
Ngày 27/4, Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh 2023 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Theo Sabeco nhận định, năm 2023 sẽ là cơ hội khả quan cho ngành bia Việt Nam nhờ cơ cấu dân số vàng, thu nhập tăng nhanh, tiềm năng lớn của phân khúc bia không cồn, tiềm năng về thị trường xuất khẩu. Công ty dự báo xu hướng tiêu thụ các dòng bia cận cao cấp sẽ tiếp tục đà tăng trưởng.
Mặt khác, sự chuyển dịch sang các phân khúc thấp hơn của người tiêu dùng do thu nhập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 kéo dài có thể ảnh hưởng đến doanh thu năm 2023. Bên cạnh đó, cạnh tranh sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt giữa các công ty sản xuất bia nhằm giành thị phần cao hơn.
Sabeco đề ra mục tiêu doanh thu đạt 40.272 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 5.775 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 5% so với cùng kỳ. Nếu hoàn thành, công ty sẽ phá kỷ lục doanh thu và lợi nhuận của mình.

Về định hướng hoạt động, Tổng giám đốc Neo Gim Siong Bennett cho biết trong năm nay sẽ đẩy mạnh các dự án chiến lược để hợp nhất các nhà máy bia, bao gồm việc mua lại quyền sở hữu quyền chi phối CTCP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây, trong đó có 6 nhà máy bia, 2 nhà máy bao bì và thương hiệu bia Sagota. Công ty cũng đang trong quá trình tăng tỷ lệ sở hữu của mình tại CTCP Bia Sài Gòn Miền Tây từ 51% lên trên 70%. Riêng Sabibeco, ông Bennett cho hay công ty có biết Chủ tịch HĐQT Văn Thanh Liêm và biết rằng đơn vị này có những nhãn hàng tốt, nội tại tốt. Kợp tác với Sabibeco, công ty kỳ vọng sẽ có sự cải thiện về sản xuất, có sự cộng hưởng từ những thương hiệu của cả hai nhãn hàng.
Năm 2023, các doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, từ cuộc khủng hoảng năng lượng, tăng giá nguyên liệu và nhiên liệu vì cuộc chiến kéo dài giữa Nga - Ukraine. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký công điện ngày 3/6/2022 về việc chấp hành các quy định về phòng chống tác hại của rượu bia, với mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông liên quan đến người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn.
Hiện tại công ty đã có phát triển sản phẩm bia không cồn, nằm trong chiến lược phát triển của công ty. Bên cạnh đó, Sabeco cũng có những sản phẩm mới khác theo kế hoạch.
Nói về câu chuyện du lịch, ông Benett cho biết Trung Quốc hiện đã mở cửa lại. Công ty hy vọng sẽ có nhiều du khách từ Trung Quốc tới Việt Nam hơn, và mong số lượng khách sẽ sớm vượt mức 15 triệu khách. Có thêm du khách, không hẳn là họ sẽ uống bia, nhưng ngành du lịch khách sạn sẽ được phục hồi, nhiều công việc được tạo ra, và những người lao động sẽ được cải thiện cuộc sống, qua đó kỳ vọng đóng góp vào tiêu thụ bia. Nhìn chung, vị tổng giám đốc kỳ vọng sự phục hồi sẽ đến trong 6 tháng cuối năm.
Lợi nhuận quý I thấp nhất 6 quý
Ông Bennett cho biết kế hoạch 2023 phía công ty đã thông qua từ tháng 2. Tại thời điểm đó, thị trường đã ghi nhận khó khăn rồi và hiện tại còn khó khăn hơn. Năm 2023 công ty đã có tính toán đến các yếu tố bất ngờ, nhưng có lẽ là vẫn chưa đủ.
Kết thúc quý I, lãi sau thuế của Sabeco ghi nhận mức 1.004 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ, thấp nhất trong vòng 6 quý trở lại đây. Sabeco cho biết, kết quả kinh doanh giảm do thị trường tiếp tục suy yếu sau thời gian Tết nguyên đán trong bối cảnh Nghị định 100 có dấu hiệu siết chặt tại các thành phố trọng điểm, kết hợp với bất ổn kinh tế toàn cầu và tiêu dùng chậm lại.
Giá nguyên liệu giảm là điểm tích cực
Cũng theo ông Tổng giám đốc Sabeco, năm 2023 công ty đã có tính toán đến các yếu tố bất ngờ, nhưng có lẽ là vẫn chưa đủ. Công ty đang chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, trong đó bao gồm dịch bệnh là tiêu cực, nhưng tích cực là giá nguyên vật liệu đang giảm.
Về câu chuyện giá nguyên vật liệu, Phó Tổng giám đốc Koo Liang Kwee Alan cho biết công ty có chiến lược mua trước thông qua hợp đồng tương lai. Tùy thuộc vào các loại nguyên vật liệu, công ty sẽ thường mua trước 6 - 9 tháng. Công ty đánh giá hiện đã an toàn đối với biến động giá nguyên vật liệu trong năm nay.
Với bia lon, sự đảm bảo về mặt giá giá nguyên liệu sẽ kéo dài đến hết quý III. Công ty đã chốt giá hợp đồng tương lai từ cuối năm trước, nên khả năng năm nay dự kiến mảng chi phí này tăng cao hơn. Công ty cũng dự báo chuyện giá nguyên vật liệu sẽ tăng, từ đó đã có giải pháp để tối ưu chi phí, kỳ vọng biên độ lợi nhuận vẫn được giữ nguyên.
Tiếp tục tăng chi phí để cạnh tranh thị phần
Về yếu tố cạnh tranh, ông Bennett đánh giá hiện tại thị trường bia cực kỳ cạnh tranh, thị phần của Sabeco đã tăng trưởng trong những năm qua. Thực tế cho thấy sự cạnh tranh trong thị trường bia sẽ ngày càng lớn mạnh. Như vậy, công ty vẫn phải tiếp tục kế hoạch của mình trong các giai đoạn chuyển đổi, để ngày càng chuyên nghiệp và đạt tiêu chuẩn quốc tế. Sabeco sẽ không chỉ tập trung vào một khía cạnh, mà còn nhiều vấn đề như bán hàng, sản xuất, con người, tất cả đều phải đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Giai đoạn chuyển đổi đầu tiên của Sabeco đã thành công, giai đoạn 2 kỳ vọng sẽ tiếp tục thành công hơn nữa. Ngoài thị trường phân khúc tầm trung, Sabeco sẽ tấn công vào phân khúc cận cao cấp. Để làm được điều đó, Sabeco có thể sẽ tự phát triển hoặc kết hợp với các đối tác khác. Đối với việc cải thiện hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng và sản xuất, tất cả sẽ giúp thị phần của Sabeco được cải thiện.
Theo ông Bennett, thị phần phân khúc cận cao cấp chiếm khoảng 20% và hiện phân khúc đó đang bị thống trị bởi một nhãn hàng, trong khi thị phần của Sabeco đang khá nhỏ.
Sabeco cho biết đã đầu tư nhiều, nhưng công ty sẽ đầu tư thêm. Đối với nhiều người, chi phí marketing chỉ là chi phí, nhưng Sabeco cho rằng đây là một khoản đầu tư và giá trị mang lại sẽ từ ngắn hạn đến trung và dài hạn. Khi có một nhãn hàng đủ mạnh, đơn vị sẽ không cần đưa sản phẩm đến cho người tiêu dùng, mà họ tự tìm đến. Nếu nhãn hàng đủ mạnh, đơn vị phân phối cũng sẽ tự tìm đến, thay vì phải đi tìm. Cán bộ nhân viên cũng được động viên rất nhiều trong công tác bán hàng, cũng như các đối tác, kênh phân phối.
Trong 5 - 8 năm qua, thị phần tại miền Bắc của Sabeco đã nhân đôi, hiện nắm giữ vị trí thị phần thứ hai tại miền Bắc và đang tiếp tục tăng trưởng. Khi nói về các khoản đầu tư, ông Bennett cho rằng phải đầu tư về nền tảng và con người, kế hoạch hiện tại đang chứng minh được hiệu quả, vì thị phần Sabeco đang tăng nhanh hơn đối thủ trên thị trường.
Ở thị trường TP HCM, đại diện Sabeco đánh giá các đối thủ cạnh tranh rất mạnh, sản phẩm cũng đã có thị trường lâu. Tuy vậy, trong những năm qua thị phần của Sabeco đã gia tăng. Các đối thủ sẽ bảo vệ thị phần, Sabeco thì tấn công vào đó. Thực tế, nhiều điểm tại TP HCM có bán bia Sài Gòn. So với 10 năm trước, vị thế của Sabeco đã cải thiện.
Doanh thu xuất khẩu 3 quý gần nhất không tốt
Về tình hình xuất khẩu, ông Neo Gim Siong Bennett nhận định thị trường tài chính thế giới đang ổn định trở lại, lãi suất cũng đang dần ổn định, tại Việt Nam còn đang bắt đầu giảm. Phía công ty tin rằng tiêu thụ sẽ có thể phục hồi, nhưng đây cũng không phải yếu tố duy nhất. Với Sabeco, doanh thu xuất khẩu trong 3 quý gần nhất ghi nhận không tốt. Khi các thị trường thế giới ổn định, có thể khả năng xuất khẩu của Sabeco cũng sẽ được cải thiện.
Hiện tại cũng có nhiều nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam. Những khoản đầu tư này sẽ giúp tạo ra các công việc, cũng như cải thiện tình hình kinh doanh. Khi đời sống của người dân được cải thiện, khả năng tiêu thụ cũng sẽ được phục hồi.
Thay đổi vị trí tổng giám đốc từ tháng 10
Tại đại hội, Sabeco cũng công bố việc miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc (CEO) với ông Neo Gim Siong Bennett hiệu lực từ ngày 1/10/2023. Đồng thời, ban lãnh đạo bổ nhiệm ông Tan Teck Chuan Lester giữ chức vụ Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật thứ hai của Sabeco kể từ thời điểm nêu trên.

Theo giới thiệu, ông Tan Teck Chuan Lester (quốc tịch Singapore) có hơn 25 kinh nghiệm trong ngành bia các thị trường Thái Lan, Myanmar, Mông Cổ, Singapore. Hiện ông đang phụ trách mảng bia cho thị trường Thái Lan của công ty ThaiBev PLC.
Về sự thay đổi này, đại diện ban lãnh đạo, ông Michael Chye Hin Fah, Thành viên HĐQT cho hay ông Neo Gim Siong Bennett đã gắn bó với công ty 5 năm rồi, và đó là khoảng thời gian lâu để xa gia đình. Ông Bennett đã làm nhiều điều trong công cuộc chuyển đổi Sabeco trong thời gian qua. Năm 2022, lợi nhuận của Sabeco đạt mức kỷ lục, dẫn đến đề xuất thưởng cổ phiếu cho cổ đông. Ban lãnh đạo tin rằng đây là thời điểm thích hợp để đưa nhân sự mới, ý tưởng mới vào công tác điều hành. Như ông Bennett chia sẻ, thời gian qua là một hành trình dài, ông Bennett là người đi đầu tiên, và giờ là lúc ông truyền lại "ngọn lửa" cho người kế nhiệm. Sabeco tin tưởng tân Tổng giám đốc Tan Teck Chuan Lester sẽ đưa công ty lên một tầm cao nữa.
Chia cổ tức năm 2022 với tổng tỷ lệ 50%, phát hành 641 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ
So với kế hoạch từ ĐHĐCĐ thường niên 2022 là 35%, Sabeco dự kiến chia cổ tức thực tế cho cổ đông ở mức 50%, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 5.000 đồng, bao gồm 15% là cổ tức đặc biệt sau khi đạt mức lợi nhuận cao kỷ lục trong năm 2022. Công ty đã thanh toán 35%, phần còn lại sẽ được chi trả vào tháng 7/2023. Năm 2023, Sabeco dự kiến mức chia cổ tức là 35%.
HĐQT cũng trình đại hội phương án phát hành hơn 641 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1:1) cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn cổ phần. Nguồn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2022 (hơn 13 ngàn tỷ đồng). Thời gian dự kiến trong năm 2023 sau khi được UBCKNN phê duyệt. Số cổ phiếu mới không bị hạn chế chuyển nhượng. Dự kiến sau khi phát hành, vốn điều lệ sẽ nhân đôi thành trên 12.800 tỷ đồng.
Đại hội kết thúc với các tờ trình được thông qua.