Theo nguồn tin từ báo Thanh Niên, Hội đồng thẩm phán (HĐTP) TAND tối cao đã xét xử giám đốc thẩm và phát hành quyết định giám đốc thẩm vụ án “tranh chấp về hôn nhân và gia đình” giữa nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo (48 tuổi, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV TNI) và bị đơn – ông Đặng Lê Nguyên Vũ (50 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên).
Theo đó, thông tin tổng tài sản của bà Thảo với ông Vũ giải quyết chia trong vụ ly hôn này có giá trị hơn 7.900 tỉ đồng (làm tròn) bao gồm, bất động sản, tiền mặt ở ngân hàng, cổ phần ở các công ty…Sau khi ly hôn, bà Lê Hoàng Diệp Thảo được chia tổng số tài sản trị giá hơn 3.245 tỉ đồng, ông Đặng Lê Nguyên Vũ được chia tổng số tài sản trị giá hơn 4.687 tỉ đồng.
Cụ thể: Về bất động sản (BĐS), HĐTP TAND tuyên giao cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo 7 bất động sản, tổng trị giá gần 376 tỉ đồng; giao ông Đặng Lê Nguyên Vũ 6 bất động sản, tổng trị giá được chia là hơn 350 tỉ đồng. Ông Vũ và bà Thảo có trách nhiệm liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục chuyển đổi giấy chứng nhận.
Giao bà Lê Hoàng Diệp Thảo được sở hữu toàn bộ tiền đứng tên bà Thảo gửi tại các ngân hàng, với số tiền hơn 1.551 tỉ đồng.
Giao ông Đặng Lê Nguyên Vũ được sở hữu toàn bộ số cổ phần đang ghi tên ông Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại các công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên, tương đương số tiền trị giá khoảng 5.655 tỉ đồng.
Từ đó, HĐTP TAND tối cao tuyên ông Vũ thanh toán cho bà Thảo số tiền chênh lệch về giá trị tài sản thực nhận so với giá trị tài sản được chia là hơn 1.318 tỉ đồng.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ thanh toán này, ông Vũ có quyền liên hệ các cơ quan chức năng để làm thủ tục thay đổi giấy phép kinh doanh theo quy định pháp luật. Ngày 13.1.2020, ông Đặng Lê Nguyên Vũ thi hành xong bản án phúc thẩm.
Có thể nói tài sản có ý nghĩa to lớn nhất với ông Đăng Lê Nguyên Vũ chính là Tập đoàn Trung Nguyên và thương hiệu này có lẽ lớn hơn nhiều so với con số tài sản gần 5.000 tỷ ghi nhận theo giá trị sổ sách.
Dựa theo các số liệu tài chính có được, mức định giá chưa đến 6.000 tỷ đồng chỉ tương đương với hệ số P/B (thị giá trên giá trị sổ sách) khoảng 1 đến 1,2 lần giá trị sổ sách của Trung Nguyên Group tại thời điểm cuối năm 2018.
Giám đốc đầu tư của một quỹ đầu tư lớn nhận định với với việc có doanh thu, lợi nhuận lớn cộng với vị thế dẫn đầu của một lĩnh vực không dễ thâm nhập thì nhà đầu tư sẵn sàng trả một mức giá tương ứng với P/B cao hơn nhiều.
Kết quả khảo sát tại 8 doanh nghiệp thực phẩm – đồ uống lớn khác như Vinamilk, Sabeco, Masan Consumer… cho thấy P/B trung bình của nhóm này ở mức 3,5 lần và P/B của Vinacafe Biên Hòa, doanh nghiệp tương đồng nhất với Trung Nguyên là 3,7 lần.
Tạm tính ở mức P/B bằng 3 lần thì định giá của Trung Nguyên Group phải ở mức tối thiểu 15.000 tỷ đồng, chưa kể phần vốn ở những công ty khác.
Ngoài số tài sản chung kể trên, ông Đặng lê NGuyên Vũ cũng có nhiều tài sản riêng nhiều giá trị khác. Ông là người thích sưu tầm xe hơi và ông đã sở hữu hàng loạt siêu xe. Trong đó, có thể kể tới những chiếc xe như: Mercedes-AMG SLS Coupe, 2 chiếc SUV siêu sang, siêu nhanh Bentley Bentayga, 2 chiếc Rolls-Royce Ghost, 3 chiếc Range Rover SVAutobiography, Porsche Boxster, Lexus LX570, 2 chiếc Mercedes-Benz G-Class.... Mỗi chiếc siêu xe trong bộ sưu tập này đều có giá trị lên tới hàng triệu USD.
Để so sánh, ông Đặng Lê Nguyên Vũ chỉ thua vợ chồng đại gia Minh "Nhựa" về độ chịu chơi trên thị trường xe hơi. Đại gia Trung Nguyên đồng thời là người đầu tiên tại Việt Nam cùng lúc sở hữu 6 siêu xe Ferrari.
Bên cạnh xe hơi, ông Nguyên Vũ cũng rất đam mê với ngựa đua. Ông từng mất tới 4 tháng rong ruổi khắp nước Úc để thương thảo và lựa chọn giống ngựa. Không những thế, ông từng mất hàng trăm triệu để thuê một chiếc máy bay để đưa số ngựa đó về Việt Nam, rồi cất công thuê chuyến container chở ngựa lên trang trại riêng của mình.
Trước khi trở thành một đại gia, ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng rất khó khăn trên con đường khởi nghiệp. Khi ấy, tài sản lớn nhất của ông chỉ là chiếc xe đạp cọc cạch. Tuy nhiên, đó chỉ là điểm khởi đầu cho những thành công sau này.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ sinh ngày 10/2/1971 tại Nha Trang, Khánh Hòa trong một gia đình nông dân nghèo, Đặng Lê Nguyên Vũ phải sớm phụ cha mẹ để lo cho cuộc sống gia đình nên không xa lạ gì với những công việc nặng nhọc, cực khổ của nhà nông.
Năm 1981, bố ông lâm trọng bệnh, gia cảnh sa sút, cũng từ đây đã hình thành ý chí làm giàu của cậu bé mới 10 tuổi.
Hàng ngày, ông Vũ lóc cóc đạp xe đi giao cà phê khắp nơi và cố gắng tìm tòi những công thức mới phục vụ người dùng. Nhờ có óc kinh doanh và nghị lực vươn lên mạnh mẽ, ông Nguyên Vũ đã dần dần gây dựng thương hiệu Cà phê Trung Nguyên.
Cái tên "Cà phê Trung Nguyên" nói lên mong ước một ngày nào đó ông sẽ chiếm lĩnh được thị trường rộng lớn như vùng Trung Nguyên của Trung Quốc xưa.