Theo số liệu mới nhất, tổng dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán Việt Nam tính đến cuối quý I/2025 đã đạt mức kỷ lục khoảng 280.000 tỷ tương đương khoảng 11 tỷ USD. Mức tăng này so với cuối năm 2024 là 35.000 tỷ, đánh dấu cột mốc cao nhất trong lịch sử ngành chứng khoán nước nhà.

Trong số này, dư nợ margin (cho vay ký quỹ) ước tính gần 273.000 tỷ tăng thêm 33.000 tỷ so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là con số cao nhất từng được ghi nhận trong lĩnh vực chứng khoán Việt Nam.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu về quy mô dư nợ cho vay với gần 30.472 tỷ tăng 17,6% so với đầu năm và chiếm 54% tổng tài sản của công ty. Với kết quả này, TCBS đã ghi nhận doanh thu từ hoạt động cho vay đạt gần 732 tỷ tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước, củng cố vị thế hàng đầu trên thị trường.

cong-ty-chung-khoan-nao-cho-vay-quy-i2025-nhieu-nhat-1745650851.jpg

Chứng khoán SSI xếp thứ hai với dư nợ cho vay đạt 27.167 tỷ, tăng 23,5% so với đầu năm. Doanh thu cho vay của SSI trong quý đầu năm đạt 628 tỷ tăng 40,6% so với cùng kỳ, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ trong hoạt động cho vay của công ty.

Đứng ở vị trí thứ ba là Chứng khoán TP.HCM (HSC), với dư nợ cho vay đạt 20.389 tỷ mặc dù có sự giảm nhẹ 0,2% so với đầu năm. Tuy nhiên, doanh thu cho vay của HSC vẫn ghi nhận mức tăng ấn tượng 54%, đạt gần 523 tỷ.

Ngoài ba công ty dẫn đầu, một số công ty chứng khoán còn lại có dư nợ cho vay dưới 20.000 tỷ. Đáng chú ý là CTCP Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) với 18.774 tỷ giảm 2,1% so với đầu năm, nhưng doanh thu vẫn tăng 16,2% so với cùng kỳ, đạt gần 418 tỷ .

Chứng khoán VPS: Dư nợ cho vay 18.337 tỷ tăng 46,8% so với đầu năm, doanh thu đạt 503 tỷ tăng 27%.

► Chứng khoán VPBank (VPBanks): Dư nợ gần 12.877 tỷ tăng 35,4%, doanh thu gần 262 tỷ tăng 13,8%.

Chứng khoán MB (MBS): Dư nợ cho vay 11.442 tỷ tăng 1,2%, doanh thu ghi nhận 277 tỷ tăng 6,6%.

Chứng khoán VNDirect: Dư nợ gần 11.120 tỷ tăng 7,5%, doanh thu 301 tỷ giảm 4,7%.

Chứng khoán KIS Vietnam: Dư nợ gần 10.689 tỷ tăng 22,8%, doanh thu 185 tỷ tăng 19%.

► Chứng khoán Vietcap (VCI): Dư nợ cho vay giảm 10% xuống 10.095 tỷ doanh thu 257 tỷ tăng 42,6%.

Theo quy định hiện hành, tổng hạn mức cho vay của các công ty chứng khoán không được vượt quá 2 lần vốn chủ sở hữu. Cuối quý I/2025, tổng vốn chủ sở hữu của nhóm các công ty chứng khoán vào khoảng 275.000 tỷ đồng, tăng khoảng 10.000 tỷ đồng so với cuối năm 2024. Một số công ty đã gần chạm ngưỡng tối đa cho vay như HSC, KIS và Mirae Asset.

Một số công ty chứng khoán đang trong tình trạng còn room cho vay nhưng lại không còn nguồn do phân bổ cho các kênh khác. Để mở rộng quy mô cho vay, các công ty chứng khoán liên tục "đua nhau" tăng vốn bằng nhiều hình thức khác nhau.

Sự gia tăng quy mô cho vay không chỉ phục vụ nhu cầu của các nhà đầu tư trong nước mà còn hướng tới việc nâng cao năng lực về vốn nhằm đảm bảo khả năng thanh toán cho nhà đầu tư nước ngoài. Điều này càng trở nên quan trọng sau khi Thông tư 68/2024/TT-BTC chính thức có hiệu lực từ ngày 2 tháng 11 năm 2024.

Theo quy định mới, các tổ chức nước ngoài được phép đặt lệnh mua cổ phiếu mà không cần đủ tiền. Các công ty chứng khoán sẽ phải thực hiện đánh giá rủi ro thanh toán để xác định mức tiền cần có khi đặt lệnh mua cổ phiếu theo thỏa thuận giữa hai bên. Điều này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.