Một bài hay về Kỳ tích sông Hàn của tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng, ĐHKTQD trên vnn. Xin trích đăng.
Quy mô nền kinh tế Hàn Quốc tăng từ 4 tỷ USD năm 1960 lên tới 1.800 tỷ USD năm 2021, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 94 USD năm 1961 lên tới 35.000 USD năm 2021, thuộc top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Họ đã làm gì để đạt kỳ tích đó?
Hàn Quốc thật may mắn bởi có các nhà lãnh đạo đất nước tầm cỡ với tầm nhìn xa trông rộng, tận tâm tận lực vì sự phát triển của đất nước, điển hình là Tổng thống Park Chung hee lãnh đạo đất nước từ năm 1961.

Với tầm nhìn rất sáng suốt rằng KH&CN không chỉ thuần túy là công cụ, phương tiện phát triển kinh tế mà còn là trung tâm của sự tiến bộ, hiện đại hóa văn hóa, xã hội Hàn Quốc, ông dành nhiều ưu tiên cho phát triển KH&CN với một bản lĩnh hơn người, một quyết tâm sắt đá để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển đất nước thịnh vượng trên nền tảng KH&CN.
Ông đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghiệp hóa, tập trung chiến lược phát triển kinh tế với trụ cột là các chaebol. Do vậy, thay vì bỏ tù các lãnh đạo chaebol vì tội lũng đoạn kinh tế đất nước, ông thương lượng với họ, sẵn sàng tha bổng để họ cùng ông hiện thực hóa “Giấc mơ Đại Hàn”.
Các chaebol là quân bài chiến lược, là cánh tay nối dài để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển đất nước thịnh vượng trên nền tảng KH&CN. Bởi vậy, ông thực hiện các chính sách bảo hộ cạnh tranh, hỗ trợ tài chính, chính sách phát triển công nghiệp thân công nghệ,... để tạo đà và động lực thúc đẩy các chaebol không ngừng cải thiện năng lực công nghệ và nâng cao hiệu quả sản xuất để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Cùng với đó, trong suốt gần 20 năm cầm quyền, ông cho thành lập mới một số Viện nghiên cứu trọng điểm hoạt động với cơ chế đặc thù giúp ông hiện thực hóa tầm nhìn phát triển đất nước thịnh vượng trên nền tảng KH&CN, điển hình là Viện KH&CN Hàn Quốc thành lập năm 1966, Viện KH&CN tiên tiến Hàn Quốc thành lập năm 1971...
Viện KH&CN Hàn Quốc là “con cưng” được ông bảo trợ để tập trung thực hiện hai chức năng cơ bản là nghiên cứu các công nghệ sản xuất mà các doanh nghiệp cần và xây dựng phương thức giáo dục mới chú trọng ứng dụng lý thuyết vào các mục tiêu thực tiễn, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, phát triển đất nước...
Ông trực tiếp lựa chọn Viện trưởng, bảo đảm đầy đủ và ổn định nguồn tài chính mà không kèm theo bất cứ một ràng buộc nào về kiểm soát quản trị hay bất cứ sự can thiệp nào về hoạt động điều hành, nghiên cứu...
Đây cũng là nơi đầu tiên thực hiện chính sách đột phá trong chiêu mộ nhân tài Hàn kiều là các chuyên gia, nhà khoa học với chế độ đãi ngộ rất hấp dẫn, quyền cao chức trọng, môi trường và điều kiện làm việc tuyệt vời để họ toàn tâm toàn ý phát huy hết tài năng, sở trường, cống hiến hết mình để cải thiện năng lực KH&CN của Hàn Quốc.
Ông cho triển khai, phát động hàng loạt phong trào và chiến dịch quy mô toàn quốc nhằm thay đổi nhận thức xã hội về KH&CN, xây dựng văn hóa tôn trọng và yêu quý KH&CN. Các bộ, ngành đều triển khai thực hiện các chương trình để thúc đẩy học nghề khoa học và kỹ thuật, thậm chí cả tù nhân sắp mãn hạn tù cũng được đào tạo kỹ thuật trong các chương trình tái hoà nhập xã hội.
Đặc biệt, ông vượt lên sự hận thù dân tộc, sẵn sàng đối mặt với sự giận dữ, phản ứng dữ dội của dân chúng để bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản vào năm 1965, mời gọi đầu tư, chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản. Là người từng phục vụ trong quân đội Nhật, ông thừa hiểu trình độ và sức mạnh to lớn của người Nhật về KH&CN; là nhà lãnh đạo đất nước ông quá hiểu Hàn Quốc cần công nghệ và đầu tư của Nhật Bản thế nào để phát triển.
Kết quả là, sau gần 20 năm lãnh đạo đất nước, ông đã đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo và tạo tiền đề vững chắc cho đất nước phát triển thịnh vượng trên nền tảng KH&CN.
Sau ông, nhiều thế hệ lãnh đạo Hàn quốc tiếp tục kiên định với chính sách này.
Tổng thống Kim Dae-jung nhậm chức năm 1998 với niềm tin sâu sắc rằng công nghệ thông tin sẽ tạo ra các ngành công nghiệp mới đã xác định thúc đẩy ngành công nghệ thông tin là một trong hai động lực chính cho tương lai. Do vậy, đã có “cú hích” mạnh mẽ nhằm tạo đà cho ngành công nghệ thông tin Hàn Quốc phát triển bứt phá.
Đúng là trong nguy có cơ, chỉ một thời gian sau ngành công nghệ thông tin có sự phát triển mạnh mẽ giúp hồi sinh nền kinh tế Hàn Quốc, sự sụt giảm của đồng won tạo thuận lợi cho doanh nghiệp công nghệ Hàn Quốc dễ dàng gia tăng quy mô xuất khẩu đúng vào thời điểm cuộc cách mạng điện tử công nghệ bùng nổ trên toàn cầu.
Hiện nay, trong cuộc đua tranh khốc liệt “người thắng cuộc được tất cả”, giành được vị thế dẫn đầu về công nghệ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã đưa những quyết sách lớn và chi bạo tay với khoản đầu tư trị giá 131 tỷ USD được thực hiện từ năm 2023, tập trung ưu tiên vào ba công nghệ cốt lõi là chất bán dẫn, màn hình và pin thế hệ tiếp theo, nhằm đưa Hàn Quốc gia nhập top 5 nước đứng đầu thế giới về khoa học kỹ thuật vào năm 2030.