
Đợt này mình và hai cộng sự Interloka sang Nhật để bắt đầu giai đoạn nghiên cứu hành vi tiêu dùng khách hàng của dự án tư vấn chiến lược thương hiệu cho một doanh nghiệp Việt kinh doanh chuỗi bán lẻ tại thị trường Nhật. Trong hơn 10 ngày gần như liên tục, team đã tổ chức 18 cuộc phỏng vấn nhóm (FGD - Focus group discussion) với các khách hàng khác nhau ở ba thành phố Tokyo, Osaka và Nagoya.
Ngoài các câu hỏi về hành vi mua hàng, đánh giá về trải nghiệm mua hàng tại các chuỗi bán lẻ Apple Stores, Big Camera của Nhật và một số stores Việt Nam, mình tò mò muốn tìm hiểu các bạn du học sinh và lao động tại Nhật, khi mua một sản phẩm công nghệ của người Việt kinh doanh trên đất Nhật, họ có quan tâm, bị ảnh hưởng bởi sứ mệnh và giá trị cốt lõi doanh nghiệp theo đuổi hay không. Các bạn tham dự market research đều rất nghiêm túc, trách nhiệm với ý kiến nói ra, không hiếm bạn chia sẻ rất tâm huyết về mong muốn có một thương hiệu Việt đẳng cấp, quy mô, uy tín cho người Việt và người nước ngoài tại Nhật. Kết luận rút ra sau những cuộc trò chuyện này: ở đâu cũng vậy, sứ mệnh đẹp và những giá trị cốt lõi sâu sắc luôn có chỗ đứng và tác động quan trọng không những đến khách hàng, đội ngũ nhân viên và chính người lãnh đạo đứng đầu. Vấn đề là doanh nghiệp chấp nhận sự đánh đổi đến đâu, năng lực quản trị và tối ưu nguồn lực thực tế qua từng giai đoạn phát triển thế nào. Cân bằng giữa tầm nhìn khát vọng và thực tế nguồn lực, môi trường cạnh tranh đặc thù là không hề đơn giản.
Cuộc sống người Việt ở Nhật (khoảng 450k du học sinh, nhân viên văn phòng và lao động) như ở các nước phát triển khác, quay theo guồng quay chóng mặt của mưu sinh. Một thị trường rất đặc thù về văn hoá kinh doanh và văn hoá tiêu dùng. Các câu chuyện không ai giống ai của những người tham gia đã để lại cho những người phỏng vấn và phía doanh nghiệp những câu hỏi lớn cho ý tưởng branding và lựa chọn chiến lược quan trọng về định hướng kinh doanh.
Sứ mệnh & giá trị cốt lõi có quan trọng với khách hàng? Thực ra với những lãnh đạo có lý tưởng rõ ràng, câu hỏi này cho dù kết quả thế nào, họ vẫn tiếp tục lựa chọn của mình. Sự đồng cảm và thấu hiểu từ khách hàng là để họ tự tin hơn (nếu yes) chứ không làm họ từ bỏ (nếu no).
"Một tuyên ngôn sứ mệnh giúp các thành viên tổ chức có thể tìm đến trong những thời điểm khó khăn để tự nhắc nhở mình là ai, tại sao mình tồn tại, mình đại diện cho điều gì"
(Steven G. Mandis, Goldman Sachs)