352182462-3017897875173040-1011066112264699028-n-1686029600.jpg

Mình là khách hàng ACB từ hơn 20 năm trước, và vẫn đang tiếp tục dùng cho cả doanh nghiệp lẫn cá nhân. ACB cũng là ngân hàng duy nhất đến giờ này mà mình đã viết thư tay để khen nhân viên của họ vì sự tận tâm và năng lực chuyên môn. Mình cũng có nhiều bạn bè là cổ đông ACB “các thời kỳ”.

Nói như vậy để nói rằng mình là friend của ACB. Và những chia sẻ của mình trong status này không để làm gì tổn hại đến họ.

Chỉ đơn giản là vì thấy mọi người tung hô quá nên muốn phanh mọi người lại thôi. Giống như cách đây vài ngày, khi thấy vài người chế giễu “chủ tịch mà rảnh hơi nhảy nhót” thì đã viết bài để bênh.

Quay lại vấn đề hình ảnh thương hiệu ACB và chủ tịch sau sự kiện vừa rồi: cách làm ấy tốt hay không tốt, cho ACB trong ngắn hạn và dài hạn?

Cá nhân mình không ủng hộ cách làm này. Nó có thể tạo ra hiệu quả ngắn hạn (reach, awareness, leads…) nhưng về lâu dài nó không tạo ra hiệu quả tích cực, thậm chí có thể là tiêu cực:

1. Brand association không cùng chiều.

ACB mạnh nhất là mảng khách hàng doanh nghiệp, nhóm khách hàng này cần sự chắc chắn, ổn định, ít rủi ro, ít bất ngờ… từ những nhà cung cấp.

Và cũng chả cần đến khách hàng doanh nghiệp, mà bản chất nghiệp vụ ngân hàng cũng yêu cầu như vậy. Khác với vụ Vietjet bikini trẻ trung vẫn thành công vì nó thiên về dịch vụ, và đối tượng của họ phổ thông. Ngân hàng là một trong những ngành lâu đời và bảo thủ nhất.

Do vậy, tính cách thương hiệu thể hiện qua các sự kiện vừa qua (và trước đây) không phù hợp lắm với yêu cầu của ngành và của định vị thương hiệu ACB trong ngành.

2. Mức độ phụ thuộc vào một cá nhân tăng lên.

Về mặt hệ thống và văn hoá doanh nghiệp thì sự phụ thuộc nhiều hơn vào một nhân hiệu là không lành mạnh và bền vững cho dài hạn. Cho dù lúc trước là bầu Kiên hay bây giờ là chủ tịch trẻ tuổi tài năng.

Doanh nghiệp mà đa phần đơn hàng do lãnh đạo mang về…

Doanh nghiệp mà đa phần nhân sự do mị lực của cá nhân lãnh đạo nên về làm…

Doanh nghiệp mà đa phần các bí quyết công nghệ, phát minh sáng chế… là của lãnh đạo…

Doanh nghiệp mà cơ chế ra quyết định trong nhiều trường hợp không phụ thuộc vào “cái gì hay như thế nào” mà vào “ai”…

Không hẳn là sai, nhưng những nhóm này chỉ phù hợp cho giai đoạn khởi nghiệp mà thôi. Nếu trong dài hạn mà cứ vậy mãi thì sẽ là một thảm hoạ cho doanh nghiệp, các cổ đông và nhân sự cao cấp.

Và về mặt marketing thì nhân hiệu mà ACB “chọn” cũng không phù hợp.

Khác với lĩnh vực khởi nghiệp nơi ta có thể mê hình ảnh của Richchard Branson hay Elon Musk để rồi thiện cảm và tin tưởng hơn với những doanh nghiệp họ mở ra.

Hoặc lĩnh vực đầu tư nơi người ta có thể thấy hình ảnh của Masayoshi Son hay Warren Buffett và đầu tư theo các doanh nghiệp mà họ xuống tiền.

Thì lĩnh vực ngân hàng là nơi người ta mong thấy sự vững chãi, chắc chắn, hệ thống, chuyên môn và không lệ thuộc vào những cá nhân (nhất là sau những vụ bầu Kiên, Trầm Bê, Oceanbank trước đây hay SCB vừa rồi). Nhất là khi lãnh đạo được liên kết hình ảnh ấy lại không có chuyên môn sâu trong lĩnh vực mà họ đầu tư là ngân hàng.

Không chỉ từ phía khách hàng, mà từ phía nhân sự trung và cao cấp có lẽ cũng sẽ có những lấn cấn để những người thực sự giỏi về đầu quân thêm.

- Ông định về chỗ nào?

- À… ừ…

Cá nhân tôi cho rằng Hùng Huy là một tài năng, một tính cách thú vị và một người bạn ấm áp (tôi có follow bạn và theo sát cách hoạt động của bạn).

Hiệu quả hoạt động của ACB trong thời gian vừa qua cũng đã “thay lời muốn nói” để minh chứng cho khả năng và thành tựu của bạn ở vai trò lãnh đạo cao nhất của ngân hàng.

Thế nhưng, ở một góc độ lý tưởng, tôi nghĩ rằng Hùng Huy nên định vị như một chủ tịch đổi mới sáng tạo và hiện đại công nghệ HOẶC gắn kết tổ chức và phụng sự con người (nhân viên, khách hàng, cổ đông và cộng đồng) thì sẽ phù hợp hơn và có lợi hơn cho dài hạn.

Cả cho ACB lẫn cho cá nhân bạn ấy.

Nguồn: Facebook Tran Bang Viet

https://www.facebook.com/tranbangviet/posts/pfbid0rSuuhg66fFdre3W6vq8Eyep6tDjupSgGUFXP3BzCHVgyLhgcT1cpUfvVi3igA7zXl