được ép thành các viên gỗ nhỏ và cứng nhờ vào quy trình hiện đại. Công dụng của nó chính có thể tạo ra nhiệt lượng cao, khi sử dụng viên nén gỗ giúp giảm đáng kể lượng khí thải CO2, chi phí thấp hơn so với những dạng nhiên liệu khác. Ngoài ra, viên nén được sản xuất từ phế phẩm của các nhà máy chế biến gỗ, nên việc sản xuất sản phẩm sẽ góp phần giải quyết vấn đề xử lý chất thải. Vì thế nó được sử dụng nhiều trong các lò sưởi, phù hợp với các quốc gia có khí hậu thường xuyên lạnh như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc,...
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu viên nén gỗ của nước ta đã vượt tổng giá trị xuất khẩu của cả năm 2021. Chỉ cần 7 tháng đã mang về 450 triệu USD, tăng 78% so với cùng kỳ năm trước, và vượt xa 412,98 triệu USD của tổng giá trị năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc mang giá trị cao nhất lên đến 257 triệu USD, tăng 71,8% so với năm 2021. Tiếp theo là xuất khẩu sang Nhật Bản mang về 177 triệu USD, tăng trưởng 66,5%. Tốc độ tăng trưởng của thị trường này vô cùng cao do tác động của “khủng hoảng năng lượng” diễn ra trên toàn cầu, và xu thế sử dụng nhiên liệu sạch do yêu cầu chung của thế giới. Theo Hiệp hội Năng lượng sinh học thế giới, chỉ trong vòng 4 năm nữa, thị trường viên nén gỗ toàn cầu có thể đạt con số lên 15,63 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng gộp hằng năm 7,28% trong giai đoạn 2021-2026.