Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 1)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 2)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 3)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 4)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 5)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 6)
Trong phần này, chúng ta sẽ nói về “Lương Châu Tam Minh” (涼州三明) gồm Hoàng Phủ Quy, Trương Hoán và Đoàn Quýnh. Cả ba vị tướng này đều từng giữ chức “Hộ Khương hiệu uý” (护羌校尉), tức chức quan chịu trách nhiệm quản lý tộc Khương, mối đe doạ ngoại bang lớn nhất của nhà Hán sau khi đánh bại được quân Hung Nô. Và vì cả 3 vị tướng này đều rất thành công trong việc trấn giữ biên cương phía tây bắc cho nhà Hán, họ được gọi là Lương Châu Tam Minh, bởi cả 3 đều có từ “Minh” trong tên tự của mình: Uy Minh (威明; Hoàng Phủ Quy), Nhiên Minh (然明; Trương Hoán); Kỷ Minh (纪明; Đoàn Quýnh)

Tuy nhiên, 3 người này lại có cách xử lý dân du mục và tham nhũng tại Lương Châu vô cùng khác nhau. Bắt đầu với nhân vật chúng ta quen thuộc nhất: Trương Hoán, vì ông đã một lần xuất hiện trong phần 2 rồi. Trương Hoán sinh năm 104, cha ông là Thái thú Hán Dương, thủ phủ Lương Châu, nhờ đó, ông được giáo dục rất tốt từ bé và trở thành một nho sinh trong khi còn rất trẻ. Năm 155, ở tuổi 51, ông được phong làm chỉ huy trấn giữ thành An Định tại Lương Châu, dưới trướng chỉ có 200 người. Không lâu sau khi ông nhậm chức, 7,000 quân Hung Nô ở phía bắc tiến vào cướp bóc, quấy phá Lương Châu, khiến cho nhiều người Khương bản địa cũng theo Hung Nô đi cướp phá. Ngay lập tức, Trương Hoán ra lệnh phản công, mặc dù trong thành chỉ có 200 quân, ông đoán đúng rằng thực chất người Khương không có ý khởi nghĩa, mà là tranh thủ theo quân Hung Nô cướp của. Vì vậy, khi quân thấy quân của Trương Hoán tới, dân Khương nhan chóng đầu hàng sau vài trận đánh. Sau đó, ông tuyển những người Khương này vào quân đội của mình, và dùng họ để đẩy lui tộc Hung Nô.
Nhờ có chiến thắng này, triều đình quyết định thăng ông làm đại sứ cho các chư hầu phía nam tộc Hung Nô, nhằm làm nội gián thăm dò các hoạt động của tộc này. Cuối năm đó, tộc Hung Nô lại liên minh với các bộ lạc Tiên Ti và Ô Hoàn tiến hành cướp phá vào U Châu, phía đông bắc Trung Hoa. Trương Hoán, một lần nữa, áp dụng chiến thuật “chia để trị,” ông dùng tiền mua chuộc tộc Ô Hoàn, khiến họ đổi phe theo nhà Hán. Sau đó mở các chiến dịch nhỏ, nhằm tiêu diệt các lãnh đạo chỉ huy quân Hung Nô, buộc tộc Hung Nô, giờ không còn ai lãnh đạo, đầu quân cho nhà Hán. Sau đó, sử dụng quân đội nhà Hán, tộc Hung Nô và Ô Hoàn để tiêu diệt tộc Tiên Ti ngoan cố hơn, nhờ vậy đem lại hoà bình tạm thời cho biên giới phía bắc nhà Hán.
Năm 159, khi Hán Hoàn Đế Lưu Chí cuối cùng cũng diệt được Lương gia, như đã nói trong phần 2, Trương Hoán lại bị cách chức, vì Hoàng đế coi ông là quan chức được Lương Ký bổ nhiệm. Ông về vườn trong vòng 5 năm, trong khoảng thời gian đó, Hoàng Phủ Quy, cũng nằm trong Tam Minh, viết tấu sớ xin Hoàng đế tha cho Trương Hoán đến 7 lần, trước khi triều đình quyết định phục chức cho ông, phong Trương Hoán làm Thái thú Vũ Uy (fun fact: như đã nói, Hoàng Phủ Quy là cậu của Hoàng Phủ Tung, người sau này cũng xin Hoàng đế miễn tội cho Lư Thực khi bị hoạn quan vu oan, cái nhà này có truyền thống xin tha tội cho mọi người nhỉ).
Trở lại với Trương Hoán, khi ông nhậm chức thái thú Vũ Uy, vùng đất ở biên cương phía tây bắc nhà Hán. ông hạ lệnh cho cắt giảm tô thuế, phân chia đồng đều các vùng đất chưa được khai hoang, và ban hành luật nghiêm cấm bóc lột lao động với các dân tộc thiểu số. Ngoài ra, ông còn bãi bỏ cả hủ tục mê tín lạc hậu ở những bộ lạc, thời này, họ vẫn giữ một số hủ tục như giết tất cả những trẻ em sinh ra vào cùng tháng với ba hoặc mẹ. Nhờ những chính sách này, Trương Hoán đã phần nào làm giảm sự tranh chấp giữa các dân tộc thiểu số và dân Hán.
Danh tiếng vang dội, ông lại được thăng chức, chịu trách nhiệm trấn giữ toàn bộ vùng biên cương phía bắc Trung Hoa, gồm U Châu, Tịnh Châu, Lương Châu chống lại các tộc du mục. Nhờ tài năng của mình, những vùng này sau đó không còn có dấu hiệu nổi loạn, chỉ trừ Lương Châu. Nhưng năm 166, triều đình quyết định thăng chức cho ông làm Đại tư nông, một trong 9 chức quan thuộc Cửu khanh, vừa nghe tin ông về Lạc Dương nhậm chức, tộc Hung Nô lại liên minh với tộc Tiên Ti, Ô Hoàn và Khương tiếp tục làm loạn, cướp phá khắp 3 châu U, Lương, Tịnh. Nghe được tin đó, Trương Hoán từ chức Đại tư nông, nói triều đình cho Hoàng Phủ Quy làm thay mình, và gấp rút quay lại phía bắc, tộc Hung Nô vừa thấy Trương Hoán đã lập tức đầu hàng. Ông nhanh chóng dẹp yên được các bộ lạc này, chỉ trừ Lương Châu là vẫn còn 5,000 quân du mục người Khương nổi loạn. Do đó, Trương Hoán quyết định cho Đổng Trác, lúc này là tướng dưới trướng ông, bởi Đổng Trác là người quen thuộc với Lương Châu nhất, đưa quân sang dẹp loạn.
Sau một năm thì dẹp yên được Lương Châu, Trương Hoán cuối cùng cũng trở về kinh thành nhậm chức. Và đó là lúc chúng ta thấy Trương Hoán trong phần 2, khi ông trở về vừa đúng lúc Đại tướng quân Đậu Vũ và hoạn quan đang chém giết nhau ở Lạc Dương. Ông không biết lại giúp đỡ hoạn quan, bởi họ có Hoàng đế trong tay, Trương Hoán nghĩ mình đang giúp Hoàng đế vì ông biết gì về những việc diễn ra ở triều đình. Ông hối hận, làm Đại tư nông được 1 năm thì từ quan do mâu thuẫn với hoạn quan và trở về Lương Châu làm thầy đồ dạy học 12 năm trước khi qua đời ở tuổi 78.
Giờ chúng ta nói đến Hoàng Phủ Quy, người xin Hoàng đế tha tội cho Trương Hoán. Hoàng Phủ Quy cũng sinh năm 104, ở An Định quận, thuộc Lương Châu, cũng khá gần nơi sinh của Trương Hoán. Ông nội và cha ông đều là những tướng quân chống tộc Hung Nô giúp nhà Hán, nhờ sinh trong một gia đình có truyền thống quân sự như vậy, Hoàng Phủ Uy từ nhỏ đã được cho học Binh pháp và am hiểu khá nhiều điều trong binh gia. Nhưng không may là ông lại không có cơ hội chứng tỏ bản thân hồi còn trẻ, vì không được phong chức quan nào cả.
Năm 141, tộc Tây Khương mở một cuộc tấn công lớn vào thành An Định, và bao vây thành trong nhiều tháng. Để đáp trả, triều đình nhà Hán đưa một đội quân khổng lồ, khoảng 100,000 người để giải vây cho thành này, bởi nếu An Định rơi vào tay quân giặc, thì rất có thể mục tiêu tiếp theo sẽ là Trường An. Và trong khu thành An Định này, Hoàng Phủ Quy, lúc này chỉ là 1 thường dân, mọi ngày thường leo lên cổng thành để xem xét chiến thuật của cả phe Tây Lương và phe triều đình. Ông sau đó viết một báo cáo rất dài, nói rằng nhà Hán đang sử dụng sai chiến thuật chống lại quân Tây Lương. Đúng như dự đoán, sau vài tháng, quân nhà Hán đã đại bại, tất cả các tướng quân đều bị giết, và thành An Định tiếp tục bị vây. Thái thú An Định lúc đó thấy Hoàng Phủ Quy hiểu chuyện, bởi tất cả những gì trong báo cáo đều đúng cả, cho ông làm chỉ huy 800 quân lính còn lại trong thành. Hoàng Phủ Quy dùng 800 lính này xông ra khỏi thành, sau một trận đánh ác liệt, đã có thể giải vây cho thành.
Tới đây có thể bạn nghĩ Hoàng Phủ Uy sẽ nhận được 1 chức quan to, nhưng thay vì nhận thưởng, ông nhân cơ hội viết một bản báo cáo dài hơn nữa, nói rằng nhà Hán đang sử dụng sai chiến lược quân sự và dân sự tại Lương Châu, rằng đội quân Hán ở đây quá lớn, quá cồng kềnh và quá bị động, không thể đối mặt với chiến thuật du kích của các bộ lạc nhỏ được. Vì đội quân quá lớn mà không thể ngăn quân du kích, khiến cho hậu cần của quân Hán không thể đủ. Và mỗi lần thiếu hậu cần như vậy, quân lính người Hán lại tiến hành cướp bóc lương thực từ các bộ lạc ôn hoà hơn, khiến nhiều bộ lạc nổi loạn hơn nữa. Tệ hơn nữa, các quan chức ở đây lại vô cùng tham nhũng, khiến nhiều người dân Hán cũng bóc lột nặng nề, dẫn đến họ bỏ làm ruộng và trở thành các tướng cướp. Vì vậy, ông nói triều đình hãy cho ông nắm giữ đội quân 5,000 người đóng ở phía tây để chống quân du kích, đồng thời đưa ra một danh sách các quan lại tham nhũng cần được loại bỏ. Tất nhiên là triều đình không quan tâm, bởi lúc này Hoàng Phủ Uy chỉ là một thường dân, và có rất nhiều quan trong triều nhận hối lộ từ các tham quan này.
Năm 146, Lương Ký trở thành nhiếp chính trong triều, như phần 1 đã nói, Hoàng Phủ Quy lại tiếp tục viết nhiều báo cáo hơn nữa, nói Lương Ký là 1 một quan chức lộng quyền và tham nhũng, khiến ông mất luôn chức quan nhỏ mà ông vừa mới nhận. Nhưng Hoàng Phủ Quy rất thẳng thắn, ông tự cho là mình làm điều đúng, và về quê làm thầy đồ dạy học được 14 năm.
Sau khi Lương Ký bị Lưu Chí giết vào năm 169, Hoàng Phủ Quy một lần nữa được mời về làm quan, ông được chuyển sang phía đông để dẹp yên một cuộc nổi loạn ở Thái Sơn. Sau khi thành công dẹp yên quân nổi loạn, ông may mắn có được cơ hội thăng tiến khi Hộ Khương hiệu uý lúc đó là Đoàn Quýnh, cũng thuộc Tam Minh, tạm thời bị cắt chức do xích mích với thái thú địa phương. Ông được thế chỗ Đoàn Quýnh và quay trở lại Lương Châu, khi đến đây, ông quyết định thương lượng hoà bình với nhiều bộ lạc địa phương, sau đó đẩy mạnh nhiều chính sách cải cách và chống tham nhũng khắp vùng Lương Châu.
Triều đình thấy ông có tài, phong Hoàng Phủ Quy trấn thủ toàn bộ vùng biên giới phía bắc, tuy nhiên, ông biết mình gây thù chuốc oán với nhiều tham quan và hoạn quan nên xin triều đình cho Trương Hoán lên làm thay cho ông, còn mình chỉ làm tướng dưới quyền Trương Hoán. Đây cũng là lý do Trương Hoán có cơ hội để dẹp yên các bộ tộc Hung Nô, Tiên Ti và Ô Hoàn. Sau khi Trương Hoán không thể về kinh thành nhậm chức Đại tư nông, ông xin triều đình phong Hoàng Phủ Quy thay thế mình. Trong 8 năm sau đó, ông cũng chỉ giữ một số chức quan nội chính trong triều, Hoàng đế nhiều lần muốn phong ông làm Hộ Khương hiệu uý trở lại, nhưng Hoàng Phủ Quy lúc đó đã quá lớn tuổi, ông chỉ giữ chức này đến năm 174, khi qua đời ở tuổi 71.
Mặc dù Hoàng Phủ Quy không có tham gia bất kỳ trận đánh lớn nào, chúng ta cũng có thể thấy ông là người chỉ huy rất giỏi. Nhưng cái ông giỏi hơn cả là tìm hiểu rõ nguyên nhân xảy ra các cuộc nổi loạn ở Lương Châu, ông đã đúng rằng những bộ lạc này thực chất không có ý chống lại nhà Hán, và nếu triều đình ít tham nhũng và đưa ra những chính sách tốt hơn, các bộ tộc này và dân Hán có thể chung sống hoà thuận với nhau. Vậy nên bất kể khi có một cuộc nổi loạn nào xảy ra, Hoàng Phủ Quy luôn chọn con đường thương lượng trước hết. Chính sách này không giống như Trương Hoán, người rất thân với Hoàng Phủ Quy, ông trước tiên dùng việc thương lượng trước để chia rẽ các bộ tộc, sau đó dùng lợi dụng việc này cho họ đánh lẫn nhau.
Không như cả hai người, Đoàn Quýnh là diều hâu trong Tam Minh Lương Châu, ông tin rằng chỉ có 1 cách duy nhất để giải quyết vấn đề dân du mục là thông qua các chiến dịch đốt sạch, cướp sạch, giết sạch, gần như là diệt chủng. Đoàn Quýnh sinh ra ở Vũ Uy, ông nội và cha ông cũng là tướng quân chống giặc Hung Nô của nhà Hán, nhờ vậy, Đoàn Quýnh cũng được giáo dục tốt từ bé. Khoảng năm 155, ông được triều đình cho trấn giữ một nước chư hầu ở Liêu Đông, gần khu vực Triều Tiên hiện nay, để chống tộc Tiên Ti. Ông thành công bằng làm giả ngọc tỷ, khiến quân Tiên Ti bị mắc bẫy.
Tuy chiến thắng, nhưng tội làm giả ngọc tỷ là tội nặng, ông bị giáng làm lính thường phải chiến đấu ở biên cương. Nhưng ông là người chỉ huy giỏi nên được nhiều lần thăng chức, cho đến năm 159, khi ông được bổ nhiệm là Hộ Khương hiệu uý. Đây là lúc ông sử dụng chiến thuật cướp giết của mình để tiêu diệt tất cả các bộ lạc dám chống đối nhà Hán. Ví dụ, trong một chiến dịch vào năm 160, Đoàn Quýnh đánh bại được 1 bộ lạc du mục, sau đó ông xua quân đuổi theo bộ tộc này 40 ngày liên tục giữa mùa đông lạnh lẽo, đội quân của ông dùng tuyết làm nước uống, dùng xác chết của quân địch làm lương thực, trước khi họ đuổi kịp và giết hết 1,600 người của bộ lạc, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, rồi thiêu sống luôn 90 người đầu hàng quân Hán.
Năm 161, ông bị giáng chức do có xích mích với 1 thái thú ở Lương Châu. Nhưng được phong làm Hộ Khương hiệu uý trở lại vào năm 163, khi tộc Khương một lần nữa cướp phá Lương Châu, khi trở lại làm việc, ông nhanh chóng lên kế hoạch mở một chiến dịch phản công cực lớn, khiến tên tuổi ông vang dội. Ví dụ, vào mùa xuân năm 165, Đoàn Quýnh mở chiến dịch tấn công vào toàn bộ các bộ lạc Đông Khương, trong vòng 6 tháng liên tục, ông đã giết hết 23,000 người tộc Đông Khương, nô dịch hơn 10,000 người khác và cướp được hơn 8 triệu loài gia súc.
Ông liên tục mở nhiều chiến dịch tương tự vào những năm sau, cho đến năm 169, khi ông mở chiến dịch cuối cùng, đuổi toàn bộ tộc Đông Khương khỏi Lương Châu, trong đó ông đánh hơn 180 trận, giết hơn 38,600 quân địch, cướp được hơn 427,500 gia súc, và đến khi chiến dịch này kết thúc, chỉ có 4,000 người Đông Khương là còn sống, bởi vì Đoàn Quýnh đã gần như tận diệt tất cả dân Đông Khương. Và mặc dù chiến dịch này khiến nhà Hán phải chi hơn 4,4 tỷ ngũ thù, Đoàn Quýnh chỉ mất hơn 400 quân, và được coi là tướng quân thành công nhất nhà Đông Hán.
Một năm sau, ông trở về kinh thành và được coi là một anh hùng dân tộc, sau đó ông liên minh với phe hoạn quan và có cuộc sống sa hoa đến tận năm 179, khi phe hoạn quan bảo kê cho ông bị mất quyền, và có nhiều đại thần trong triều báo cáo về việc tham nhũng của Đoàn Quýnh cho Hoàng đế, khiến ông bị tống vào ngục và bị đầu độc chết.
Chiến dịch năm 169 của Đoàn Quýnh giúp bình định được Lương Châu trong nhiều năm, cho đến khi một cuộc khởi nghĩa lớn khác nổ ra ngay giữa lúc loạn Khăn Vàng, khiến nhà Hán không dễ dàng giải quyết được nữa. Trở lại với phần sau để chúng ta nói về anh em nhà Trương và cuộc Khởi nghĩa Khăn Vàng nhé.
Minh Hoang Phuc dịch từ Serious Trivia