Với rất nhiều nguyên do khác nhau, doanh nhân Bùi Thành Nhơn đã quyết định cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp dưới trướng của mình vào năm 2020, bằng cách sáp nhập Novaland với Tập đoàn Anova, để tạo thành Nova Group.

Sau 2 năm tái cấu trúc, hiện Nova Group hoạt động trong 3 mảng chính là  Bất động sản; Thương mại - Dịch vụ; Nông nghiệp - Hàng tiêu dùng.

Theo đó Tập đoàn Novaland – chuyên về bất động sản; Tập đoàn Nova Service hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ (du lịch, thể dục – thể thao, spa), bán lẻ (F&B, retail) và cộng đồng như giáo dục – sức khỏe; Tập đoàn Nova Comsumer hoạt động theo mô hình 3F, ngoài lĩnh vực nông nghiệp còn hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng như thực phẩm – thức uống – dinh dưỡng.

Sự ra đời của Nova Service, ngoài để kiếm tiền trong thị trường bán lẻ còn nhiều dư địa phát triển tại Việt Nam, còn là để phục vụ các cư dân ở các đại đô thị hoặc khu chung cư, tổ hợp dịch vụ - du lịch mà Novaland là nhà đầu tư và phát triển.

Dưới trướng 3 Tập đoàn nói trên đang có 8 tổng công ty: Novaland, Nova Service, Nova Comsumer, Nova Tech, Nova Logistic, Nova Hospitality, Nova Finance…

Trong tất cả, nổi nhất chính là Nova F&B thuộc Nova Service. Chỉ mới ra mắt không lâu, song danh mục thương hiệu nhà hàng – quán cà phê của họ đã trên dưới 20, ngoài tự phát triển thì rất nhiều trong đó được họ M&A, với những cái tên đình đám ở thị trường F&B miền Nam, như Jumbo Seafood, Crystal Jade, Phin Deli, Gloria Jean’s Coffee, kem Baskin Robbins, ThaiExpress và Hotpot Story.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi M&A, thường thì Nova Comsumer sẽ mua 51% cổ phần; sở dĩ có con số đó, dù vẫn để doanh chủ tự điều hành doanh nghiệp như trước kia, song Nova vẫn muốn có tiếng nói quyết định khi cần thiết.

Về lĩnh vực cà phê: họ đầu tư khá đa dạng, ngoài các quán to độc lập như Saigon Casa, Mojo Boutique Coffee, cà phê Cô Ba; họ còn nhượng quyền Gloria Jean’s Coffee từ đối tác Úc, đồng thời đưa Phin Deli về dưới trướng. Gloria Jean’s Coffee từng đóng cửa tất cả hàng quán và rời Việt Nam vào năm 2014.

Và, với những động thái gần đây, có vẻ Nova F&B muốn biến Phin Deli trở thành một chuỗi cà phê cao cấp, làm đối trọng với Starbuck hay Highlands tại thị trường Việt Nam.

phin-deli3-1636280527.jpg
Cửa hàng đầu tiên của Phin Deli tại TP.HCM.
phin-deli2-1636280527.jpg
Cửa hàng thứ hai tại Nguyễn Thị Minh Khai - TP.HCM.

Hiện tại, họ đã có 2 cửa hàng với diện tích lớn tại TP.HCM, nằm ở các vị trí đắc địa ở quận 1 – TP.HCM và cửa hàng Phin Deli tại ngã 6 Phù Đổng mà chúng ta đã đề cập ở trên có lẽ là cửa hàng lớn thứ 3 của họ. Mặt bằng này có giá khoảng 25.000 USD/tháng thời điểm Soya Garden thuê năm 2019 và theo thông tin của chúng tôi hiện tại Nova F&B cũng phải trả mức giá này để có được vị trí này. Nếu TP.HCM không phải trải qua 6 tháng oằn mình ở đỉnh dịch, hẳn số lượng cửa hàng lớn của Phin Deli không chỉ là 3.

Việc Nova F&B chọn Phin Deli để mở chuỗi cà phê sang chảnh không lạ. Đầu tiên, Phin Deli là thương hiệu Việt; thứ hai, nó đã có hơn 7 năm hoạt động trên thương trường và có một nguồn lực nhất định, cả ở kênh B2B lẫn B2C.

Năm 2012, doanh nhân Phạm Đình Nguyên đã mua lại Buford, một thị trấn ở Mỹ. Một năm sau khi mua, ông Nguyên đổi tên thị trấn thành Phin Deli, đồng thời ra mắt thương hiệu cà phê rang xay Phin Deli tung vào hai thị trường Việt Nam và Mỹ. Bằng chiến lược PR độc đáo, năm 2014, Phin Deli đã lọt vào mắt xanh của KIDO Group, song cuối cùng thương vụ M&A này đã không thành.

Năm 2014, khi trả lời phỏng vấn truyền thông, ông Phạm Đình Nguyên đã trăn trở rất nhiều về chiến lược phát triển của Phin Deli. Lúc đó, ông muốn đến với KIDO là xem trọng hệ thống phân phối của doanh nghiệp này, bởi ông muốn đi B2B – tức làm cà phê hòa tan xuất khẩu đi khắp thế giới, chứ chưa xem trọng mảng B2C – mở chuỗi lớn.

Sau đó, dù mối duyên với KIDO Group không thành, song Phin Deli vẫn trung thành với chiến lược đã đề ra, tập trung vào mảng B2B, kioks nhỏ phục vụ take-away thay vì mở chuỗi như Trung Nguyên hay Highlands.

Sau 7 năm không ngừng cố gắng, Phin Deli đã xây dựng cho mình một hệ thống phân phối các sản phẩm cà phê bột và hòa tan đáng kể: 27.896 cửa hàng, tiệm tạp hóa, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Năm 2015, từ 5 điểm bán kiểu kioks phục vụ take-away đầu tiên tại TP.HCM, hiện Phin Deli đã có khoảng 1.000 kioks nhỏ tại các cửa hàng tiện lợi, trường học, bệnh viện…

Đầu năm 2021, sau khi về dưới mái nhà Nova F&B, Phin Deli bắt đầu tập trung phát triển mảng còn lại: chuỗi cửa hàng to đẹp, bên cạnh B2B và take-away. Chiến lược phát triển này của Phin Deli khá giống với Trung Nguyên và ngược lại với The Coffee House.

pham-dinh-nguyen-1636280526.jpg
Doanh nhân Phạm Đình Nguyên

Tôi công nhận là Phin Deli đã khá yên ắng trong thời gian vừa qua, đặc biệt là 1 năm trở lại đây khi dịch Covid -19 hoành hành và khiến không ít doanh nghiệp lao đao. Là một doanh nghiệp nhỏ, lại hoạt động trong ngành cà phê, một thị trường cạnh tranh vô cùng khốc liệt, chúng tôi cũng trải qua những giờ phút vô cùng khó khăn để chống đỡ trước cơn bão vừa qua.

PhinDeli thực sự đã phải đặt lại những câu hỏi quan trọng nhất cho doanh nghiệp và thương hiệu của mình. Chúng tôi muốn đi về đâu, chúng tôi cần làm gì để không chỉ tiếp tục tồn tại mà còn phải tiến lên phía trước một cách mạnh mẽ nhất có thể. Đối với tôi, Phin Deli luôn đại diện cho tinh thần "không gì là không thể". Và như đã thấy, sự xuất hiện của PHIN DELI CAFÉ là cách chúng tôi thể hiện tinh thần đó.

Tôi chưa thể tiết lộ thêm chi tiết ở thời điểm này nhưng đúng là PhinDeli có nhiều tham vọng và tiềm năng lớn hơn những gì thương hiệu đã và đang thể hiện. Mọi sự mới chỉ bắt đầu, PhinDeli muốn thực sự tập trung tạo điểm nhấn và sự khác biệt với người tiêu dùng trước khi đưa ra những tuyên bố to tát. Đấy cũng là điều tôi học được trong thời gian vừa qua vì tất cả đều có thể xảy ra.

Là người sáng lập Phin Deli, tất nhiên tôi luôn muốn "đứa con" của mình trưởng thành và ghi dấu ấn mạnh mẽ trong thị trường. Với một ngành thực sự khó và khốc liệt như cà phê chúng tôi xác định sẽ cần nhiều năng lực, tham vọng và nguồn lực cho cuộc chơi này. May mắn trong thời gian vừa qua tôi đã tìm được đối tác có đủ những yếu tố đó đồng ý viết tiếp câu chuyện của Phin Deli”, ông Phạm Đình Nguyên đã chia sẻ như thế về lý do hợp tác cùng Nova F&B.