Khởi nghiệp khi còn là sinh viên, TS Vũ Duy Thức hiện là founder hai công ty công nghệ chuyên về robot là OhmniLabs và Kambria. Trong mùa đại dịch vừa qua, OhmniLabs, công ty của TS Vũ Duy Thức cung cấp hàng nghìn robot hỗ trợ các y bác sĩ tại Mỹ, Việt Nam và nhiều quốc gia khác trong đại dịch. Mới đây Vũ Duy Thức vừa chính thức gia nhập quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures trong vai trò Giám đốc đầu tư.
OhmniLabs là công ty chế tạo robot có trụ sở chính tại Thung lũng Silicon (Mỹ), tập trung cung cấp các giải pháp robot theo nhu cầu. Sở hữu thư viện đa dạng với đầy đủ các môđun công nghệ, dịch vụ robotics và trí tuệ nhân tạo đám mây, quy trình sản xuất và phát triển tinh gọn độc quyền tạo điều kiện cho startup nghiên cứu phát triển công nghệ với lợi thế vượt trội.
Thành lập vào năm 2015 bởi các chuyên gia về robot Jared Go, Tingxi Tan và Vũ Duy Thức. Các nhà đồng sáng lập đến từ các trường đại học danh tiếng như Carnegie Mellon và Stanford. Mục đích của OhmniLabs là tăng tốc ngành công nghiệp phát triển robot thông qua công nghệ môđun và quy trình sản xuất tinh gọn.
Trong đại dịch Covid-19, Ohmni được đưa vào sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đơn cử tại nhiều bệnh viện để kết nối các bệnh nhân bị nhiễm bệnh với người thân, y tá, bác sĩ để giảm nguy cơ lây nhiễm.
18 robot Ohmni có chức năng giao tiếp, chẩn đoán và điều trị bệnh từ xa, không cần tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cũng đã được tài trợ cho các bệnh viện tại Việt Nam. Robot Ohmni cũng giúp các nhân viên công sở đi họp từ xa hoặc giám sát nhà máy sản xuất, giúp tư vấn sửa chữa từ xa.
Vũ Duy Thức (ngoài cùng bên phải) bên loạt robot Ohmni thế hệ đầu tiên.
Cùng thành công của OhmniLabs, Thức mở Kambria để kết nối ba nhân tố: nhà phát minh, nhà sản xuất và người dùng. Nền tảng sáng tạo mở (Open Innovation Platform) của Kambria liên kết các nhà nghiên cứu khoa học và các nhà đầu tư, rút ngắn khoảng cách giữa việc tìm kiếm quỹ tài trợ của các nhà khoa học và việc tìm nguồn công nghệ mới để rót vốn của nhà đầu tư. Nền tảng cũng cho phép các nhà sáng chế hưởng ưu đãi tài chính dựa trên đóng góp của họ, dù là một đoạn mã hay là một nhánh dữ liệu.
Bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (áo xanh) cùng bà Caitlin Wiesen, đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, sử dụng robot Ohmni. Ảnh: UNDP.
Mới đây, theo thông tin từ quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures, Vũ Duy Thức, đã chính thức gia nhập quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures trong vai trò Giám đốc đầu tư.
Theo Do Ventures Là một mảnh ghép quan trọng của đội ngũ Do Ventures, TS. Thức sẽ tăng cường sự hiện diện của quỹ trên phạm vi toàn cầu và mang tới những hỗ trợ về mặt công nghệ cho các công ty được nhận vốn đầu tư của Do Ventures.
Kinh nghiệm trải rộng từ lĩnh vực nghiên cứu công nghệ đến hoạt động kinh doanh toàn cầu của TS. Thức cũng sẽ góp phần thúc đẩy chiến lược đầu tư xuyên suốt của Do Ventures.
Sinh năm 1982, TS Vũ Duy Thức là cựu học sinh chuyên Tin, Trường phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP HCM), từng đoạt nhiều giải nhất quốc gia về tin học ở các cuộc thi tại Việt Nam và Mỹ. Founder Việt cũng có nhiều công trình nghiên cứu được công bố tại các hội nghị, tạp chí khoa học quốc tế.
Sau khi tốt nghiệp hạng ưu tại ĐH Carnegie Mellon (Mỹ) và đạt giải thưởng "Sinh viên ưu tú nhất" của Hiệp hội Nghiên cứu tin học Mỹ (CRA), Thức được cấp học bổng toàn phần bậc tiến sĩ tại bảy trường hàng đầu của Mỹ: MIT, Stanford, Carnegie Mellon, Berkeley...
Founder 8x từng được Silicon Valley Business Journal, tạp chí kinh doanh uy tín tại Mỹ vinh danh là một trong 40 nhân vật dưới 40 tuổi (40 under 40) có ảnh hưởng lớn nhất tại vùng Silicon Valley năm 2017. Anh từng sáng lập nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ có tiếng, trong số đó có Katango và Tappy lần lượt được Google và Weeby.co mua lại sau này.