satya-nadella-va-10-nam-nhan-nut-tai-tao-cua-microsoft-2-1705285169.jpg
 

Khi thị trường đóng cửa hôm thứ Sáu, Microsoft vượt qua Apple để trở thành công ty đại chúng có giá trị nhất thế giới với mức vốn hóa 2.889 tỷ USD; Apple ở mức 2.887 tỷ USD.

Trong hơn một thập kỷ qua, Apple là ông vua không đối thủ trên thị trường chứng khoán. Quả táo lần đầu tiên vượt mặt Exxon Mobil để trở thành công ty đại chúng có giá trị nhất thế giới vào năm 2011 và giữ danh hiệu này gần như liên tục, chỉ bị gián đoạn trong thời gian rất ngắn.

Một kỷ nguyên công nghệ vượt trội đã đến khi Apple thay thế Exxon trên bảng xếp hạng. Giá trị của Apple, Amazon, Facebook, Microsoft và Google đã vượt xa các công ty dẫn đầu thị trường trước đây như Walmart, JPMorgan Chase và General Motors.

Nhưng ở trên đỉnh mãi cũng mỏi. Đến lượt Apple hụt hơi và Microsoft điền tên mình vào vị trí dẫn đầu.

Giới chuyên gia giải thích sự đổi ngôi trên với lý do đơn giản nằm trong hai chữ cái viết tắt: AI. Trí tuệ nhân tạo đã tác động đến tất cả các hoạt động kinh doanh của Microsoft, trong khi “Apple chưa có nhiều câu chuyện về AI” và đang đối mặt với nhu cầu yếu trên thị trường cũng như sự cạnh tranh gay gắt từ các hãng điện thoại của Hàn Quốc, Trung Quốc.

Nói đến thành công của Microsoft hôm nay không thể không nhắc đến tầm nhìn và sự dẫn dắt của Satya Nadella. Khi Satya Nadella trở thành CEO của Microsoft vào năm 2014, ông đứng trước hai cái bóng quá lớn là Bill Gates và Steve Ballmer. Đây cũng là giai đoạn một cơn lốc đang vần vũ trên đầu Microsoft khi số lượng máy tính cá nhân được bán ra - nguồn thu chủ lực của tập đoàn - bị sụt giảm.

satya-nadella-va-10-nam-nhan-nut-tai-tao-cua-microsoft-1705285256.jpg
Khi Satya Nadella trở thành CEO của Microsoft vào năm 2014, ông đứng trước hai cái bóng quá lớn là Bill Gates và Steve Ballme

Trong khi đó, số lượng điện thoại thông minh bán ra của Apple và Google trên đà tăng trưởng, dẫn đến nguồn thu từ các công cụ tìm kiếm và quảng cáo tăng mạnh. Đây là điều Microsoft không thể nào sánh kịp. Ngoài ra, Amazon đã thầm lặng khởi xướng dịch vụ Web Amazon, tạo dựng vị trí dẫn đầu trong mảng kinh doanh dịch vụ điện toán đám mây thu về siêu lợi nhuận.

Cổ phiếu của Microsoft trên đà rớt giá.

Ngày đầu tiên trên vị trí CEO, Satya Nadella phát biểu với đội ngũ Microsoft thông điệp ngắn gọn: Lĩnh vực công nghiệp mà chúng ta đang hoạt động không tôn trọng truyền thống. Nó chỉ tôn trọng đổi mới sáng tạo. Đây chính là thách thức của tất cả chúng ta để đưa Microsoft xông pha vào một thế giới di-động-trước-hết và đám-mây-trước-hết.

“Chúng ta phải tự xác định xem thế giới sẽ mất mát điều gì nếu như Microsoft biến mất. Chúng ta cần phải tự hỏi, công ty chúng ta tồn tại để làm gì? Vì sao chúng ta tồn tại? Đây là thời điểm chúng ta khám phá lại linh hồn của mình - điều làm chúng ta khác biệt”, ông nói.

10 năm Satya Nadella dẫn dắt Microsoft để lại ít nhất ba bài học:

Một là, không đắm đuối với sản phẩm cốt lõi của công ty đến mức chết chìm vì chậm đổi mới. Vào đầu thập niên 2000, phần mềm Windows là thứ bất khả xâm phạm tại tập đoàn. Kết quả là Microsoft đã không khai thác được những thay đổi lớn trong công nghệ, chẳng hạn như sự xuất hiện của điện thoại thông minh và điện toán đám mây. Tập đoàn đã có thể dễ dàng đi theo con đường của Kodak hay BlackBerry.

Nhưng dưới thời của Satya Nadella, Microsoft đã vượt ra khỏi cách tiếp cận lấy windows làm trung tâm để tiến bước vào một số công nghệ chủ chốt như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây. Ngày nay mọi người đều nói về AI nhưng Satya Nadella đã nói về chiến lược này từ cả thập kỷ trước.

Tầm nhìn của ông đã giúp Microsoft đầu tư vào OpenAI, công ty khởi nghiệp sẽ xây dựng chatbot Chat GPT; giúp Microsoft bổ sung AI vào các sản phẩm của hãng với tốc độ gây chóng mặt cho các đối thủ: thêm chatbot vào công cụ tìm kiếm Bing; đẩy AI vào hệ điều hành Windows, Excel, Outlook; cung cấp hệ thống của OpenAI cho khách hàng của Azure, sản phẩm điện toán đám mây hàng đầu của Microsoft…

Hai là, các doanh nghiệp không cần phải tự mình phát minh ra tất cả. Microsoft rất thành thạo trong việc tìm ra cách tổng hợp và bán các công nghệ được tạo ra ở nơi khác. Chẳng hạn, họ đã ra mắt “Copilots”, trợ lý trí tuệ nhân tạo, một sản phẩm kết hợp giữa OpenAI với mô hình kinh doanh điện toán đám mây do Amazon tiên phong.

Khác với Microsoft, nhiều gã khổng lồ công nghệ như Google, Amazon… bị ám ảnh bởi những gì tự phát minh và đã đổ nhiều tỷ USD vào hoạt động nghiên cứu nội bộ, nhưng không phải tất cả đều cho quả ngọt. Chẳng hạn, màn hình ba chiều cho điện thoại thông minh của Amazon đã thất bại và việc áp dụng công nghệ quét lòng bàn tay tại các cửa hàng tạp hóa của họ tiến triển rất chậm chạp.

Ba là, cơ cấu quản trị với tư cách là một công ty đại chúng giúp tạo ra kỷ luật cần thiết để Microsoft kiềm chế các nhà sáng lập. Đơn cử, những người sáng lập Google, Sergey Brin và Larry Page, nắm giữ 51% quyền biểu quyết tại Alphabet, điều này giải thích tại sao công ty gặp khó khăn để phát triển vượt ra ngoài lĩnh vực tìm kiếm. Ngược lại, Apple và Microsoft không còn bị thống trị bởi những người sáng lập của họ nữa, và nhờ vậy có những đổi mới mạnh mẽ giúp tập đoàn trở nên có giá trị hơn rất nhiều trên thị trường.

Tạo ra một cuộc cách mạng ở Microsoft, nhưng Satya Nadella không đoạn tuyệt với quá khứ, cách lãnh đạo của ông là “nhấn nút tái tạo” - tên một cuốn sách do ông viết. Điều này giống như cách bạn nhấn nút Refresh trên trình duyệt để “làm mới” nền tảng cũ mà không phải là xóa nó đi. Cách tiếp cận này cũng là triết lý cuộc đời của Satya Nadella.

Vào sinh nhật lần thứ 21, Satya Nadella di cư từ Hyderabad Ấn Độ sang Mỹ để học thạc sĩ khoa học máy tính. Sau khi dừng chân ở Rust Belt và thung lũng Silicon, ông gia nhập Microsoft năm 1992 và lãnh đạo nhiều nhóm sản phẩm khác nhau trước khi được bổ nhiệm vào vị trí CEO. Cuộc đời Satya Nadella là một hành trình của sự học hỏi, cảm thông sâu sắc đối với người khác bằng chính những trải nghiệm tự thân, bằng chính hoàn cảnh gia đình ông. Satya Nadella đem sự cảm thông vào những gì ông làm cả với tư cách cá nhân và cả trong công việc.

Microsoft là ví dụ hiếm hoi về một gã khổng lồ đã tái tạo thành công. Cùng chờ xem Satya Nadella sẽ mở ra những “cửa sổ” nào trong giai đoạn tiếp theo của Microsoft.