sau-10-nam-tai-co-cau-dnp-holding-lam-an-ra-sao-duoi-quyen-ong-vu-dinh-do-1-1681187532.png

Chủ tịch HĐQT Vũ Đình Độ và những con số ấn tượng tại DNP

Công ty Cổ phần DNP Holding (HNX: DNP), tiền thân là Công ty Cổ phần Nhựa Đồng Nai, được thành lập  năm 1976 với tư cách là một công ty đầu tư. Năm 2004, Công ty thực hiện cổ phần hóa với số vốn đăng ký ban đầu là 3 tỷ đồng. Năm 2006, Công ty chính thức niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội với mã giao dịch DNP.  

Dù gia nhập thương trường khá sớm nhưng phải đến năm 2012, sau quá trình tái cơ cấu, DNP mới bắt đầu ghi nhận những bước nhảy vọt trong sản xuất kinh doanh. Đây cũng là năm DNP Holding có sự góp mặt của ông Vũ Đình Độ.  

sau-10-nam-tai-co-cau-dnp-holding-lam-an-ra-sao-duoi-quyen-ong-vu-dinh-do-1681187450.jpeg

Năm 2014, ông Độ giữ chức vụ Tổng Giám đốc DNP Holding. Chỉ sau một năm, ông Độ chính thức ngồi vào ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị. Vào năm 2015, DNP Holding tăng vốn điều lệ lên 67 tỷ đồng từ khi “đón” chủ tịch mới.  

Về sau, quy mô tài sản của DNP Holding không ngừng tăng lên. Năm 2016, công ty tăng vốn đăng ký gấp 4,4 lần năm trước, lên 300 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến năm 2022, DNP Holding đã thực hiện 6 đợt tăng vốn điều lệ khác. Cho đến năm 2022, quy mô vốn của công ty là 1.189 tỷ đồng, tăng gấp 396 lần vốn đăng ký ban đầu.  

Tuy nhiên, cùng với việc tăng quy mô vốn đăng ký, tình hình nợ nần của công ty cũng đang trên đà tăng mạnh. Cụ thể, tính đến 31/12/2022, nợ phải trả của DNP Holding tăng 18% so với cùng kỳ, đạt 11.967 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh của công ty, giai đoạn 2012-2016, DNP lập kỷ lục với doanh thu đạt 1.454 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 96 tỷ đồng vào năm 2016, tăng lần lượt 61% và 81% so với cùng kỳ.  

Tuy nhiên, những năm tiếp theo, mặc dù doanh thu tiếp tục cải thiện nhưng lợi nhuận của công ty lại đi theo chiều ngược lại. Nổi bật nhất là vào năm 2018, DNP chỉ lãi vỏn vẹn 12 tỷ đồng trong khi ghi nhận doanh thu thuần 2.181 tỷ đồng.

Bước sang năm 2022, DNP ghi nhận doanh thu thuần 7.692 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, doanh thu  hoạt động tài chính của công ty ghi nhận mức tăng mạnh từ 275 tỷ đồng năm 2021 lên 511 tỷ đồng năm 2022,  tăng hơn 85%. Sau khi trừ các khoản chi phí, DNP Holding lãi 94,8 tỷ đồng, tăng 317% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, mức lợi nhuận trên vẫn không thể vượt đỉnh lãi 96 tỷ đồng xác lập  năm 2016 của công ty.

Năm 2022, CTCP Nhựa Đồng Nai chính thức đổi tên thành CTCP DNP Holding. DNP giải thích việc đổi tên này nhằm tạo thuận lợi cho quá trình kết nối với các đối tác chiến lược nhằm tạo điều kiện giao dịch, kinh doanh trực tuyến với sự phát triển của công ty.

Với mô hình công ty mẹ, DNP đang hướng tới phát triển 4 lĩnh vực chính bao gồm: Nước (DNP Water) với chiến lược thoái vốn tại các công ty liên kết không còn khả năng tăng tỷ lệ sở hữu lên hơn 51%, đầu tư vào nhà máy có quy mô lớn tại các vùng chiến lược; vật liệu xây dựng; thiết bị và bao bì.  

Tham vọng ngành nước với DNP Water

Một trong những nguyên nhân giúp DNP tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn 2014 - 2022 là chuẩn bị nguồn lực tài chính để theo đuổi thị trường cung cấp nước sạch.  

Năm 2017, Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghiệp Nước DNP (DNP Water) được thành lập với số vốn đăng ký 1,1 nghìn tỷ đồng. Đây cũng là công ty tư nhân đầu tiên trong ngành nước tại Việt Nam được IFC đầu tư 24,9 triệu USD.  

Chủ tịch HĐQT DNP Holding, ông Vũ Đình Độ đã công bố chiến lược chuyển đổi công ty từ công ty sản xuất sang công ty đầu tư nhằm linh hoạt trong việc lựa chọn cơ hội mới và thoái vốn các mảng kém hiệu quả tại ĐHĐCĐ 2019.

DNP Water từ đó đã mở rộng phạm vi kinh doanh ra 8 tỉnh thành, với tổng công suất thiết kế 680.000 m3/ngày đêm, số lượng khách hàng hiện có lên tới gần 500.000 tổ chức, cá nhân.

Hiện DNP Water đang sở hữu trực tiếp và gián tiếp 13 công ty đầu tư, sản xuất  kinh doanh nước sạch tại một số tỉnh, thành phố và sở hữu cổ phần tại 8 công ty nước sạch.  

sau-10-nam-tai-co-cau-dnp-holding-lam-an-ra-sao-duoi-quyen-ong-vu-dinh-do-1-1681187583.jpeg

Theo thông tin báo cáo tài chính định kỳ vừa công bố, năm 2022, lợi nhuận sau thuế của DNP Water sẽ đạt  37,6 tỷ đồng, đây là mức lợi nhuận khả quan do cùng kỳ năm 2021 công ty lỗ hơn 143 tỷ đồng. Ngoài ra, tính đến ngày 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của công ty ở mức 2.984 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021.

Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu giảm từ 1,66 vào cuối năm 2021 xuống còn 1,34 vào cuối năm 2022, tương đương với dư nợ  của DNP Water là 3.998 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu đạt 0,23.  

Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, DNP Water hiện đang lưu hành trên thị trường 6 đợt trái phiếu với tổng giá trị phát hành là 300 tỷ đồng (mỗi đợt trị giá 50 tỷ đồng). Trái phiếu tốt nhất được phát hành vào ngày 31/08/2020, thời hạn 3 năm, lãi suất cố định 11%/năm. Mục đích phát hành trái phiếu là để tăng quy mô hoạt động của công ty.