3x mà vẫn vô sản (chưa nhà, chưa xe, chưa sự nghiệp riêng) thì điều đầu tiên anh em cần (để có sổ đỏ đầu tiên) là học Ray Kroc - Ông trùm đế chế hamburger lớn nhất hành tinh.

(Câu chuyện có thật này hay đến nỗi người ta còn làm hẳn một bộ phim nổi tiếng nói về hành trình của ổng cùng McDonald's cơ)

tai-sao-chua-thanh-cong-lai-khien-anh-em-minh-dau-kho-1751472603.jpg

Dành cho những anh em làm nhiều nhưng chưa bao giờ được nhận lại tương xứng. (Cơ hội, vị trí,... toàn đến với người khác chứ không phải anh em).

Dành cho anh em nào cảm thấy giới trẻ ngày nay giỏi quá, livestream bán hàng, xây kênh triệu views, bán hàng đầy tiền, nhà mới xe mới ầm ầm (trong khi nhìn lại mình đã 3x rồi mà thu nhập lẫn sự nghiệp vẫn đang bình bình đôi lúc còn chông chênh).

Dành cho những anh em nào từng cảm giác mình theo không kịp thời đại này nữa, AI phát triển quá nhanh, người trẻ nhanh nhẹn (và giỏi) xuất hiện nhiều như nấm trong khi bản thân thì đang nằm trong diện có thể bị thay thế bởi AI (người ta nói thế).

Tui từng thành công ở độ tuổi 2x, thất bại ở 3x rồi lại đứng dậy làm lại, rồi lại ngã, rồi lại đứng,...
Tui hiểu cảm giác của anh em.

Vậy nên tui muốn viết bài này để nói về câu chuyện của Ray Kroc - người đàn ông đã biến McDonald's từ một quầy hamburger nhỏ thành đế chế thức ăn nhanh lớn nhất quả đất. Và điểm điều khiến tui nhất định phải kể về ổng đó là ổng thực sự bắt đầu "sự nghiệp đời mình" ở tuổi 52.

Một độ tuổi bắt đầu được xem là quá muộn trong một xã hội tôn thờ những "thành công nở sớm".

Kiểu,
Chàng trai 2x tuổi vượt khó mở quán ăn và kiếm trăm triệu mỗi tháng.
Hay,
Cô gái sinh viên bỏ đại học khởi nghiệp và mang về hàng tỷ đồng với ....

Anh em mình được sinh ra ở một thời đại "chậm rãi" nhưng lại đang sống trong một xã hội "muốn rút ngắn mọi thứ".

Anh em là thế hệ cuối cùng biết cảm giác chờ đợi cả buổi tối để xem bộ phim truyền hình 7 giờ tối. Thế hệ cuối cùng hiểu rằng những thứ xứng đáng luôn đến muộn, với những người biết chờ thời điểm.

Tại sao "chưa thành công" lại khiến anh em mình đau khổ?

Câu trả lời nằm ở một hiện tượng mà các nhà tâm lý học gọi là "so sánh xã hội theo thời gian". Não bộ anh em mình được lập trình để liên tục đánh giá vị trí của mình so với người khác. (từ thời nguyên thủy rồi)

Và tất nhiên rồi, nó không còn phù hợp với hiện tại nữa.

Anh em có thể biết rồi, một nghiên cứu từ MIT và Harvard Business Review - do nhóm nghiên cứu Pierre Azoulay, Benjamin F. Jones, J. Daniel Kim và Javier Miranda thực hiện - đã phân tích hàng triệu doanh nhân và phát hiện ra điều này:
Tuổi trung bình của những doanh nhân thành công thực sự là 45, không phải 25 như chúng ta thường nghĩ. (đa phần 2x làm doanh nghiệp rất dễ hẹo, nếu chưa hẹo thì là do nó chưa tới lúc thôi, con số thành công thực sự là rất rất ít)

Vậy tại sao chúng ta lại có cảm giác ngược lại?

Vì những câu chuyện thành công nhanh chóng luôn thu hút sự chú ý hơn. Giống như tin tức về tai nạn máy bay luôn lên trang nhất, trong khi hàng triệu chuyến bay an toàn mỗi ngày không ai nhắc đến.

Ray Kroc đã dành 30 năm đầu đời làm nhân viên bán hàng lưu động, bán ly giấy và máy làm kem. Nhiều người có thể nghĩ đó là "thời gian lãng phí", vô bổ, vô ích. (Giống như anh em đang nhìn công việc nhàm chán hiện tại của mình vậy)

Nhưng thực ra, đó lại chính là thời gian vàng để ổng học cách đọc hiểu khách hàng, hiểu vận hành kinh doanh, hiểu những khó khăn thực tế mà chủ doanh nghiệp phải đối mặt.

Khi gặp hai anh em McDonald đang bán hamburger ở California năm 1954, Kroc không chỉ thấy một quầy bánh. Ổng thấy một hệ thống có thể nhân rộng. Ổng thấy hiệu quả, tính nhất quán, khả năng mở rộng quy mô.

Và đây là điều mà một bạn trẻ 2x khó có thể nhìn thấy được vì thiếu... trải nghiệm sống. (thấy lợi thế của mình chưa anh em ?)

1 - "Thời gian chuẩn bị" chính là khoản đầu tư lớn nhất

Có một khái niệm trong nghiên cứu về kỹ năng mà Malcolm Gladwell đã nổi tiếng hóa: quy tắc 10.000 giờ - anh em cần 10.000 giờ để thành thạo một kỹ năng.

Nhưng anh em thường quên một điều quan trọng: những giờ đó không chỉ là luyện tập, mà còn là quan sát, trải nghiệm, thất bại và đứng dậy.

Ray Kroc đã dành 30 năm quan sát hàng nghìn doanh nghiệp, gặp gỡ hàng vạn khách hàng, chứng kiến hàng trăm thành công và thất bại. Nên khi cơ hội McDonald's xuất hiện, ổng không cần "học" cách mở rộng quy mô kinh doanh nữa.

Ổng đã sẵn sàng rồi.

Còn nhiều câu chuyện tương tự khác nữa chứ không riêng gì ổng:
- Julia Child xuất bản cuốn "Mastering the Art of French Cooking" năm 1961 ở tuổi 49 sau hơn 10 năm học nấu ăn ở Pháp.
- Vera Wang mở thương hiệu thời trang đầu tiên năm 1990 ở tuổi 40 sau 15 năm làm biên tập viên thời trang.
- Colonel Sanders bắt đầu nhượng quyền KFC năm 1952 ở tuổi 62.

Điểm chung ở đây là gì?

Họ không bắt đầu muộn. Họ bắt đầu đúng lúc.

Thay vì nghĩ "Tại sao mình chưa thành công ở tuổi này?", anh em có thể tự hỏi "Mình đang tích lũy kiến thức và kinh nghiệm gì để thành công bền vững?"

Anh em đang làm marketing?

Mỗi chiến dịch là một điểm dữ liệu về hành vi người tiêu dùng.
Anh em đang làm bán hàng? Mỗi cuộc gọi là một góc nhìn sâu sắc về tâm lý khách hàng.
Anh em đang quản lý nhóm? Mỗi xung đột là một bài học về nghệ thuật lãnh đạo.

Không có "thời gian lãng phí", chỉ có "bài học chưa được xử lý".

Thay vì so sánh tiến độ với người khác, hãy tập trung xây dựng những tài sản không thể Google được như trực giác, khả năng nhận biết mô hình, mạng lưới quan hệ, và trí tuệ cảm xúc.

Warren Buffett từng nói: "Ai đó đang ngồi dưới bóng mát ngày hôm nay vì một người khác đã trồng cây từ rất lâu."

Thì hôm nay có lẽ anh em đang trong quá trình trồng cây đó thôi, sớm thôi rồi bóng mát sẽ xuất hiện miễn là mình kiên nhẫn.

2 - Trong thời đại cái gì cũng "có ngay lập tức", kiên nhẫn trở thành lợi thế cạnh tranh

Đây là một nghịch lý thú vị.

Trong thế giới mà mọi người muốn mọi thứ ngay lập tức, khả năng chờ đợi trở thành kỹ năng hiếm. Và như bài học kinh tế cơ bản anh em biết rồi: sự khan hiếm tạo ra giá trị.

Amazon mất 9 năm mới có lợi nhuận.
Netflix phải thay đổi mô hình kinh doanh 3 lần trước khi tìm ra dịch vụ xem phim trực tuyến.
Starbucks phải đóng cửa 600 cửa hàng năm 2008 rồi mới "trở lại" mạnh mẽ hơn.

Những câu chuyện thành công này không gây sốt trên mạng xã hội vì chúng... nhàm chán (không có thứ người đọc muốn xem). Nhưng chúng lại bền vững vượt trội.

tai-sao-chua-thanh-cong-lai-khien-anh-em-minh-dau-kho2-1751472675.jpg

Ray Kroc không chỉ mua quyền nhượng thương hiệu từ anh em McDonald. Ổng còn mua đất ở những vị trí chiến lược.

Trong khi các đối thủ tập trung vào lợi nhuận từ hamburger, Kroc đang xây dựng đế chế bất động sản. Kết quả sau đó là lịch sử. McDonald's hiện sở hữu danh mục bất động sản có giá trị khổng lồ.
(Người ta còn nói đùa McDonald kinh doanh bất động sản chứ không phải bán burger)

Đó là tư duy dài hạn. Đó là khả năng nhìn thấy giá trị mà đối thủ không thấy được vì họ quá tập trung vào lợi nhuận tức thì.

Ổng từng nói một câu mà tui thích lắm: "Tôi thành công sau một đêm thật đấy, nhưng 30 năm là một đêm dài, rất dài."

Làm thế nào anh em có thể áp dụng "lợi thế kiên nhẫn" này?

Trong sự nghiệp: Thay vì nhảy việc liên tục để theo đuổi mức lương cao, hãy tập trung vào việc tích lũy những kết hợp kỹ năng hiếm có. Scott Adams gọi đây là "chồng tài năng" - anh em không cần giỏi nhất ở bất kỳ kỹ năng nào, nhưng cần ở top 25% trong việc kết hợp nhiều kỹ năng.

Trong đầu tư: Thay vì FOMO lo sợ bỏ lỡ cơ hội với tiền điện tử hay cổ phiếu "nóng", hãy xây dựng danh mục tài sản chất lượng và để thời gian tạo ra phép màu. Lãi suất kép chỉ hoạt động khi có kiên nhẫn.

Trong mối quan hệ: Thay vì xây dựng mạng lưới một cách hời hợt với 1000 người, hãy đầu tư sâu sắc vào 100 mối quan hệ có ý nghĩa. Những mối quan hệ chất lượng tích lũy theo thời gian.

3 - "Thời điểm thị trường" quan trọng hơn "thời điểm hoàn hảo"

Có một hiểu lầm lớn về thành công mà tui từng mắc phải: nhiều người nghĩ thành công đến từ việc "đúng thời điểm".

Trong khi thành công lại đến từ việc "chuẩn bị kỹ lưỡng khi cơ hội xuất hiện".

Ray Kroc gặp anh em McDonald năm 1954, nhưng ổng đã sẵn sàng từ những năm 1940. Cơ hội không đến vào thời điểm "hoàn hảo", mà đến khi điều kiện thị trường chín muồi. (anh em mình hay gọi là thiên thời địa lợi nhân hòa đó)

Một ví dụ điển hình khác là Zoom.

Eric Yuan thành lập Zoom năm 2011, nhưng nền tảng này chỉ thực sự "bùng nổ" vào năm 2020 vì đại dịch. Yuan đã "sai thời điểm" 9 năm hay ổng đã chuẩn bị hoàn hảo cho một cơ hội mà không ai có thể dự đoán được?

Đại tá Sanders bắt đầu KFC ở tuổi 62 không phải vì ông "muộn". Mà vì lúc đó hệ thống đường cao tốc của Mỹ đang mở rộng, văn hóa du lịch đang phát triển mạnh, mô hình nhượng quyền thương mại đang nổi lên.

Ông đã sẵn sàng cho những điều kiện thị trường đó.

Đúng thời điểm không phải về tuổi tác, mà đó là sự phù hợp giữa chuẩn bị và cơ hội.

Sức bền trong kinh doanh đến từ ba yếu tố chính:

Khả năng phục hồi tài chính: Khả năng sống sót qua những đợt suy thoái thị trường. Kroc đã trải qua Đại suy thoái, ông biết dòng tiền quan trọng hơn tốc độ tăng trưởng.

Xuất sắc trong vận hành: Hệ thống và quy trình được tinh chỉnh qua nhiều năm thực hành. Thành công của McDonald's không đến từ "hamburger ngon hơn" mà từ "hệ thống tốt hơn".

Kiên nhẫn chiến lược: Sẵn sàng hy sinh lợi ích ngắn hạn để có vị thế dài hạn. Trong khi đối thủ đang cạnh tranh về giá, Kroc đang mua bất động sản.

Anh em có thể xây dựng sức bền bằng cách: duy trì dự trữ tiền mặt linh hoạt, liên tục cải thiện quy trình, và luôn suy nghĩ trước 3 bước thay vì phản ứng với thay đổi thị trường tức thì.

10 Bước dùng AI để chuẩn bị sẵn sàng cho bùng nổ

tai-sao-chua-thanh-cong-lai-khien-anh-em-minh-dau-kho23-1751472732.jpg

1 - Đánh giá kho tàng kinh nghiệm:

"Tôi đã có [số năm] năm kinh nghiệm trong lĩnh vực [tên cụ thể]. Hãy giúp tôi nhận diện những kỹ năng, hiểu biết và mối quan hệ độc đáo mà thời gian đã mang lại. Từ đó, tôi có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh nào mà những người trẻ tuổi hơn khó có được? Đưa ra 5 điểm mạnh cụ thể kèm cách thức vận dụng từng điểm."

2 - Thiết kế chiến lược "rùa và thỏ":

"Tôi muốn xây dựng thành công bền vững trong ngành [tên ngành] thay vì chạy theo thành công nhanh chóng. Với nguồn lực hiện tại [mô tả cụ thể], hãy tạo ra kế hoạch 5 năm tập trung vào chất lượng và sự ổn định. Mỗi năm tôi cần đạt được những cột mốc nào? Những rủi ro nào cần chuẩn bị? Làm sao để duy trì động lực trong hành trình dài này?"

3 - Dự đoán "thời điểm vàng" sắp tới:

"Phân tích xu hướng hiện tại của thị trường [thị trường cụ thể]. Những cơ hội nào sẽ xuất hiện trong 2-3 năm tới? Để nắm bắt những cơ hội đó, tôi cần chuẩn bị gì từ bây giờ về kiến thức, kỹ năng, mối quan hệ và tài chính? Tạo ra lộ trình chuẩn bị chi tiết theo từng tháng."

4 - Khai thác sức mạnh của mạng lưới:

"Tôi có mạng lưới bao gồm [mô tả chi tiết các mối quan hệ]. Làm thế nào để biến những mối quan hệ này thành cơ hội kinh doanh thực tế? Tôi có thể mang lại giá trị gì cho họ trước khi mong đợi sự hỗ trợ? Tạo ra kế hoạch tiếp cận từng nhóm người với tin nhắn và đề xuất cụ thể."

5 - Xây dựng thương hiệu "người có kinh nghiệm":

"Biến kinh nghiệm làm việc của tôi thành câu chuyện hấp dẫn để xây dựng thương hiệu cá nhân. Tôi đã trải qua [những sự kiện quan trọng], học được . Làm sao để chia sẻ những điều này một cách thu hút trên mạng xã hội? Đề xuất 20 chủ đề bài viết và cách tiếp cận cho từng chủ đề."

6 - Tìm kẽ hở trong thế giới "tốc độ":

"Trong ngành [tên ngành], tất cả đều tập trung vào tốc độ và sự mới lạ. Những lĩnh vực nào vẫn cần sự chín chắn, kinh nghiệm và tư duy dài hạn? Phân tích những "kẽ hở chậm" này và cách tôi có thể thống trị chúng với lợi thế về kinh nghiệm. Đưa ra 3 cơ hội cụ thể kèm kế hoạch thực hiện."

7 - Học nghệ thuật "đợi đúng lúc":

"Xây dựng hệ thống nhận biết thời điểm thị trường tối ưu cho lĩnh vực [lĩnh vực quan tâm]. Những tín hiệu nào báo hiệu thời điểm tốt để vào thị trường? Những dấu hiệu nào cảnh báo nên đợi thêm? Tạo ra bảng kiểm soát để đánh giá thời điểm với các chỉ số đo lường cụ thể."

8 - Biến trí tuệ thành thu nhập:

"Với [số năm] năm kinh nghiệm trong [lĩnh vực], tôi có thể tạo ra nguồn thu nhập nào từ việc chia sẻ kiến thức? Phân tích khả năng tư vấn, đào tạo, viết sách, tạo khóa học trực tuyến. Đưa ra kế hoạch chi tiết cho từng hướng, bao gồm đối tượng khách hàng, giá cả và cách tiếp thị."

9 - Thiết kế mô hình "không sợ bão":

"Tạo ra mô hình kinh doanh cho ý tưởng [ý tưởng cụ thể] ưu tiên sự ổn định và khả năng chống chịu hơn là tăng trưởng nhanh. Mô hình này cần có nhiều nguồn thu nhập, chi phí linh hoạt và khả năng thích ứng với khủng hoảng. Phân tích các tình huống khó khăn có thể xảy ra và cách ứng phó."

10 - Lập kế hoạch "bùng nổ đúng lúc":

"Tổng hợp tất cả những chuẩn bị từ 9 bước trước để tạo ra kế hoạch tổng thể cho 'cú breakthrough' của tôi. Khi nào thì thời điểm thích hợp để thực sự 'xuất kích'? Những dấu hiệu nào cho biết tôi đã sẵn sàng? Tạo ra lịch trình cụ thể và các mốc kiểm tra để đảm bảo không bỏ lỡ thời cơ."

Gợi ý tìm hiểu thêm

"Grinding It Out" của Ray Kroc - tự truyện của chính ông hoàng McDonald's, đầy rẫy những góc nhìn sâu sắc về kiên nhẫn và sự kiên trì trong kinh doanh. Cuốn sách này sẽ cho anh em thấy rằng thành công thực sự đến từ những quyết định hàng ngày, không phải từ những khoảnh khắc bùng nổ.

"The Outliers" của Malcolm Gladwell - chương về những người nở muộn và tầm quan trọng của kinh nghiệm tích lũy. Đặc biệt là phần phân tích về mối tương quan giữa thời gian và thành thạo.

Nghiên cứu đáng chú ý:
Nghiên cứu của MIT và Harvard Business Review "Research: The Average Age of a Successful Startup Founder Is 45" do Pierre Azoulay, Benjamin F. Jones, J. Daniel Kim và Javier Miranda thực hiện - phân tích dựa trên dữ liệu thực tế về mối tương quan giữa tuổi tác và thành công startup.

Báo cáo từ Quỹ Kauffman Foundation về "Tuổi tác và khởi nghiệp" - những nghiên cứu tình huống về khởi nghiệp thành công sau 40 tuổi.

Lời kết

Ray Kroc từng được hỏi về bí mật thành công của McDonald's. Ổng chưa bao giờ nói về công thức hamburger hay chiến lược marketing.

Ổng chỉ nói: "Tôi chỉ kiên trì thôi. Tôi từ chối bỏ cuộc."

Kiên trì. Không phải đam mê, không phải thông minh, không phải may mắn.
Kiên trì.

Tui viết bài này không phải để an ủi anh em.
Tui viết để anh em có một góc nhìn thoáng hơn mà xã hội hiện đại đang bỏ qua:

"Trong cuộc đua marathon của cuộc đời, những người bắt đầu chậm nhưng có sức bền thường về đích với thành tích tốt hơn những người bức tốc kiệt sức giữa đường."

Anh em mình sống qua đủ biến cố rồi,
Dịch bệnh, chiến tranh, cách ly, khủng hoảng kinh tế, cải cách, AI,...
Cũng quan sát đủ nhiều người thành công tuổi đôi mươi, ngã ngựa (và lao lý) ở tuổi...cũng đôi mươi.
Nhiều lắm, quá nhiều và không kể xiết luôn.

Hôm nay mình đang làm thuê, đang dậm chân tại chỗ. Đó là thứ người khác nhìn thấy, là thứ mà anh em chủ động cho xã hội nhìn thấy.

Nhưng xã hội không thấy những đêm 3h sáng anh em cặm cụi học online,
Không thấy những ngày mưa gió anh em vẫn chăm chỉ kiếm tìm cơ hội,
Không thấy những hy sinh đánh đổi của anh em vì khát khao thành công.

Tui tin rằng trong anh em luôn có ngọn lửa âm ỉ, muốn bắt đầu, muốn tự mình xây dựng nên cuộc sống mơ ước của mình.

Hãy giữ nó cho riêng anh em,
Hãy âm thầm, kiên nhẫn, đừng bỏ cuộc.
Hãy rèn luyện trong thầm lặng,
Và thành công sẽ tự lên tiếng.

Chưa không có nghĩa là không.

Khi anh em xứng đáng, tự khắc cơ hội sẽ xuất hiện.

"Tất cả những thứ gì tốt đẹp nhất, đều cần thời gian."

Theo: Phan Thông