Qantas sẽ chuyển giao toàn bộ 30% JPA cho Vietnam Airlines để rút khỏi thị trường Việt Nam mà không kèm theo điều kiện về thu hồi phần vốn góp sau 13 năm. Tính đến thời điểm hiện tại giá trị vốn góp của Qantas Group tại Pacific Airlines là 1.056,6 tỷ đồng.
Theo chia sẽ với báo giới của ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines, trong bối cảnh bản thân đang rất khó khăn, Tập đoàn Hàng không quốc gia Úc – Qantas Group dự tính "tặng" lại Vietnam Airlines 30% cổ phần của hãng hàng không giá rẻ Pacific Airlines trong tháng 10/2020.
Ông Tuấn cũng cho biết: "Hiện tại, việc đàm phán giữa 2 bên đã hoàn tất và đang báo cáo với Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về vấn đề này. Dù là "tặng" với giá 0 đồng, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần làm rõ".
Pacific Airlines hiện có đội tàu bay 18 chiếc A320, khai thác 33 đường bay trong nước và quốc tế. Nếu không xảy ra dịch bệnh, trong năm nay hãng này dự kiến nâng đội tàu bay lên 30 chiếc, nhưng với tình hình dịch bệnh hiện này kế hoạch này chắc chắn sẽ phải lùi lại.
Pacific Airlines được thành lập ngày 15/6/1991, với tên gọi ban đầu là Pacific Airlines, là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam, dù 7 cổ đông góp vốn ban đầu đều là doanh nghiệp nhà nước.
Sau những lần tăng vốn Pacific Airlines có số vốn điều lệ 3.522 tỷ đồng, trong đó Vietnam Airlines góp 2.424,9 tỷ đồng, Qantas Asia Investment Company góp 1.056,6 tỷ đồng, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn góp 40,015 tỷ đồng và ông Lương Hoài Nam góp 0,4939 tỷ đồng.
Sau nhiều năm lỗ triền miên, năm 2018, Pacific Airlines đã báo lãi 34,3 tỷ đồng; năm 2019, theo số liệu kinh doanh 9 tháng đã được công bố, hãng này tiếp tục ghi nhận lợi nhuận đạt hơn 205 tỷ đồng. Dù vậy, số lỗ luỹ kế khoảng 4.000 tỷ đồng.
Năm 2007, Tập đoàn Hàng không quốc gia Úc – Qantas Group (Qantas Airways) đã mua lại 30% cổ phần Pacific Airlines để trở thành cổ đông chiến lược, đồng thời đổi tên hãng thành Jetstar Pacific Airlines, với chiến lược phát triển hãng không giá rẻ. Năm 2014, Qantas đã góp trên 10 triệu USD trong đợt tăng vốn mới của hãng hàng không này.
Hãng này đã trải qua 2 lần tái cơ cấu vào các năm 2008 – sau khi Qantas tham gia góp vốn và chuyển sang mô hình hàng không giá rẻ và năm 2012 – khi 68% vốn tại Jetstar Pacific được Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chuyển giao cho Vietnam Airlines.
Dù vậy, việc kinh doanh hàng không giá rẻ của Jetstar Pacific khá khó khăn, đặc biệt là chịu sự cạnh tranh khốc liệt sau khi hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air.
Sau khi Vietnam Airlines trở thành cổ đông lớn của Jetstar Pacific, hãng đã bắt tay cải tổ lại bộ máy, đội tàu bay, mạng đường bay… Tuy nhiên, do hạn chế là doanh nghiệp nhà nước, không thể mạnh tay rót vốn và chịu lỗ lớn trong vài năm để vực dậy Jetstar Pacific. Do đó, việc đầu tư sắm mới đội tàu bay, mở mạng đường bay cho Jetstar Pacific diễn ra từ từ, phải tới năm 2018 mới bắt đầu có lãi sau nhiều năm lỗ liên miên.
Hồi tháng 7/2020,Vietnam Airlines và Tập đoàn Qantas (Úc) đã thống nhất xúc tiến những thay đổi đối với Jetstar Pacific nhằm cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng lợi nhuận của hãng hàng không chi phí thấp này, đồng thời thúc đẩy quy mô và sức mạnh thương hiệu của Vietnam Airlines tại thị trường nội địa.

Jetstar Pacific sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để đổi tên thương hiệu thành Pacific Airlines, với logo và bộ nhận diện thương hiệu mới được truyền cảm hứng từ màu sắc chủ đạo của Vietnam Airlines.
Pacific Airlines cũng sẽ chuyển đổi hệ thống đặt chỗ từ Navitaire sang Sabre - hệ thống Vietnam Airlines đang vận hành - để đồng bộ hoá mạng bay, các thủ tục đặt chỗ và tính năng dành cho khách hàng với Vietnam Airlines.