Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 1)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 2)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 3)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 4)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 5)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 6)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 7)
Trong bài viết này, chúng ta sẽ nói đến 3 anh em Trương Giác, Trương Bảo, Trương Lương, nhưng do có rất ít tài liệu lịch sử ghi chép về cuộc đời của 3 người này trước cuộc Khởi nghĩa Khăn Vàng, chúng ta sẽ chỉ nói về việc làm sao họ xây dựng lực lượng cho quân khởi nghĩa, bởi họ phải mất cả một thập kỷ chuẩn bị để lật đổ nhà Hán.
Và mặc dù không có tài liệu lịch sử nào ghi chép về nghề nghiệp của 3 anh em này trước cuộc khởi nghĩa, cũng như năm sinh của họ, chúng ta biết rằng họ sinh sống ở Cự Lộc quận. Nếu ai quen thuộc với tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung, có thể từng đọc qua ngay trong hồi 1 rằng Trương Giác là 1 nho sinh nhưng do thi trượt tú tài, cùng 2 anh em chuyển sang làm thầy thuốc. Rồi một ngày, trong lúc trên núi hái thuốc, ông gặp được 1 cụ già đưa cho ông cuốn “Thái bình yêu thuật” rồi hoá thành gió biến mất. Và cuốn tiểu thuyết cho rằng cụ già này là Nam Hoa lão tiên do Trang Tử hoá thành, Trang Tử là một triết gia nổi tiếng của Đạo giáo thời Chiến Quốc.

Nhưng tất nhiên, những điều này chỉ là giả tưởng, kỳ thi tú tài để tuyển chọn quan chức đầu tiên là từ thời nhà Tuỳ, tức là gần 1,000 năm sau. Trương Giác không thể là một nho sinh, và thi trượt kỳ thi tú tài không tồn tại thời đó được, ông có thể chỉ là 1 nông dân bình thường. Ông đúng là có nhận 1 cuốn sách về Đạo giáo, nhưng ông chắc chắn không nhận nó ở trên núi từ 1 cụ già hoá thành gió biến mất. Cuốn sách mà Trương Giác nhận được là “Thái bình kinh” của Vu Cát, một đạo sĩ cũng sống vào thời này ở Đông Hải. Một điều thú vị là cuốn “Thái bình kinh” này từng được dâng lên cho Hán Hoàn Đế Lưu Chí mà chúng ta nói đến trong phần 1, Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử nhà Đông Hán ủng hộ Đạo giáo và tôn vinh các vị thần của Đạo giáo trong triều. Ông làm vậy để hạ sinh được con trai, bởi 3 người con ông sinh ra đều là gái, việc này là về mặt mê tính hơn là triết học, do đó khi có người dâng cho ông cuốn “Thái bình kinh,” Lưu Chí thấy có nhiều ý tưởng cải cách Đạo giáo trong cuốn sách, liền tức giận chém đầu luôn người đó. Mọi người phải hiểu là trong thời kỳ này, nhà Hán đã không còn ủng hộ Đạo giáo nữa, và các quan chức trong triều chỉ độc tôn mỗi Nho giáo. Nhưng vào đầu thời nhà Tây Hán, tức khoảng 300 trước, triều đình vẫn coi Đạo giáo là quốc giáo, do đó nhiều truyền Đạo giáo như Vu Cát và Trương Giác cho rằng việc nhà Tây Hán thành công là nhờ tôn giáo này.
Năm 168, khi Trương Giác nhận cuốn sách này, ông tạo ra một nhánh Đạo giáo mới của mình gọi là “Thái bình đạo,” ông thường truyền đạo qua việc chữa bệnh cho mọi người, nói rằng nhờ phép thuật và nước thánh của ông mà mọi người mới hết bệnh. Nhờ một phần may mắn, tên tuổi của ông được truyền đi khắp cả nước, và nhiều người phải đi cả nghìn dặm để gặp ông chữa bệnh bằng nước thánh. Nhờ nổi danh như vậy, Trương Giác lấy cớ chữa bệnh để đưa các đồ đệ mình đi khắp 8 châu truyền đạo.
Năm 178, 10 năm sau khi lập ra Thái bình đạo, Trương Giác đã có hơn 100,000 người theo đạo. Và ông bắt đầu có ý tưởng lật đổ nhà Hán, nhưng tuy nhiên, ông chưa bao giờ muốn mở ra một cuộc khởi nghĩa khắp cả nước, bởi Trương Giác biết rằng những người theo ông đa phần là những nông dân tầng lớp thấp, phải bỏ quê nhà do thiên tai, thuế cao, hoặc trốn nghĩa vụ quân sự để không phải đánh với các bộ tộc du mục ở phía bắc, không có cơ hội để đánh bại được đội quân có tổ chức của nhà Hán, cho dù có yếu tố bất ngờ đi nữa. Vì vậy kế hoạch của họ là bất ngờ ập vào tấn công kinh thành rồi kiểm soát Hoàng đế, để họ có thể tuyên bố trời xanh đã hết, trời vàng lên thay, rồi họ sẽ sử dụng sự ủng hộ của nhân dân khắp các châu để kiểm soát chính quyền địa phương.
Để làm được điều này, họ đã bỏ nhiều năm để chuẩn bị. Ở phía nam Trung Hoa, dưới sự giám sát lỏng lẻo của triều đình, Trương Giác sai Mã Nguyên Nghĩa tới để chiêu mộ và huấn luyện binh lính, với những người theo khởi nghĩa khắp Trung Hoa được tổ chức và chia làm 36 “phương,” mỗi phương gồm từ 6,000 đến 10,000 người. Ở Lạc Dương, Trương Giác sai Đường Châu vào mua chuộc các quan chức trong triều, lợi dụng việc có nhiều người nhà của họ đã theo Thái bình đạo, cho rằng tôn thờ Trương Giác sẽ giúp họ hết bệnh hoặc sống lâu. Việc mua chuộc này khá thành công, vì đa số các quan chức trong triều vốn đã quen với việc tham nhũng rồi, giúp nhiều quan trong triều hứa sẽ bí mật giúp đỡ họ, bao gồm cả nhiều hoạn quan nổi tiếng, giúp che dấu sự lớn mạnh của tôn giáo này qua mắt Hoàng đế. Và để nhiều người ủng hộ cho cuộc khởi nghĩa hơn, Trương Giác còn sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền như ra nhiều bài hát và thơ cho cuộc khởi nghĩa như “Thương thiên dĩ tử, hoàng thiên đương lập, Tuế tại Giáp Tử, Thiên hạ đại cát” (蒼天已死,黃天當立,歲在甲子,天下大吉), tức “Trời xanh đã hết, Trời vàng nên dựng. Đúng năm Giáp Tí, Thiên hạ đại cát.” Giáp Tí ở đây là chỉ cả ngày và năm Giáp Tí, tức ngày 5 tháng 3 năm 184 Dương lịch.
Như vậy là Trương Giác và những đồ đệ của ông chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa liên tục suốt nhiều năm. Và khi mọi việc đang tiến triển vô cùng thuận lợi, bao gồm cả nhiều thiên tai vào năm 183 gồm động đất, hạn hán và nạn đói, khiến càng nhiều người tin trời xanh đã hết, và ủng hộ cuộc khởi nghĩa của Trương Giác vào năm tới hơn. Nhưng chuẩn bị kỹ càng là vậy, vào tháng 2 năm 184, chỉ vài tuần trước khi tiến hành kế hoạch tấn công kinh thành, một sự kiện đã khiến Trương Giác và phe Khăn Vàng hoàn toàn trở tay không kịp, để biết được sự kiện đó là gì, xem phần sau sẽ rõ.