Trong khi nhiều doanh nhân như Nguyễn Đăng Quang, Đặng Khắc Vỹ, Phạm Nhật Vượng, Hồ Hùng Anh đang ngày càng thành công trên thương trường Việt Nam thì một đại gia cùng trong nhóm trở về từ Đông Âu là Trịnh Thanh Huy lại đang có sự nghiệp kinh doanh không mấy sáng sủa. Những doanh nghiệp có 'dấu tay' của doanh nhân này tham gia như Descon, Beton 6 đều rơi vào khó khăn và phá sản.
Trong những ngày qua, khoảng 70 lao động từng làm việc tại Công ty cổ phần Beton 6 nhiều năm nhưng chưa được trả tiền trợ cấp theo qui định đã đến trụ sở công ty này tại Dĩ An, Bình Dương để đòi quyền lợi. Từ đó, thông tin doanh nghiệp Beton 60 năm tuổi đời này chuẩn bị phá sản mới được tiết lộ trên báo chí.
Ông Vương Đức Thiên - Trưởng phòng Pháp lí của Beton 6 cho biết doanh nghiệp này đã làm thủ tục phá sản gửi đến cơ quan chức năng và đang chờ giải quyết. Công ty đã lâm vào cảnh bế tắc, khó khăn về tài chính, ngay khoản trợ cấp cho người lao động sau khi thôi việc cũng chưa được trả hết. Hoạt động theo đơn hàng vẫn đang duy trì nhưng chịu sự giám sát của cơ quan chức năng. Từ hàng nghìn lao động, Beton 6 chỉ còn dưới 200 người.
Thành lập vào năm 1958, tiền thân là công trường đúc đà tiền áp Châu Thới thuộc Công ty RMK của Mỹ, Beton 6 từng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại khu vực phía Nam trong lĩnh vực sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn cung ứng cho các công trình cầu đường.
Công ty cổ phần hóa sớm, tiên phong niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) từ đầu năm 2002 và một thời gian dài được nhiều nhà đầu tư lớn (đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài) ưa thích.
Giai đoạn đỉnh cao năm 2009- 2010, công ty đạt lợi nhuận 80-100 tỷ đồng. Tuy nhiên sau  đó, cùng với suy thoái kinh tế và sự đi xuống của thị trường bất động sản, xây dựng thì lợi nhuận của Beton6 cũng suy giảm.
Đến cuối năm 2015, Beton 6 tiến hành hủy niêm yết gần 33 triệu cổ phiếu khỏi HOSE với lí do tập trung việc cơ cấu doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Năm 2017, Beton 6 quay trở lại giao dịch trên sàn chứng khoán, nhưng lần này hạ tiêu chuẩn xuống thị trường UPCoM, nơi có những yêu cầu kém khắt khe hơn về tính minh bạch và công bố thông tin.
Mặc dù vậy, đó cũng là năm bắt đầu cho những con số lỗ khủng khiếp lên tới hàng trăm tỷ. Giá cổ phiếu chỉ loanh quanh 2.000 đồng.
Đầu năm 2019, Beton6 đã thay đổi một số vị trí trong HĐQT, bao gồm việc miễn nhiệm ông Nguyễn Ngọc Dũng khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT (được bổ nhiệm vào đầu năm 2018) từ ngày 31/1/2019, bầu thay thế ông Phạm Văn Hiên.
Song song, Beton6 cũng bãi nhiệm bà Nguyễn Thị Hải Nam khỏi vị trí Thành viên HĐQT, thay thế là ông Nguyễn Ngọc Dũng từ ngày 31/3/2019. Hiện tại, HĐQT Beton6 gồm 6 thành viên, bao gồm 4 người khác là ông Trịnh Thanh Huy, ông Sergei Savrukhin và ông Nguyễn Trọng Nghĩa. Ông Trịnh Thanh Huy cũng là lãnh đạo cao cấp duy nhất của Công ty vẫn còn tại nhiệm từ đó đến nay.
Thực tế, trước cuộc bầu cử năm 2019 thì tên tuổi của Beton 6 trong 10 năm gần đây đã gắn liền với ông Trịnh Thanh Huy. Cuối năm 2019, ông Huy cùng gia đình sở hữu khoảng 6,7% cổ phần Beton 6.
Ông Huy (sinh năm 1970), từng học tại Học viện kỹ thuật quân sự tại Việt Nam và Nga. Ông là người cùng ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh xây dựng Tập đoàn Masan tại Nga (sau đó là Masan tại Việt Nam). Ông Huy từng là Phó Chủ tịch Tập đoàn Masan từ năm 1997 đến năm 2002.
Năm 2006, ông Huy tham gia thành lập công ty Bình Thiên An - chủ đầu tư dự án Đảo Kim Cương tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bình Thiên An được biết đến là một phần của Kusto Group, tập đoàn đầu tư vào rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam như Coteccons, Gemadept, CTCP Vật liệu Xây dựng Việt Nam (VCM) - đã bán cho Tập đoàn SCG ...
Trước Beton6 thì một tên tuổi khác trong ngành xây dựng, có ông Huy tham gia vào HĐQT là CTCP Xây dựng Công Nghiệp (Descon) cũng đã phá sản.
Descon niêm yết vào cuối năm 2007 và trở thành mục tiêu thâu tóm của nhóm cổ đông liên quan đến ông Trịnh Thanh Huy và Bình Thiên An khi doanh nghiệp này có thương hiệu lâu đời và thi công một loạt công trình và dự án có tiếng. Trong đó, riêng Dự án PRECHE (quận 2, Tp.HCM) đã có giá thị trường khoảng 25-30 triệu USD, xấp xỉ vốn hóa Công ty thời điểm bấy giờ.
Trong kỳ ĐHĐCĐ đầu tiên, việc chuyển giao quyền lực giữa hai nhóm lãnh đạo mới cũ diễn ra gay gắt. Cuối cùng, vào tháng 12/2010, ĐHCĐ bất thường của Descon đánh dấu sự ra đi của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Xuân Bảng sau 20 năm gắn bó.
Lúc bấy giờ, nhóm cổ đông lớn Bình Thiên An đã giành quyền lãnh đạo tại khi sở hữu chính danh chỉ 21,6% số cổ phần. Đến tháng 10/2011, cổ phiếu DCC của Descon đột ngột bị hủy niêm yết bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng quy định về công bố thông tin.
Tại ngày 31/12/2017, Descon có vốn điều lệ 356 tỷ đồng trong đó cổ đông lớn là ông Trịnh Thanh Huy góp vào 200 tỷ đồng tương ứng với tỷ lệ 56,2%.
Cuối năm 2017, tổng tài sản của Công ty được ghi nhận là 2.862 tỷ đồng, tăng 44,8% so với năm 2016. Lãi sau thuế đạt 24,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước chỉ có 8,4 tỷ.
Mặc dù lợi nhuận tăng, tuy nhiên tổng các khoản nợ Công ty phải trả lên đến 2.372 tỷ đồng, tăng gần 900 tỷ đồng so với năm trước, trong đó vay ngắn hạn tăng 271 tỷ và vay dài hạn tăng 590 tỷ.
Việc khoản nợ mà Descon đang gánh là quá lớn so với tình hình tài chính của công ty. Do đó, ngày 31/10/2018, TAND TPHCM đã có quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty Cổ phần Xây dựng Công Nghiệp (Descon), căn cứ theo đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty TNHH Siam City Cement (Việt Nam).
Thông tin về Descon gần như bặt tăm trên thị trường cho đến khi tòa án mở thủ tục phá sản vào năm 2018.
Tiếng tăm của ông Trịnh Thanh Huy trên thương trường Việt Nam được biết đến bởi dự án bất động sản Đảo Kim Cương có vốn đầu tư lên đến 400 triệu USD ở Q2,TPHCM. Dự án này do Công ty Cổ phần Bất động sản Bình Thiên An (BTA) làm chủ đầu tư và ông Huy làm CEO. Thông tin này khiến giới kinh doanh nhầm tưởng rằng ông Huy là ông chủ của dự án này. Tuy nhiên, thực tế ông Huy chỉ là CEO làm thuê.
Trong một văn bản gửi báo chí, Công Ty Cổ Phần Bất Động Sản Bình Thiên An, chủ đầu tư dự án Đảo Kim Cương xác nhận rằng Ông Trịnh Thanh Huy/Tập Đoàn HB không nắm giữ bất kỳ cổ phần nào, không có bất kỳ mối quan hệ nào và không nắm giữ bất kỳ chức vụ quản lý nào trong dự án Đảo Kim Cương từ tháng 3 năm 2016.
Ngay ờ tập đoàn HB Group - vốn được xem là là doanh nghiệp của ông Huy thì tính đến thời điểm hiện tại, ông Huy không còn là cổ đông hay giữ chức vụ nào tại cả 2 doanh nghiệp này .
Theo thông tin trên Cổng đăng ký kinh doanh Quốc gia, CTCP Thương mại Đầu tư HB được thành lập vào năm 2007 (chuyển đổi từ Công ty TNHH thành lập năm 2000) với vốn điều lệ đăng ký là 600 tỷ đồng, trong đó ông Huy là cổ đông sáng lập nắm 5% vốn.
Sau nhiều lần thay đổi vốn cũng như tỷ lệ sở hữu, đến lần thay đổi đăng ký kinh doanh vào tháng 8/2017 thì ông Huy không còn nắm giữ cổ phần tại công ty này. Như vậy trong số những khoản đầu tư từng được nhắc đến thì hiện tại ông Huy chỉ còn nắm giữ cổ phần của Descon và Beton 6.


Trong khi nhiều doanh nhân như Nguyễn Đăng Quang, Đặng Khắc Vỹ, Phạm Nhật Vượng, Hồ Hùng Anh đang ngày càng thành công trên thương trường Việt Nam thì một đại gia cùng trong nhóm trờ về từ Đông Âu là Trịnh Thanh Huy lại đang có sự nghiệp kinh doanh không mấy sáng sủa. Những doanh nghiệp có 'bàn tay' của doanh nhân tham gia này đều rơi vào khó khăn và phá sản.
Như vậy sau một thời gian cùng trở về Việt Nam, ông Trịnh Thanh Huy dường như đã 'biến mất' trên thương trường. Lần cuối cùng mà nhiều người thấy ông Huy xuất hiện trước truyền thông là tại buổi đại hội cổ đông công ty Coteccons vào năm 2016, khi ông đứng lên chất vấn ông Nguyễn Bá Dương về mục tiêu kinh doanh quá thận trọng của công ty này.