Thời gian gần đây, chắc hẳn, ai trong chúng ta cũng thấy được bên cạnh những chiếc áo màu xanh lá cây của Grab và màu đỏ của Now, trên đường phố lại xuất hiện thêm những chiếc áo có màu xanh mint đặc trưng cùng dòng chữ Baemin. Hay vài tháng trước, trên Youtube hay Facebook hay kể cả Spotify đều xuất hiện quảng cáo của thương hiệu này với những cái tên nổi tiếng như Karik hay Trấn Thành.

Có thể nói, Baemin đã là một tay chơi “đốt tiền” mới tại thị trường Việt Nam sau Grab, Lazada, Shopee,.... hãy cùng tìm hiểu xem tại sao thương hiệu nổi tiếng của Hàn Quốc này lại quyết định “chơi lớn” tại Việt Nam nhé.

1. Giới thiệu:

BAEMIN là ứng dụng giao đồ ăn thuộc startup unicorn Woowa Brothers - công ty giao thực phẩm có giá trị tỷ USD với nền tảng giao đồ ăn Baedal Minjok đang dẫn đầu thị trường Hàn Quốc, chiếm hơn 50% thị phần tại xứ sở Kim Chi dù phải cạnh tranh với hơn 40 đối thủ trong nước. Woowa Brothers đã gia nhập nhóm “kỳ lân” thế giới khi nhận được khoản đầu tư đảm bảo trị giá 320 triệu USD vào tháng 12.2018, đưa mức định giá của công ty lên đến 2,6 tỷ USD.

Ngày 10/6/2019, sau khi thâu tóm thành công ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến Vietnammm.com thuộc tập đoàn Takeaway (một trong những dịch vụ đặt thức ăn trực tuyến lớn nhất châu Âu, hiện đang hoạt động tại 9 nước châu Âu và Việt Nam thông qua thương hiệu Vietnammm) vào đầu năm 2019, BAEMIN chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam.

Đến cuối năm 2019, công ty giao đồ ăn của Đức Delivery Hero đã đồng ý mua Woowa Brothers với giá 4 tỷ USD - đây được xem là thương vụ lớn nhất toàn cầu đối với một ứng dụng giao đồ ăn tại thời điểm này.

2. Mô hình kinh doanh:

Mô hình hiện tại của Baemin tại Việt Nam hoàn toàn được lấy nền tảng từ “ứng dụng mẹ” Baedal Minjok, ứng dụng cung cấp dịch vụ giao thức ăn được ra mắt tại Hàn Quốc vào tháng 6/2010 (hiện đã và đang nắm giữ thị phần đáng kể với hơn 10 triệu người sử dụng (active), có 30 triệu đơn hàng mỗi tháng – trở thành ứng dụng đặt đồ ăn số 1 Hàn Quốc). Cơ bản, Baemin y chang Now hay Grabfood khi là một ứng dụng giao đồ ăn, tính năng chính là đặt đồ ăn trực tuyến bằng app trên điện thoại di động. Họ đóng vai trò là trung gian giữa người mua và người bán. Người bán ở đây chính là những nhà hàng, quán ăn,...còn người mua là khách hàng lẻ trên thị trường. Cũng như Now và Grabfood, BAEMIN có đội ngũ shipper giao đồ ăn riêng và không sử dụng các dịch vụ giao hàng trung gian.

Tài xế BAEMIN rửa tay sát khuẩn trước khi giao đồ ăn cho khách | Bạn cần biết | Thanh Niên

3. Tình hình thị trường:

Theo như những nhận định trên trang báo ictnews.vietnamnet.vn, năm 2019 là thời điểm của sự bùng nổ thị trường giao đồ ăn trực tuyến. Cụ thể, Now, GrabFood và GoFood khiến thị trường giao nhận thức ăn đã hình thành một “thế chân vạc”. Thời điểm đó, GrabFood được đánh giá là có tốc độ phát triển nhanh nhất, bởi nền tảng này đã có lợi thế về công nghệ, một hệ sinh thái khách hàng lớn và độ phủ tài xế ra khắp các thành phố lớn.

Tuy vậy, theo đánh giá của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar TNS, so với những nước trong khu vực Châu Á như Ấn Độ hay Nhật Bản, quy mô thị trường giao đồ ăn Việt Nam vẫn còn rất bé, chỉ chiếm 0.2% thị phần trong thị trường giao đồ ăn trên thế giới (lớn nhất phải kể đến là Trung Quốc chiếm 37.5%, sau đó là Mỹ chiếm 27.7%, Ấn Độ, Anh, Nhật chiếm tỉ lệ lần lượt là 7.2%, 4.5% và 2.3%, còn lại các quốc gia khác chiếm 20.5%).

Chính vì vậy, năm 2019, Baemin đã quyết định mở rộng thị phần sang Việt Nam. Điều đó cũng có nghĩa rằng họ sẽ phải đối mặt với những khó khăn rất lớn khi phải cạnh tranh với các “ông lớn” như Grabfood và Now khi đó.

4. "Nước đi" của Baemin:

Trước khi gia nhập vào Việt Nam, Baemin đã thành công trong việc thâu tóm Vietnammm.com. Sau khi đã vô được thị trường, họ sử dụng hàng loạt những chiến lược “đốt tiền” như chạy quảng cáo thông qua các phương tiện truyền thông có nhiều người sử dụng, đồng thời mời thêm nhiều người nổi tiếng như Trấn Thành, Karik,...để gây thêm sự chú ý. Song song với đó, “ông lớn” Hàn Quốc còn có thêm một loạt các ưu đãi về giá cả cho khách hàng. Tất cả để tranh giành thị phần với những đơn vị dẫn đầu thị trường lúc bấy giờ như GrabFood, GoFood, v.v. Theo như thông tin từ tờ Cafef, Baemin đã thực sự bung sức cho cuộc chiến giành thị phần tại Việt Nam ngay từ năm đầu tiên ra mắt. Mức lỗ lên tới 569 tỷ đồng, trên doanh thu 76 tỷ đồng. Dù doanh thu tăng trưởng hơn hai lần, nhưng số lỗ nói trên là rất lớn, thể hiện tham vọng của ứng dụng đến từ Hàn Quốc tại thị trường giàu tiềm năng như Việt Nam.

Việc mua lại Vietnammm rất có thể là do Baemin muốn “đề pa” thật nhanh tại thị trường Việt Nam. Dù đã có 10 năm kinh nghiệm tại Hàn Quốc, thì tại Việt Nam, Baemin cũng chỉ là “người đến sau” so với GrabFood, Now hay GoFood. Vì vậy, họ cần một “lực đẩy” đủ mạnh để tiết kiệm thời gian xây dựng lại từ ban đầu. Vì nếu phải bắt đầu từ con số 0, họ sẽ khó có thể phát triển đủ nhanh để có thể được gọi là “tay chơi mới” so với các đối thủ “sừng sỏ” đang tồn tại trên thị trường. Ngoài ra, việc mua lại Vietnammm sẽ giúp Baemin có được cái nhìn rõ ràng hơn về thị trường Việt Nam nhờ vào nguồn dữ liệu có sẵn của ứng dụng bị thâu tóm.

Bộ nhận diện thương hiệu Baemin Vietnam: Đơn giản tạo khác biệt

Cũng tại thời điểm đó, Now (được hậu thuẫn bởi Sea Group, có giá trị vốn hóa tầm 10.7 tỷ USD), GrabFood (nguồn vốn từ Grab sau khi họ gọi được gần 6 tỷ USD từ các nhà đầu tư và được định giá 14 tỷ USD) và GoFood (xuất hiện trong hệ sinh thái của GoJek sau khi họ huy động vốn được 1,2 tỷ USD và được định giá ít nhất 10 tỷ USD) đã hình thành thế “chân vạc” trong thị trường Food Delivery, vì vậy, những cái tên như Vietnammm hay Lalafood gần như đã không còn chỗ đứng trong thị trường này. Kết quả là, một vài doanh nghiệp đã phải rút lui như LalaFood hay AhaMove. Đồng thời, lúc đó Takeaway (tập đoàn mẹ của Vietnammm) đang phải “bận rộn” cạnh tranh với các đối thủ lớn như Deliveroo, Uber Eats hay Delivery Hero trên thị trường Châu u nên có thể họ cũng không còn mặn mà với thị trường Châu Á nữa. Để khỏi thất thoát trong thị trường khốc liệt này, rất có thể Takeaway đã đồng ý chuyển giao Vietnammm cho Baemin.

Liệu Baemin có trở thành “một tay chơi khét tiếng” hay không hay chỉ là “vụt sáng một lúc rồi lụi tàn”, thì chúng ta hãy cùng theo dõi. Tuy nhiên, nếu chiến lược chỉ là đốt tiền thì rất có thể kết quả sẽ có sớm thôi.

______________________________________________________

Theo The Millions Business