Ông Lại Thế Hà (đứng cạnh bà Như Loan)
Ngày 10/8, HĐQT Công ty Quốc Cường Gia Lai công bố bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc thôi chức vụ Chủ tịch HĐQT và thay vào đó là ông Lại Thế Hà. Ông Hà chính là người đàn ông đứng sau mẹ Cường Đô la, cùng điều hành ‘đế chế’ Quốc Cường Gia Lai từ năm 2007 đến nay.
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đang có Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc đã tách bạch 2 vị trí này nhằm đáp ứng Nghị định số 71/2017/NĐ-CP với nội dung kể từ 1/8/2020, Chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm Tổng giám đốc.
Bà Loan được coi là linh hồn của Quốc Cường Gia Lai khi là người sáng lập nên công ty. Sau khi cổ phần hóa, bà giữ chức Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc công ty trong 13 năm, từ tháng 3/2007. Vì vậy, người thay thế bà Loan ở vị trí Chủ tịch cũng không thể là người xa lạ ở công ty này.
Ông Lại Thế Hà sinh năm 1956 tại Nam Định, là cử nhân lâm nghiệp. Ông Hà giữ chức Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc từ năm 2007, được mệnh danh là "cổ đông lâu năm" và cùng bà Như Loan điều hành xuyên suốt hành trình của Quốc Cường Gia Lai. Hiện, ông Hà đang nắm 597.500 cổ phần, chiếm 0,21% vốn Quốc Cường Gia Lai.
Tuy nhiên, vai trò của ông Hà không chỉ có vậy.
Khoảng 8 tháng sau khi rời khỏi QCGL, Cường Đô La - người con trai duy nhất của bà Như Loan đã kết hôn với Đàm Thu Trang. Trong lễ cưới, ông Lại Thế Hà cùng bà Như Loan xuất hiện với tư cách đại diện nhà trai.
Trong thiệp cưới của cặp đôi, tên ông Hà và bà Loan nằm ở bên thân sinh của nhà trai. Theo một số thông tin, ông Lại Thế Hà hơn bà Như Loan 4 tuổi, và đã trở thành "điểm tựa" cho bà Như Loan từ nhiều năm trước. 2 người đã đồng hành từ khi QCGL còn là một xí nghiệp tư nhân ở Gia Lai. Hiện tại ông Hà chủ yếu ở Gia Lai và phụ trách mảng thủy điện, cao su của Quốc Cường Gia Lai.

Ngoài ông Lại Thế Hà thì người con gái thứ 2 của ông là bà Lại Thị Hoàng Yến cũng liên quan đến Quốc Cường Gia Lai một cách chặt chẽ.
Vào năm 2017, bà Lại Thị Hoàng Yến và công ty bà làm Tổng Giám đốc – công ty TNHH Bắc Phước Kiển từng cho Quốc Cường Gia Lai vay hơn 1.200 tỷ đồng. Đây đều là các khoản vay không lãi suất, không tài sản đảm bảo.
Ngoài ra, bà Yến nắm nhiều chức vụ tại nhiều công ty như CTCP Giai Việt (QCGL nắm 74,45% tỷ lệ lợi ích và quyền biểu quyết tại đây. Trong đó, 50% quyền biểu quyết trực tiếp và 24,45% quyền biểu quyết gián tiếp thông qua CTCP Bất động sản Sông Mã), công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phạm Gia (QCGL nắm 43,81% vốn), công ty TNHH Bất động sản Quốc Cường Phước Kiển (QCGL nắm 80%). Ngoài hệ thống QCGL, bà đang đứng tên cho công ty TNHH Bất động sản và Xây dựng Tín Nghĩa.
Bà Yến cũng đang sở hữu 1,5 triệu cổ phiếu QCG.
Nhắc đến bà Nguyễn Thị Như Loan, người ta vẫn nhớ gương mặt khắc khổ của nữ doanh nhân sinh năm 1960 trong các buổi làm việc với chính quyền TP.HCM liên quan đến các sai phạm của Tân Thuận. Dù ở đỉnh cao hay thời khắc khó khăn, bà Loan đều xuất hiện với hình bóng lẻ loi quen thuộc. Không ít người băn khoăn rằng “nửa” còn lại trong cuộc đời của vị Chủ tịch QCGL là ai?
Trong các báo cáo quản trị các năm của QCGL cũng không hề đề cập đến chồng của bà Như Loan.
Bà Loan khởi nghiệp với ngành chế biến xuất khẩu gỗ sau đó chuyển sang kinh doanh phân bón. Tuy nhiên, khi bán phân bón đi thu tiền gặp nhiều rủi ro, xảy ra kiện tụng liên miên, bà vô cùng mệt mỏi. “Ngã rẽ” bất động sản đến một cách bất ngờ khi một khách hàng nợ tiền phân bón trả nợ bằng một lô đất. Từ đó bà Loan đã gắn bó với đất cho đến ngày nay.
Tham gia thị trường bất động sản trên 10 năm, bà Loan chịu nhiều sức ép lớn vì thị trường có nhiều biến động, để theo đuổi ngành này buộc bà phải có tinh thần thép, bản lĩnh, quyết đoán và can đảm để ứng phó mọi tình huống bất ngờ trên thị trường. Nếu không dành nhiều thời gian để tập trung chuyên sâu cho việc kinh doanh thì khó có thể thành công, nếu tính sai một nước cờ rất dễ đi đến phá sản.
“Có những lúc khó khăn gần như bế tắc, tôi phải một mình xoay sở, không thể nhờ ai vì những việc này đòi hỏi sự am hiểu, nhiều kinh nghiệm đồng thời phải có chuyên môn mới giải quyết được. Tuy bên cạnh có nhiều bạn bè, người thân và gia đình rất muốn hỗ trợ, nhưng những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản chẳng ai có thể gánh vác giúp tôi được. Nhiều đêm tôi tự hỏi tại sao mình là phụ nữ lại chọn một ngành vất vả đến vậy", bà Loan từng chia sẻ.
Trong một bài phỏng vấn với báo chí, bà Loan cho biết, mình đã phải chịu sức ép khá lớn và trải qua nhiều khó khăn khi dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản – nghề vốn được coi là chỉ dành cho đàn ông. Tuy nhiên, dù vất vả, bà Loan vẫn hài lòng với những gì đạt được bởi đó là kết quả xứng đáng cho những đòn cân não mà bà đã trải qua.
Nữ doanh nhân này dồn rất nhiều tâm sức cho công việc. Một ngày làm việc của bà thường bắt đầu từ 9h sáng cho đến 9h tối. Có khi bà còn làm việc tới tận 2-3h đêm vì đó là thởi gian tĩnh lặng, dễ tập trung hơn.