Sản xuất suy yếu tháng thứ ba liên tiếp, niềm tin doanh nghiệp bị “nén” lại và bức tranh kinh tế đang gửi đi tín hiệu gì? Ở cuối bài Nguyên viết thêm một vấn đề sâu sa mà có thể bạn không muốn nghe.

---

Tình hình sản xuất Việt Nam – Tháng 6/2025

Chỉ số PMI thước đo “sức khỏe” ngành sản xuất, tiếp tục giảm còn 48.9 (dưới mức 50 là dấu hiệu đang kém hơn tháng trước). Tiếp tục xấu hơn tháng trước và thứ ba liên tiếp phản ánh điều kiện xấu đi.

- Đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm lần thứ ba liên tiếp. Đáng chú ý, đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh với tốc độ nhanh nhất trong hơn hai năm, chủ yếu do ảnh hưởng từ thuế Mỹ áp lên hàng hóa Việt Nam.

- Tuyển dụng lao động vẫn trong xu hướng cắt giảm tháng thứ 9 liên tiếp doanh nghiệp giảm nhân sự, với mức độ giảm mạnh hơn so với tháng trước.

- Hoạt động mua hàng và tồn kho đều đi xuống: doanh nghiệp giảm nhẹ hoạt động mua nguyên vật liệu; tồn kho đầu vào và thành phẩm cùng giảm, trong đó tồn kho mua giảm mạnh nhất trong 9 tháng.

- Sản lượng ghi nhận mức tăng nhẹ tháng thứ hai liên tiếp, tuy nhiên tốc độ tăng đang chậm lại.

- Chi phí và giá cả có dấu hiệu tăng trở lại. Chi phí đầu vào nhích lên do giá hàng hóa thế giới tăng và đồng Việt Nam suy yếu. Trước áp lực chi phí gia tăng, nhiều doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh tăng giá bán đánh dấu lần tăng đầu tiên kể từ đầu năm 2025.

- Niềm tin doanh nghiệp phục hồi nhẹ so với tháng 4, chủ yếu nhờ kỳ vọng vào khả năng cải thiện môi trường thương mại.

Điều kiện sản xuất kinh doanh (thể hiện qua PMI) suy giảm trong nhiều tháng không phải là hiện tượng tạm thời, mà phản ánh những vấn đề khác liên quan đến bối cảnh quốc tế và cấu trúc bên trong:

- Tác động từ thương mại quốc tế là yếu tố chính. Thuế Mỹ áp lên hàng hóa Việt Nam khiến đơn hàng xuất khẩu sụt giảm. Trong khi đó, căng thẳng thương mại vẫn kéo dài, khiến doanh nghiệp xuất khẩu khó xây dựng kế hoạch ổn định.

- Chi phí sản xuất tăng trở lại. Việc đồng nội tệ yếu đi cùng chuỗi cung ứng toàn cầu còn bất ổn đặc biệt vấn đề từ Trung Quốc và căng thẳng Trung Đông đang đẩy chi phí nguyên liệu đi lên. Lạm phát có áp lực trở lại, dù theo Nguyên thì không phải tác động lớn tuy nhiên trong môi trường đang quen với lạm phát được kiểm soát thấp thì sự tăng nhanh lại sẽ làm doanh nghiệp bất ngờ hơn.

- Doanh nghiệp phản ứng thận trọng: xu hướng cắt giảm lao động, hạn chế mua nguyên vật liệu, không mở rộng tồn kho cho thấy tâm lý phòng thủ vẫn đang chiếm ưu thế. Dù niềm tin có dấu hiệu hồi phục, nhưng không có dự định đầu tư mới.

- Thị trường nội địa hiện chưa thể đóng vai trò thay thế. Dù sản lượng có tăng nhẹ, nhưng sức mua yếu trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, làn sóng sa thải tăng khiến mức tăng không thực sự bền vững.

SÂU XA HƠN LÀ VẤN ĐỀ:

Đường cong niềm tin doanh nghiệp hiện đang bị giữ dưới ngưỡng bứt phá. Mức phục hồi tuy có nhưng chưa đủ mạnh để vượt qua ngưỡng "tâm lý hành động", khiến doanh nghiệp tiếp tục dè dặt trong việc đầu tư, mở rộng hay tuyển dụng. Khi niềm tin không đủ để kích hoạt các quyết định kinh tế tích cực, nền kinh tế có nguy cơ rơi vào vòng lặp trì trệ: doanh nghiệp chậm đầu tư → giảm việc làm → tiêu dùng yếu → tăng trưởng tiếp tục bị kìm hãm.