Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 1)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 2)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 3)
Trong phần trước chúng ta đã nói tới việc Hán Hoàn Đế Lưu Chí băng hà, và mặc dù ông là đam mê tửu sắc, Hoàng đế chỉ để lại 3 người con gái duy nhất. Và triều đình lại một lần nữa phải đi tìm hoàng thân để lập làm Hoàng đế. Đương nhiên, quyết định này được Hoàng thái hậu Đậu Diệu và cha là tướng quân Đậu Vũ quyết định.
Và như trong phần trước đã nói thì Đậu Vũ là một người khuyên Hoàng đế tha cho các sĩ nhân trong cuộc Đảng Cố Chi Hoạ, nên có lẽ mọi người cũng đoán được ông theo phe nào rồi, tất nhiên là cũng sẽ không có lý do gì để không chọn Hoàng đế nhỏ tuổi một chút để Đậu Vũ lên làm nhiếp chính trong triều. Và sau khi bàn bạc với nhau, họ Vũ quyết định đưa Lưu Hoành, một hầu tước 12 tuổi lên làm Hoàng đế, không chỉ vì tuổi nhỏ, mà còn do cha Lưu Hoành mất sớm, nên ngoài người mẹ không có tiếng nói ra, không ai có thể giúp đỡ Hoàng đế mới này cả.

Đúng như Đậu Vũ dự tính, Hán Linh Đế Lưu Hoành khi đăng cơ không có thực quyền gì cả, quyền lực một lần nữa rơi vào tay ông, Đậu Vũ sau đó tự phong mình làm Đại tướng quân, và Trần Phồn, một nho sĩ đã gần 80 tuổi, người trước đây cũng từng xin Hoàng đế tha tội cho phe sĩ nhân trong vụ Đảng Cố Chi Hoạ, làm Thái Phó. Đến đây thì có lẽ chúng ta cũng đoán được Đậu Vũ đang muốn làm gì, khi ông liên tục phong chức cho nhiều sĩ nhân trong triều, và nếu chúng ta có thể đoán được, đương nhiên các hoạn quan cũng có thể đoán được, và họ luôn theo dõi sát sao từng bước đi của Đậu Vũ.
Vào tháng 5 năm 168, một hiện tượng nhật thực xuất hiện, Đậu Vũ và Trần Phồn lợi dụng hiện tượng này để tuyên truyền chống lại hoạn quan, nói các hoạn quan đang che lấp đi mặt trời, đại diện cho Hoàng đế. Mặt khác, Đậu Vũ và Trần Phồn bí mật thả tự do cho một số sĩ nhân bị hại trong vụ Đảng Cố Chi Hoạ, bao gồm cả Lý Ưng, mặc kệ có Thánh chỉ xuống nói họ phải bị giam giữ họ tại gia. Và Đậu Vũ cùng những sĩ nhân này cùng lập lên kế hoạch để đưa quân ập vào cung, giết hết tất cả các hoạn quan. Nhưng do một số lý do, một phần là vì Thái hậu Đậu Diệp, người đã quen sống trong cung được các hoạn quan chăm sóc, không đồng ý giết hết tất cả hoạn quan, và ngay cả Đại tướng quân Đậu Vũ cũng không chắc chắn được hành động của mình có được người dân ủng hộ không, nên kế hoạch bị tạm hoãn lại để Đậu Vũ tìm được nhiều bằng chứng chống hoạn quan hơn.
Vậy là kế hoạch bị tạm hoãn lại thêm 3 đến 4 tháng sau, cho đến khi bị một hoạn quan phát hiện vào đêm mùng 7 năm 168. Ngay lập tức, 17 hoạn quyền lực nhất, đứng đầu là Vương Phủ và Tào Tiết, được triệu tập vào cung bàn bạc với nhau để bảo vệ mạng sống của mình. Không như Đậu Vũ, các hoạn quan ngay lập tức hành động, họ hạ lệnh cho đóng cổng thành, cướp Hoàng đế làm con tin, và lấy ngọc tỷ của ông để triệu tập ngự lâm quân tiến đến dinh thự của Đậu Vũ, lấy cớ là được lệnh Hoàng đế bắt giữ ông. Tuy nhiên, Đậu Vũ cũng đã chuẩn bị quân đội và hai bên đánh nhau ác liệt khắp cả kinh thành Lạc Dương.
Trùng hợp thay là ngay lúc này tướng quân Trương Hoán, cùng quân đội của mình sau nhiều năm trấn giữ biên cương, chống quân giặc người Khương và Hung Nô ở Lương Châu, vừa trở về đến kinh thành Lạc Dương. Và mặc dù quân đội của hoạn quan và Đậu Vũ mỗi bên có thể có khoảng 1,000 người, đội quân của Trương Hoán có đến hơn 10,000 quân tinh nhuệ nhiều năm chiến đấu ở Lương Châu. Như vậy, hỗ trợ của Trương Hoán sẽ là một yếu tố quyết định trong cuộc chiến này.
Nhưng không may cho Đậu Vũ, Trương Hoán đã rời khỏi kinh thành suốt 5 năm, bởi ông là Thái thú Vũ Uy và là người trấn giữ biên giới phía tây cho nhà Hán, vì vậy, ông không hề hay biết gì về cuộc Đảng Cố Chi Hoạ, và những sự kiện trước đó dẫn tới cuộc chiến ác liệt tại kinh thành này. Tất cả những gì ông biết, là một bên là phe của ngoại thích Đậu Vũ, còn phe kia là của vị Hoàng đế nhỏ tuổi, nên theo lẽ thường Trương Hoán đương nhiên là sẽ giúp đỡ Hoàng đế.
Ngay lập tức, toàn bộ quân lính của Đậu Vũ bỏ kiếm và đầu hàng, bởi họ biết mình không có cơ hội để chiến thắng quân của Trương Hoán, Đại tướng quân Đậu Vũ ngay sau đó cũng tự sát. Một lần nữa, phe hoạn quan lại tiếp tục chiến thắng trước tập đoàn ngoại thích và sĩ nhân, họ ngay lập tức cho giam giữ tại gia Thái hậu Đậu Diệp, bà không lâu sau đó cũng qua đời, Thái phó Trần Phồn do giúp đỡ Đậu Vũ sau đó cũng bị xử trảm. Về phần Trương Hoán thì sau đó đã biết được chuyện mình đã làm và hối hận cả đời, ông quyết không nhận tước hầu mà hoạn quan ban thưởng cho mình.
Và giờ nếu mọi người nghĩ cuộc Đảng Cố Chi Hoạ đến đây đã kết thúc thì sai rồi, bởi mọi chuyện thực tế chỉ mới bắt đầu. Phe hoạn quan đã đại thắng trước phe sĩ nhân qua sự kiện này, và họ sẽ không dễ dàng bỏ qua cho các sĩ nhân như vậy. Với vị Hoàng đế nhỏ tuổi trong tay, hoạn quan một lần nữa lợi dụng một vụ án nhỏ cùng năm đó để tố cáo các sĩ nhân đang kết bè đảng với nhau, lần này họ chỉ việc nói với vị Hoàng đế không biết gì này là các sĩ nhân đang cố làm hại đất nước và muốn giết những hoạn quan ngày ngày chỉ quan tâm giúp đỡ Hoàng đế. Thế là, Hán Linh Đế Lưu Hoành hạ lệnh bắt giữ gần hết tất cả các sĩ nhân trên toàn quốc. Đến cuối năm 169, hơn 700 sĩ nhân đã bị xử trảm hoặc bị trục xuất đến các vùng biên cương xa xôi. Và đây có lẽ trở thành giai đoạn duy nhất mà hoạn quan kiểm soát đất nước trong lịch sử Trung Hoa.
Có thể là khi Thái hậu Đậu Diệp và cha là tướng quân Đậu Vũ chọn lập Lưu Hoành lên làm Hoàng đế, họ nghĩ cuộc sống sẽ rất dễ dàng như Thái hậu Lương Nạp và Đại tướng quân Lương Ký, nhưng mà đời không như mơ, các hoạn quan sau khi có được quyền lực dưới thời Hoàng đế Lưu Chí đã rất quen thuộc với chuyện chính trị trong cung, ngoài ra, họ còn có một lợi thế khác là luôn được ở cạnh Hoàng đế, thực tế chính Tào Tiết, một hoạn quan đứng đầu trong triều là người đã đi rước Lưu Hoành vào cung đăng cơ làm Hoàng đế. Và Lưu Hoành lúc đó cũng chỉ là một cậu bé vô tư vô nghĩ, không bao giờ tưởng tượng nổi mình sẽ trở thành người đứng đầu quốc gia, đương nhiên là sẽ thích chơi đùa cùng các hoạn quan “tận tình chăm sóc” mình ở Tây Viên, hơn là phải đi học cách điều hành đất nước với nho giáo cùng ông Thái phó Trần Phồn khó tính nào đó đã ngoài 80.
Và chiến thắng của hoạn quan trước phe sĩ nhân trong cuộc Đảng Cố Chi Hoạ lần thứ 2 năm 169, càng làm cho việc giáo dục Hoàng đế mới này ngày một tệ hơn, khi các hoạn quan chỉ giữ Lưu Hoành làm những trò nhảm nhí khắp cung điện như cho chó mặc đồ của quan chức, dẫn lừa vào cung cho Hoàng đế cưỡi,... Khi Lưu Hoành lớn lên, ông cho mở rộng Tây Viên, xây dựng hàng nghìn dinh thự khác nhau, và còn cho xây cả một hồ bơi rộng lớn cho riêng mình.
Tuy nhiên, khác với Lưu Chí, tửu sắc không phải là thứ ông ham muốn. Hán Linh Đế Lưu Hoành lại thích một thứ khác: tiền, và rất, rất nhiều tiền. Trở lại với phần 5 để chúng ta nói về việc Hoàng đế này cho phép và ép buộc mua bán tất cả các chức quan lớn nhỏ trong triều nhé.

Minh Hoang Phuc dịch từ Serious Trivia