Ngày 8/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Dân (NCB – Mã CK: NVB) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Tại ĐH, NCB đã trình cổ đông kế hoạch kinh doanh và mục tiêu tăng vốn tham vọng.

Tăng vốn điều lệ lên hơn 11.800 tỷ đồng

Tại ĐHĐCĐ của NCB đã thảo luận về phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ thêm tối đa 620 triệu cổ phiếu, tương đương 111% vốn điều lệ. Vốn điều lệ của NCB sau khi hoàn tất phương án phát hành sẽ tăng từ 5.601 tỷ đồng lên 11.800 tỷ đồng.

Số cổ phiếu này sẽ được chào bán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/CP. Số lượng nhà đầu tư chào bán sẽ dưới 100 nhà đầu tư và đảm bảo đáp ứng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại NCB tại thời điểm phát hành theo quy định tại Điều lệ. Thời gian dự kiến phát hành trong giai đoạn 2023 – 2025, với các đợt chào bán cách nhau ít nhất 6 tháng kể từ ngày kết thúc đợt chào bán gần nhất.

Theo bà Bùi Thị Thanh Hương - Chủ tịch HĐQT NCB chia sẻ ngân hàng thực hiện tăng vốn để tăng năng lực tài chính và theo lộ trình tăng vốn của Đề án tái cơ cấu cũ của ngân hàng đã đề ra và đã được NHNN thông qua.

recap-dhdcd-ngan-hang-ncb-chot-tang-von-dieu-le-len-11800-ty-dong-he-lo-thong-tin-ve-2-co-dong-ngoai-1680945095.jpg
Ảnh: mekongasean

Về mục đích chào bán, theo tài liệu ĐHĐCĐ đã công bố trước đó, NCB cho biết để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh, tăng cường năng lực tài chính của Ngân hàng bao gồm nhưng không giới hạn việc cải tạo, nâng cấp hình ảnh thương hiệu; xây dựng nhận diện thương hiệu; công nghệ và chuyển đổi số; bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh và các mục đích khác phù hợp với hoạt động kinh doanh, tăng cường năng lực tài chính cho NCB.

Chia sẻ thêm về việc chọn phương án phát hành riêng lẻ thay vì phát hành cho cổ đông hiện hữu, Chủ tịch HĐQT NCB cho biết ngân hàng đang cần những cổ đông có tiềm lực tài chính, năng lực quản trị điều hành để giúp ngân hàng nâng cao cả năng lực tài chính và năng lực điều hành và cam kết giúp cho ngân hàng trong thời điểm trung và dài hạn.

Ngoài ra, vị Chủ tịch này cũng hé lộ thêm thông tin về hai cổ đông ngoại tại ngân hàng. “NCB đang có cổ đông Nhật Bản và ở Anh, tuy không phải là cổ đông lớn nhưng tỷ lệ sở hữu cũng không phải là nhỏ, đây cũng là những đối tác tiềm năng của NCB trong tương lai”, bà Thanh Hương cho biết.

recap-dhdcd-ngan-hang-ncb-chot-tang-von-dieu-le-len-11800-ty-dong-he-lo-thong-tin-ve-2-co-dong-ngoai-1-1681022074.jpg

Năm đầu tiên đặt kế hoạch lợi nhuận đi lùi

Tại ĐHĐCĐ, NCB cũng thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023. Theo đó, NCB đặt mục tiêu đến cuối năm tổng tài sản đạt 94.500 tỷ đồng. Huy động khách hàng đạt 78.000 tỷ đồng và cho vay khách hàng đạt 57.700 tỷ đồng. Quy mô khách hàng mục tiêu là 1 triệu khách hàng.

Lợi nhuận trước trích lập theo phương án cơ cấu lại (PACCL) ở mức 16 tỷ đồng. Với con số này, đây là năm đầu tiên NCB đặt kế hoạch lợi nhuận đi lùi kể từ năm 2013 – thời điểm NCB bắt đầu thực hiện đề án tái cấu trúc theo phương án cơ cấu lại của NHNN.

Để đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong năm, với phân khúc khách hàng cá nhân, NCB khai thác phân khúc cao cấp, khách hàng có thu nhập cao, chủ sở hữu doanh nghiệp, khách hàng của hệ sinh thái đối tác chiến lược. Đồng thời, phát triển ngân hàng số hướng đến giới trẻ - những người thường xuyên giao dịch trực tuyến, ưa thích sử dụng sản phẩm dịch vụ số và cuộc sống số. Về sản phẩm và dịch vụ cho phân khúc này, NCB định hướng chuyển dịch cơ cấu doanh thu từ lãi sang phí bằng cách đa dạng hóa các sản phẩm như thu phí, bổ sung các sản phẩm đầu tư; bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe; cơ cấu lại nguồn vốn để giảm chi phí vốn, tăng Casa và các dịch vụ thanh toán số.

Với phân khúc khách hàng doanh nghiệp, NCB tập trung khai thác hiệu quả các khách hàng hiện hữu, khách hàng thuộc chuỗi cung ứng của các đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện với NCB. Đa dạng hóa các ngành nghề và mở rộng tệp khách hàng thuộc các lĩnh vực: khách hàng thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ; khách hàng chế biến nông sản hoạt động có hiệu quả; xăng dầu, thủy hải sản có hoạt động kinh doanh xuất khẩu…