E - ENVIRONMENTAL (MÔI TRƯỜNG)
S - SOCIAL (XÃ HỘI)
G - GOVERNANCE (QUẢN TRỊ)
ESG là một yếu tố quan trọng cần được quan tâm trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. ESG không chỉ là xu hướng, mà còn là chiến lược đột phá giúp doanh nghiệp thành công trong kỷ nguyên mới. Chủ động thực hành ESG mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả hoạt động, thu hút giữ chân nhân viên, tăng cường uy tín thương hiệu, mở ra cơ hội đầu tư… từ đó góp phần vào sự phát triển bền vững và tạo ra giá trị cho cộng đồng.
I. VÌ SAO ESG LẠI QUAN TRỌNG?
1. Xu hướng tất yếu: Nhu cầu của nhà đầu tư, khách hàng và cộng đồng ngày càng hướng đến các doanh nghiệp hoạt động bền vững, có trách nhiệm với môi trường, xã hội và cộng đồng.
2. Yêu cầu pháp lý: Nhiều quốc gia đang ban hành các quy định về ESG, buộc doanh nghiệp phải tuân thủ.
3. ESG mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp:
(i) Hiệu suất tài chính:
- Doanh nghiệp có xếp hạng ESG cao có lợi nhuận ròng cao hơn 4% so với thị trường chung trong 5 năm qua.
- Doanh nghiệp có xếp hạng ESG cao đã vượt trội thị trường chung hơn 4,8% trong 11 năm qua.
- Doanh nghiệp có quản trị doanh nghiệp tốt hơn có khả năng tránh vỡ nợ cao hơn 2,5 lần.
(ii) Thu hút nhà đầu tư:
- Hơn 86% nhà đầu tư tổ chức toàn cầu tích hợp các yếu tố ESG vào quy trình đầu tư của họ.
- Hơn 88% các nhà đầu tư tin rằng các doanh nghiệp chú trọng đến sáng kiến về ESG sẽ đem lại cơ hội về mặt lợi nhuận trong dài hạn tốt hơn các doanh nghiệp không chú trọng về ESG.
(iii) Giữ chân nhân viên:
- Hơn 86% nhân viên thế hệ Millennials mong muốn làm việc cho công ty cam kết ESG.
- Doanh nghiệp áp dụng ESG có tỷ lệ giữ chân nhân viên cao hơn 20% so với doanh nghiệp không áp dụng.
(iv) Giảm thiểu rủi ro:
- Doanh nghiệp có xếp hạng ESG cao giảm thiểu rủi ro vi phạm quy định môi trường hơn 50%.
- Doanh nghiệp có xếp hạng ESG cao ít dính líu đến bê bối môi trường, xã hội và quản trị hơn 50%.
- Doanh nghiệp áp dụng ESG có tỷ lệ vi phạm quy định thấp hơn 25% so với doanh nghiệp không áp dụng.
(v) Tác động tích cực đến môi trường và xã hội:
- Doanh nghiệp có xếp hạng ESG cao giảm phát thải khí nhà kính nhiều hơn 25% so với doanh nghiệp không áp dụng ESG.
- Doanh nghiệp có xếp hạng ESG cao tạo ra nhiều việc làm hơn 12% so với doanh nghiệp không áp dụng ESG.
(Nguồn: Tổng hợp từ các báo báo, nghiên cứu, khảo sát năm 2021, 2022, 2023 của MSCI, Morgan Stanley, S&P Global Ratings, BlackRock, Deloitte, Edelman, Arabesque Partners, S&P Global, JUST Capital)
II. ESG LÀ GÌ?
1. ESG là cụm từ viết tắt từ E - Environmental (Môi trường), S - Social (Xã hội) và G - Governance (Quản trị doanh nghiệp). Thuật ngữ "ESG" được xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2004 trong báo cáo "Who Cares Wins" của Hiệp ước toàn cầu Liên hợp quốc. Báo cáo này đề xuất việc áp dụng các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vào các lĩnh vực phân tích, quản lý tài sản và môi giới chứng khoán. Đến cuối những năm 2010 và những năm 2020, ESG mới nổi lên như một phong trào chủ động nhiều hơn.
2. Giải thích chi tiết về từng khía cạnh của ESG theo quan điểm của Ngân hàng Thế giới (World Bank):
E (Môi trường):
- Nguồn tài nguyên thiên nhiên: Doanh nghiệp cần sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả và bền vững, tránh khai thác quá mức và gây ô nhiễm môi trường.
- Quản lý môi trường: Doanh nghiệp cần có hệ thống quản lý môi trường hiệu quả để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, bao gồm phát thải khí nhà kính, chất thải rắn, nước thải, v.v.
- Rủi ro môi trường: Doanh nghiệp cần đánh giá và quản lý các rủi ro môi trường tiềm ẩn, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, thiên tai, v.v.
- Khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu: Doanh nghiệp cần xây dựng khả năng chống chịu biến đổi khí hậu và các mối nguy hiểm tự nhiên khác.
- Ngoại tác môi trường: Doanh nghiệp cần nội hóa chi phí môi trường vào hoạt động kinh doanh của mình, chẳng hạn như chi phí xử lý ô nhiễm.
- Năng lượng bền vững: Doanh nghiệp cần sử dụng năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng để giảm thiểu tác động môi trường.
- An ninh lương thực: Doanh nghiệp cần hỗ trợ các nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực cho cộng đồng.
S (Xã hội):
- Nhu cầu cơ bản của người dân: Doanh nghiệp cần cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân như nước sạch, thực phẩm, nhà ở, y tế, giáo dục, v.v.
- Xóa đói giảm nghèo: Doanh nghiệp cần tạo ra việc làm và cơ hội kinh doanh cho người nghèo, giúp họ thoát khỏi đói nghèo.
- Quản lý các vấn đề xã hội: Doanh nghiệp cần giải quyết các vấn đề xã hội như bất bình đẳng, phân biệt đối xử, lao động trẻ em, v.v.
- Bình đẳng: Doanh nghiệp cần thúc đẩy bình đẳng giới, bình đẳng cơ hội và hòa nhập xã hội.
- Phát triển nguồn nhân lực: Doanh nghiệp cần đầu tư vào đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để nâng cao kỹ năng và kiến thức cho người lao động.
- Năng suất lao động: Doanh nghiệp cần áp dụng các biện pháp để nâng cao năng suất lao động, tạo ra môi trường làm việc an toàn và lành mạnh cho người lao động.
G (Quản trị):
- Năng lực quản trị: Doanh nghiệp cần có đội ngũ quản lý năng lực và chuyên nghiệp, có tầm nhìn chiến lược và khả năng lãnh đạo hiệu quả.
- Hệ thống chính trị: Doanh nghiệp cần hoạt động trong môi trường chính trị ổn định và minh bạch.
- Hệ thống tài chính: Doanh nghiệp cần có hệ thống tài chính lành mạnh và minh bạch.
- Hệ thống pháp luật: Doanh nghiệp cần tuân thủ luật pháp và quy định của địa phương và quốc tế.
- Quản lý rủi ro: Doanh nghiệp cần đánh giá và quản lý các rủi ro môi trường, xã hội và quản trị một cách hiệu quả.
III. THỰC HÀNH ESG NHƯ THẾ NÀO?
1. Lưu ý quan trọng khi thực hành ESG:
- ESG là hành trình dài hạn, không phải là đích đến: Doanh nghiệp cần kiên trì thực hành ESG để đạt được mục tiêu đề ra. Doanh nghiệp cần đặt ra mục tiêu ESG cụ thể, đo lường được, có thể đạt được, phù hợp và có thời hạn (SMART) và thực hiện từng bước để đạt được mục tiêu đề ra. Doanh nghiệp cần theo dõi và đánh giá hiệu quả thực hiện ESG thường xuyên để điều chỉnh chiến lược phù hợp khi cần thiết.
- Không có giải pháp chung cho việc thực hành ESG. Mỗi doanh nghiệp cần xây dựng mục tiêu và chiến lược riêng phù hợp với đặc điểm ngành nghề kinh doanh, nguồn lực và bối cảnh cụ thể của mình. Doanh nghiệp nên tham khảo các thực tiễn tốt về ESG của các doanh nghiệp khác trong cùng ngành nghề hoặc khu vực, nhưng không nên sao chép hoàn toàn.
- Cần sự nỗ lực của tất cả: Thực hành ESG cần sự tham gia và nỗ lực của tất cả các bên liên quan trong doanh nghiệp, bao gồm ban lãnh đạo, nhân viên, nhà đầu tư, khách hàng và cộng đồng địa phương. Doanh nghiệp cần tạo môi trường làm việc khuyến khích nhân viên tham gia vào các hoạt động ESG và nâng cao nhận thức của nhân viên về tầm quan trọng của ESG.
- Lợi ích và chi phí bỏ ra: Chi phí đầu tư cho ESG có thể thay đổi tùy theo mục tiêu và chiến lược ESG của doanh nghiệp. Tuy nhiên, lợi ích tiềm năng mà doanh nghiệp có thể thu được từ việc thực hành ESG hiệu quả trong dài hạn có thể lớn hơn nhiều so với chi phí bỏ ra.
2. Gợi ý phương thức thực hành ESG để đạt hiệu quả?
(i) Xác định mục tiêu và chiến lược ESG một cách S.M.A.R.T phù hợp với nguồn lực của doanh nghiệp và bối cảnh thị trường bằng việc đánh giá hiện trạng thông qua các công cụ đánh giá ESG của bên thứ ba hoặc tự thực hiện đánh giá nội bộ để xác định SWOT về ESG của doanh nghiệp. Chiến lược ESG cần được tích hợp vào chiến lược kinh doanh tổng thể của doanh nghiệp.
(ii) Cam kết mạnh mẽ từ lãnh đạo là yếu tố then chốt, giao quyền và trách nhiệm thực hiện các sáng kiến ESG cho các bộ phận hoặc cá nhân cụ thể.
(iii) Giao tiếp minh bạch, thu thập phản hồi với các bên liên quan liên quan (steakholders).
(iv) Theo dõi thường xuyên tiến độ thực hiện các mục tiêu ESG nhằm đánh giá hiệu quả của các sáng kiến ESG và thực hiện điều chỉnh khi cần thiết.