Xuất phát từ nhu cầu của người học cũng như sự phát triển của xã hội, giáo dục nghệ thuật được dự đoán trở thành trụ cột cốt lõi của giáo dục tổng thể khi nuôi dưỡng sự sáng tạo, tư duy thẩm mỹ, khả năng cảm thụ và những giá trị nhân văn – những yếu tố không thể thiếu trong sự phát triển của tương lai 4.0.

Bổ sung nguồn giáo viên chất lượng

Trong giai đoạn trước năm 1994, Việt Nam chưa phổ cập giáo dục nghệ thuật,nên ngay sau khi có chủ trương đào tạo nghệ thuật trong trường phổ thông, có một sự thiếu hụt nhân lực lớn về đội ngũ giáo viên, dẫn đến việc dịch chuyển các giáo viên trái ngành sang giảng dạy nghệ thuật.

Theo đại diện của Viện Giáo dục Nghệ thuật Việt Nam (Vietnam Institute for Arts Education – VIA Education), bối cảnh lịch sử này đã dẫn tới hai hệ quả: một là đội ngũ giáo viên nghệ thuật hiện nay phần lớn chưa có đủ kĩ năng sư phạm; hai là vẫn chưa nhận thức rõ về tầm quan trọng của giáo dục nghệ thuật.
Những thực trạng phổ biến tại các đơn vị có đào tạo nghệ thuật bao gồm: số lượng giáo viên có chuyên môn sư phạm phù hợp rất hạn chế; thiếu giáo viên nghệ thuật tại nhiều địa phương; xã hội chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng và vai trò của giáo dục nghệ thuật trong việc phát triển thế hệ trẻ một cách toàn diện…

Tính độc quyền của các trường đại học, trường cao đẳng trong đào tạo giáo viên nghệ thuật đã dần chuyển dịch sang tính tự chủ, sáng tạo, bao gồm các trường phổ thông, tư thục, các trườngquốc tế, các trung tâm đào tạo nghệ thuật, các tổ chức nghệ thuật…

Chưa có giáo trình nền tảng

Cũng theo VIA Education, một khó khăn mà các trường học thường gặp phải là cân đối bài toán tài chính vì đặc thù các ngành nghệ thuật cần nhiều chi phí đầu tư về nguồn học liệu, trang thiết bị giảng dạy, số lượng giờ dạy, thực hành trên lớp cao và bảo đảm tỉ lệ giữa số lượng giáo viên học sinh phù hợp.

Đối với bất kỳ chương trình giáo dục nào không chỉ có lực lượng giáo viên; mà bên cạnh đó, giáo trình cũng là một vấn đề mang tính quyết định chất lượng đào tạo. Trong gần 20 năm qua, các giáo trình giảng dạy các bộ môn nghệ thuật đều do giảng viên, giáo viên tự biên soạn dựa trên kiến thức và kinh nghiệm cá nhân, mang tính nội bộ mà không có một giáo trình thống nhất trên toàn quốc.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung – Giám đốc Âm nhạc của Viện Giáo dục Nghệ thuật Việt Nam giới thiệu bộ Giáo trình Giảng dạy Piano nền tảng của Nhà xuất bản Alfred đến với cộng đồng giáo viên, học viên Piano.

Việc tự biên soạn giáo trình sẽ giúp phát huy được thế mạnh của mỗi cơ sở đào tạo, cụ thể hóa tiêu chí và mục tiêu đào tạo của riêng từng trường. Các tiêu chí đầu ra phổ biến bao gồm khả năng thưởng thức âm nhạc, kỹ năng biểu diễn, những trải nghiệm âm nhạc cho học sinh, phương pháp dạy học…

Tuy nhiên, để công tác đào tạo giáo viên được quy chuẩn hơn cũng như thiết lập hệ thống kiến thức nền tảng cho học sinh một cách thống nhất, nhu cầu sử dụng các bộ giáo trình nền tảng vẫn cực kỳ cần thiết. Chúng ta vẫn cần những phương án lựa chọn thuộc về phần lõi, phần “chuẩn” trong chương trình khung để cập nhật học liệu đáp ứng nhu cầu đổi mới của giáo dục Việt Nam.

Một đánh giá chung về giáo dục nghệ thuật tại Việt Nam là tình trạng khan hiếm giáo trình đặc biệt là trong lĩnh vực sư phạm, bao gồm những tài liệu cơ bản như xướng âm, hòa âm, nhạc lý, phân tích tác phẩm, hay lịch sử âm nhạc. Bên cạnh đó, sự cứng nhắc trong phương pháp tư duy có nguy cơ biến việc dạy học nghệ thuật trở nên khuôn mẫu và kém sáng tạo.

Viện Giáo dục Nghệ thuật Việt Nam giới thiệu những Giáo trình Giảng dạy Âm nhạc Quốc tế đến các đối tác giáo dục tại Việt Nam

Giải pháp đến từ sự thay đổi toàn diện

Theo thời gian, mô hình giáo dục sẽ thay đổi và tính tự chủ của từng đơn vị sẽ càng được nâng cao. Điều thiết yếu với từng đơn vị là đặt chuẩn đầu ra gắn liền với mục tiêu và kết quả của học sinh, đánh giá được chất lượng thật sự của học sinh trong mặt bằng chung và trả điểm lại với giá trị thực của nó.

Những kỳ thi chuẩn quốc tế sẽ giúp người học nhận biết được trình độ và định vị được năng lực trên bản đồ thế giới, tạo mức quy chuẩn để theo đuổi đam mê. “Một góc nhìn toàn diện hơn sẽ giúp những người làm giáo dục nghệ thuật, và các bạn trẻ đam mê nghệ thuật định hình rõ hơn khi đứng trước những lựa chọn trong tương lai.
Từ đây, chất lượng của giáo dục không chỉ được chuẩn hóa mà khả năng làm chủ công nghệ trong việc dạy và học các môn nghệ thuật cũng được nâng cao. Cập nhật toàn diện từ việc đào tạo giáo viên, xây dựng chương trình giáo dục, khảo thí chuẩn hóa đầu ra bên cạnh việc xây dựng cơ sở vật chất hiện đại… sẽ giúp giáo dục nghệ thuật Việt Nam gặt hái những trái ngọt trong tương lai”, bà Phạm Doãn Hà My, Tổng Giám đốc VIA Education chia sẻ.

Là một trong những đơn vị đầu tiên cung cấp giáo trình, tổ chức các kỳ thi và cấp chứng nhận các chứng chỉ quốc tế về âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn tại Việt Nam, VIA Education hợp tác cùng nhiều hội đồng khảo thí âm nhạc, vũ đạo và trình diễn nghệ thuật hàng đầu thế giới mang đến giải pháp phù hợp với giáo viên và học viên ở mọi lứa tuổi, bao gồm các kỳ thi trực tiếp hoặc trực tuyến, với chi phí phù hợp.

Đối với các trường học và trung tâm đào tạo, VIA Education hỗ trợ đưa ra những giải pháp, chuẩn mực về giáo dục sáng tạo. Các bằng cấp và chứng nhận âm nhạc và trình diễn nghệ thuật từ VIA Education có giá trị toàn cầu, mang đến ưu điểm cho hồ sơ cá nhân của mỗi học viên khi tham gia các chương trình học tại nước ngoài, bao gồm: Chứng chỉ âm nhạc Trinity College London, Chứng chỉ âm nhạc AMEB, Chứng chỉ âm nhạc MTB, Chứng chỉ Vũ đạo ISTD – NATD, Chứng chỉ trình diễn nghệ thuật I-PATH…

VIA Education cũng là đơn vị dịch thuật, cung cấp và xuất bản các tựa sách độc quyền của Alfred Music tại Việt Nam. Ngoài ra, VIA Education cũng phối hợp với Nhà xuất bản sách Trinity College London, POCO Studio, AMEB và các đơn vị xuất bản uy tín khác giới thiệu tài liệu giảng dạy âm nhạc tiêu chuẩn quốc tế đến với người học nhạc tại Việt Nam.