Đến với cà phê tình cờ trong một phút "say nắng" nhưng khát vọng về loại thức uống này của ông Trần Thanh Hải, chủ tịch NutiFood lại khiến người ta kinh ngạc. Đó là khát vọng "viết lại câu chuyện cà phê Việt của một người đến sau, khi thị trường cà phê đã đầy đủ các tên tuổi lẫy lừng trong nước và thế giới.  Và khát vọng đó đang tạo ra những dấu ấn đáng kể khi ông Hải đã "kéo" được Bầu Đức và Bầu Thắng cùng đi bán cà phê!

Một ngày trước khi nghỉ Tết Nguyên đán 2020 cùng gia đình, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công ty cổ phần NutiFood lần đầu nói với tôi về dự án Cà phê Ông Bầu. Sau nhiều năm là "bạn sách" (giới thiệu và trao đổi những cuốn sách hay), cũng thường xuyên chia sẻ về công việc nhưng đây là dịp hiếm hoi, tôi thấy ông Hải hứng khởi như vậy. Đến với cà phê tình cờ trong một phút "say nắng" nhưng khát vọng về loại thức uống này của ông Trần Thanh Hải lại khiến người ta kinh ngạc. Đó là khát vọng "viết lại câu chuyện cà phê Việt của một người đến sau, khi thị trường cà phê đã đầy đủ các tên tuổi lẫy lừng trong nước và thế giới.

 

Giữa năm 2017, doanh nghiệp nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk, Công ty cà phê Phước An thực hiện thí điểm cổ phần hóa. Người "say nắng" đầu tiên khi biết thông tin này không phải là ông Trần Thanh Hải mà là vợ ông, bà Trần Thị Lệ, nữ CEO nổi tiếng của NutiFood. Học đại học ở Đắk Lắk nên cà phê Phước An gắn liền với những ký ức thanh xuân tươi đẹp của bà Trần Thị Lệ. Không chỉ là vào mùa hoa cà phê bung trắng và ướp hương cả vùng đất đỏ bazan, không chỉ là những hạt cà phê được chắt lọc từ lịch sử, văn hóa hàng trăm năm, nó còn là niềm tự hào về một sản phẩm được kết tinh từ những vết chai sạn trên đôi bàn tay thấm nhựa cà phê của người nông dân Việt Nam đã chinh phục "tín đồ" nhiều nước trên thế giới. Được truyền niềm cảm hứng từ vợ, nhưng ông Trần Thanh Hải "say" nặng hơn. Ngoài ấn tượng mạnh về một nông trường cà phê có bề dày lịch sử gần thế kỷ, khi đọc hồ sơ về Công ty cổ phần cà phê Phước An, con mắt kinh doanh của ông Trần Thanh Hải còn nhìn thấy tiềm năng lớn từ ngành này. Càng đi sâu tìm hiểu, càng thấy hay, càng thấy có nhiều việc cần phải làm..., ông Hải đã "bén duyên" với cà phê như vậy.
Nhưng nếu như phút "say nắng" mới chỉ dừng ở việc đưa ông Trần Thanh Hải đến với cà phê thì chính những vấn đề nội tại, những câu chuyện chưa vui, những hạn chế của ngành này mới là thứ giữ chân và khơi gợi khát vọng viết lại câu chuyện cà phê Việt của doanh nhân này. "Trên thị trường hiện nay, 95% là cà phê độn. Việc này có nguồn gốc từ xa xưa, khi Việt Nam chưa có thương hiệu cà phê nào lớn thì ở mỗi địa phương có một vài người, một vài cơ sở nhỏ rang sẵn đi bỏ mối cho các quán. Ban đầu họ cũng làm đàng hoàng, nhưng khi có nhiều người, nhiều cơ sở tham gia, cuộc cạnh tranh bằng giá bắt đầu. Người này bỏ 10 đồng/ký thì người sau bỏ 9,5 đồng. Cơ sở này giao 8 đồng, thì cơ sở khác giao 7,5 đồng, thậm chí giá chỉ còn một nửa. Vậy thì lấy đâu ra cà phê thật, buộc họ phải giảm chất lượng xuống bằng cách độn các thứ khác vào. Có cái độn bột bắp, đậu nành, nghệ, thậm chí có loại không có tí cà phê nào. Đáng lo ngại hơn, bên cạnh các loại cà phê độn, cơ quan chức năng đã phát hiện ra rất nhiều loại cà phê kém chất lượng, cà phê bẩn... Cạnh tranh càng khốc liệt thì tỷ lệ cà phê càng giảm. Hệ quả là nó thay đổi cả khẩu vị cà phê của người tiêu dùng. Quen uống cà phê độn, nhiều người uống cà phê nguyên chất 100% không được nữa. Việt Nam là một trong những cường quốc cà phê nhưng giá thị thật của cà phê đã bị bóp méo. Thế nên khi tiếp cận hồ sơ cổ phần hóa nông trường cà phê Phước An tôi nghĩ, nếu tôi có được nó, tôi sẽ làm một cái gì đó để trả lại cái chuẩn cho thị trường cà phê trong nước" - ông Hải nói.

Giá trị cà phê đối với ông Trần Thanh Hải không chỉ là "nếu một ly cà phê thật được bán ra thị trường thì sẽ giảm bớt ly cà phê không thật trên thị trường" như slogan của Ông Bầu, nó còn là nỗi trăn trở của một doanh nhân trước nghịch lý tồn tại nhiều thập kỷ trong ngành này nói riêng và nông sản Việt nói chung. Đó là sản lượng xuất khẩu lớn nhưng giá trị thu về rất nhỏ."Cà phê Việt Nam chiếm 20% thị phần thế giới nhưng giá trị chỉ đạt khoảng 2% thị phần do xuất khẩu nguyên liệu thô là chủ yếu. Chúng ta bán 1 kg cà phê nhân thu về khoảng 2 USD, tương đương giá trung bình một ly cà phê ở các nước nhập khẩu. Trong khi mỗi ký cà phê nhân có thể pha được 50 ly" - ông Hải phân tích.

Có lẽ ông Trần Thanh Hải cũng không lường trước rằng, những trăn trở này lại trói buộc ông với "nghiệp cà phê" dù NutiFood vẫn còn quá nhiều chuyện phải làm với sữa.

 

Nói đến cà phê, người ta nghĩ đến Đắk Lắk, thủ phủ của thức uống không thể thiếu với hàng tỉ tín đồ toàn cầu. Còn với người dân Tây nguyên nói riêng và những người làm trong ngành cà phê nói chung, đồn điền CADA (COMPAGNIE AGRICOLE D’ASIE, Công ty Nông nghiệp Á châu), tiền thân của Nông trường cà phê Phước An là một thương hiệu nổi tiếng.CADA được hình thành sớm bởi quá trình khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp ở Đông Dương nói chung và Đắk Lắk nói riêng (năm 1922). Thế nên đồn điền này gắn liền với những biến động lịch sử của đất nước. Kéo dài từ km 18 đến km 47 ven quốc lộ 26 trên tuyến đường Buôn Ma Thuộc đi Nha Trang, đồn điền CADA có diện tích ban đầu gần 2.000 hecta trồng cà phê và trà. Với lợi thế đất đỏ bazan màu mỡ, cùng độ cao hơn 500 mét so với mực nước biển, cà phê CADA có hương vị thơm ngon tự nhiên đặc trưng mà không nơi nào có được. Nói điều này là không hề quá lời.CADA là một trong những nông trường đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu cà phê qua châu Âu, từ năm 1993. Đến nay, danh sách các nước xuất khẩu trên toàn thế giới đã lên con số hàng trăm. Năm 2019, mẫu cà phê của Nông trường cà phê NUTI CADA đã được công nhận là một trong 7 mẫu cà phê có chất lượng cao nhất và được Hiệp hội cà phê đặc sản thế giới công nhận là một trong 25 mẫu đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản.
Điều đáng buồn là dù thành công "mang chuông đi đánh xứ người" từ cách đây gần 40 năm nhưng chính những tín đồ cà phê trong nước lại chưa được biết đến hương vị cà phê CADA huyền thoại. Cho đến khi NutiFood mua lại Nông trường cà phê Phước An, với khát vọng chuẩn vị cà phê Việt, ông Trần Thanh Hải và các cộng sự của mình đã lao vào tìm tòi, nghiên cứu để một năm sau, Nuticafé - Cà Phê Sữa Đá Tươi chính thức ra thị trường.

Nói thì nhanh nhưng quá trình thực hiện thì không đơn giản. Đội ngũ R&D của NutiFood đã mất khá nhiều thời gian nghiên cứu, kiểm thử. Dòng Nuticafé - Cà Phê Sữa Đá Tươi chỉ được "ấn nút" chọn công thức ở lần test thử mà đa số người tham gia đều phân vân, có người nhầm lẫn với cà phê sữa đá pha phin. Cuối tháng 8.2018,  Nuticafé - Cà Phê Sữa Đá Tươi chính thức ra mắt người tiêu dùng cả nước. Sản phẩm là sự kết hợp đặc biệt từ công nghệ Ice Flash trích ly cô đặc cà phê với nhiệt độ dưới 0°C, tức là quá trình tách nước dưới dạng tinh thể đá để làm đặc dịch cà phê trước khi sấy cùng với cà phê hạt rang xay thật nhuyễn kết hợp với bột kem sữa, tạo ra ly cà phê vẫn giữ được vị tươi và mùi thơm tự nhiên của cà phê rang xay pha phin với sữa đặc.

Như vậy sau gần 100 năm hình thành và phát triển, cà phê CADA nổi tiếng của Việt Nam đã có một bước ngoặt mới: Chuyển từ thô sang tinh. Đặc biệt, các tín đồ cà phê trong nước đã chính thức được trải nghiệm hương vị cà phê của đồn điền CADA huyền thoại. Khi chỉ cho tôi xem bức tranh vẽ lại chặng đường lịch sử của CADA treo ở quán Cà phê Ông Bầu tại Nhà văn hóa Thanh Niên (TP.HCM) trong một sáng cuối tuần đầu tháng 6, ông Trần Thanh Hải không biết rằng, ông chính là người đã đóng thêm một dấu mốc lịch sử mới cho nông trường này mà tôi gọi vui là "trả CADA về cho tín đồ cà phê Việt". Với bản tính khiêm tốn, ông Trần Thanh Hải vội vàng xua tay "Đúng là nông trường Phước An chỉ trồng và xuất khẩu hạt cà phê, tuy nhiên chắc chắn những người làm trong nông trường đã uống rồi". "Nhưng thành phẩm chính thức tới tay người tiêu dùng thì chỉ có Nuticafé đúng không ?" - tôi hỏi. "Đúng vậy" - ông Hải xác nhận.

Cũng ngay khi Nuticafé ra đời, ông Trần Thanh Hải đã đặt lên nó một sứ mệnh: Giới thiệu văn hóa ẩm thực Việt Nam ra thế giới, cùng với phở, bánh mì... "Cà phê sữa đá của mình rất ngon, người nước ngoài uống hầu hết đều rất thích nhưng chỉ khi nào đến Việt Nam, họ mới được thưởng thức. Thế nên chúng tôi mới nghiên cứu sản phẩm cà phê sữa đá tiện lợi sử dụng giống như cà phê pha phin để họ có thể sử dụng ngay tại chính nước mình" - ông Hải giải thích. Nói là làm, nửa năm sau khi ra mắt, NutiFood khiến không ít người trong giới kinh doanh cà phê "giật mình" khi mời huyền thoại golf thế giới, ông Greg Norman làm đại sứ để thực hiện khát vọng đưa văn hóa cà phê Việt Nam ra thế giới. "Giật mình" ở đây tất nhiên không phải vì lo ngại cú đánh dũng mãnh của người được mệnh danh "cá mập trắng vĩ đại" sẽ giúp Nuticafé có bước "nhảy vọt". Chuyện mời những tên tuổi nổi tiếng thế giới làm đại sứ thương hiệu, không phải việc mới mẻ ở Việt Nam. Nhưng giật mình trước khát vọng lớn, nghiêm túc và tốc độ thực thi của một "tân binh" trên thị trường cà phê đầy khốc liệt là có thực. Đích thân ông Trần Thanh Hải đưa ông Greg Norman tới thăm đồn điền CADA huyền thoại, nay đã được đổi tên thành NUTI CADA; xem trình diễn pha chế và nếm thử các loại cà phê của nông trường. Mối nhân duyên này vì một số lý do chưa đi đến mục tiêu ban đầu đặt ra nhưng Nuticafé - Cà Phê Sữa Đá Tươi thì đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ (trên Amazon), Trung Quốc, Hàn Quốc... Ông Trần Thanh Hải và các cộng sự của mình cũng đã "chốt" công thức cho sản phẩm cà phê đá tươi tiện lợi nhưng sử dụng giống như pha phin, chuẩn bị đưa ra thị trường. Nghe nói quá trình nghiên cứu, thử nghiệm còn khó hơn rất nhiều so với cà phê sữa đá tươi...
Những chuyện này, rất ít người biết vì NutiFood không hoặc chưa có ý định truyền thông. Họ cứ lặng lẽ thực hiện khát vọng của mình. Nó chỉ được nhắc đến vô tình, trong câu chuyện của chúng tôi trong một sáng cuối tuần gần đây. Điều ông Trần Thanh Hải say sưa nói với tôi (hơn một lần) là vẻ đẹp của Nông trường cà phê Phước An, nhất là vào mùa hoa cà phê nở và giục tôi đi thăm. "Hoa trắng muốt trên những cánh đồng cà phê bạt ngàn xanh tươi, nhìn từ xa như một tấm thảm trắng xóa kéo dài tít tắp. Đẹp kinh khủng" - ông Hải kết luận, có vẻ "cạn lời". Dù chưa có cơ hội mục sở thị hoa cà phê tại đồn điền CADA huyền thoại nhưng tôi hiểu được nỗi lòng của ông Trần Thanh Hải. Núi đồi Tây nguyên quyến rũ và thơ mộng với những rẫy hoa cà phê trắng muốt bạt ngàn mênh mông cũng đánh cắp trái tim nhiều người.
Tới 28 Tết Nguyên đán 2020, màu sắc của chuỗi Cà phê Ông Bầu, thương hiệu cà phê đình đám hiện nay mới chính thức được ông Trần Thanh Hải “chốt” lại. Một màu vàng rực rỡ và hoài cổ. Dù chỉ mới có mặt trên thị trường hơn ba tháng nay nhưng với nhiều tín đồ cà phê, thấy màu sắc là nhận ra Cà phê Ông Bầu.
Khi quán cà phê Ông Bầu đầu tiên còn đang thi công, tôi nhận được những tấm hình toàn giàn giáo từ ông Thanh Hải gởi qua điện thoại. Ngày cà phê Ông Bầu "chạy thử" 10.3, tôi chỉ có thể ủng hộ bằng một ly trà đá bởi khách quá đông mà tôi được coi như người nhà nên phải "nhịn miệng" và nhận cái cười cầu tài của ông chủ. Lần đó bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) ở Campuchia bay về không kịp, chỉ có bầu Hải và bầu Thắng (ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Công ty cổ phần Đồng Tâm Long An) có mặt, trực tiếp đứng bán, gây náo loạn cả một đoạn đường ngắn ở quận 4 (TP.HCM). Từ khi có Ông Bầu, ông Trần Thanh Hải bận rộn hơn rất nhiều. Cứ nhìn số lượng 100 quán được mở trong thời gian hơn 3 tháng kể từ khi khai trương điểm đầu tiên đến nay cũng hiểu, cà phê đã "ngốn" của ông chủ sữa NutiFood biết bao nhiêu thời gian. Tôi hỏi ông Hải, sao không "yên phận" với việc sản xuất, xuất khẩu cà phê, mở chuỗi làm gì cho khổ? "Nó cũng giống như bóng đá, mở chuỗi mới có cơ hội trải nghiệm thực tế. Mình có tham vọng đưa cà phê đến người tiêu dùng cả nước, thay đổi khẩu vị cà phê thì mở chuỗi sẽ khiến nhiều người được tiếp cận sản phẩm. Tất nhiên chỉ bán cà phê nguyên liệu thôi thì cũng được. Nhưng thị trường có hai đối tượng khách, có người chỉ uống cà phê ở quán và chúng tôi muốn tiếp cận cả đối tượng này" - ông Hải giải thích và nói thêm "khi mở chuỗi ra xong, chúng tôi (ba ông bầu) ngồi lại nói với nhau rằng: Đây là cà phê thật, cà phê sạch và chúng ta sẽ tạo ra hệ sinh thái. Đó là tất cả những sản phẩm thật và sạch sẽ nằm trong chuỗi này".
"Tại sao lại là bầu Đức, bầu Thắng mà không phải là các ông bầu khác?" "Với bóng đá Việt Nam, họ là những người xứng đáng nhất" - ông Hải trả lời. Bầu Đức là cái tên mà những người yêu bóng đá Việt Nam gọi ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, một trong những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trước đây. Quá trình hoạt động dù có giai đoạn gặp khó khăn nhưng sự quyết liệt, sống thật, làm thật của bầu Đức đã giúp Hoàng Anh Gia Lai trụ vững và vẫn đang là công ty nông nghiệp lớn nhất Việt Nam hiện nay. Nói đến bầu Thắng - ông Võ Quốc Thắng, người ta nghĩ ngay đến thương hiệu Gạch Đồng Tâm và đội bóng Đồng Tâm-Long An. Xây dựng, gìn giữ, phát triển một thương hiệu đạt đến "cảnh giới" này có thể nói là khát vọng của tất cả các doanh nhân. Nói lại để thấy, họ đều là những doanh nhân lớn của đất nước.
Thế nên, làm thế nào để "kéo" họ đi bán cà phê là điều khiến tôi tò mò. "Khi tôi nói với anh Đức và anh Thắng, hai anh ok liền. Nó phải là cà phê thật, giá phải làm sao để mọi người đều tiếp cận được" - ông Hải trả lời ngắn gọn. Đầu tiên là thật, cuối cùng là thật.  Cà phê thật, bóng đá sạch, sống thật, giá trị thật. Họ gặp nhau ở điểm đó. Cả ba doanh nhân đều có "đế chế" kinh doanh riêng của mình nhưng những gì có thể làm được cho đời, cho người, cho đất nước dù nhỏ nhất, họ vẫn làm. Thế nên bầu Thắng mới không ngại ngần bê từng ly cà phê cho khách; bầu Đức dù bận rộn vẫn dõi theo từng bước đi của Ông Bầu; ông Trần Thanh Hải vẫn miệt mài có mặt ở nhiều buổi khai trương và chuyển mọi cuộc hẹn tới cà phê Ông Bầu thay vì trụ sở của NutiFood như trước. Thế nên, giá một ly cà phê đen Ông Bầu chỉ 16.000 đồng, khá rẻ so với chất lượng, vị trí, cơ sở vật chất quán... Tôi vẫn nhớ buổi khai trương quán Cà phê Ông Bầu đầu tiên ở quận 4, có ông khách còn băn khoăn hỏi ông Trần Thanh Hải và ông Võ Quốc Thắng: "Mấy chú bán thế này có lời không". Ít ai biết rằng, mức giá đó cũng góp phần không nhỏ vào cái gật đầu nhanh chóng của bầu Đức, bầu Thắng khi ông Hải mời tham gia dự án Cà phê Ông Bầu. Bởi với họ, cứ một ly cà phê thật được bán ra thị trường thì sẽ giảm bớt ly cà phê không thật. Đó mới là mục tiêu cao nhất của ba ông bầu khi bắt tay thực hiện dự án này. Trả lại giá trị thật cho cà phê Việt.

Khiêm tốn, không nói về mình, không nói cả những việc thiện nguyện, những thành quả... mà công ty thực hiện, ông Trần Thanh Hải là doanh nhân hiếm hoi mà tôi tiếp xúc luôn bày tỏ sự trân trọng, ngưỡng mộ với các doanh nhân đi trước, những người ông quen và cả những người ông không quen. Ngay cả khi tôi có ý định viết về Cà phê Ông Bầu, dự án mà ông Hải đang đổ nhiều tâm huyết thì ông cũng "xúi" tôi viết về bầu Đức, bầu Thắng. Cũng chính ông Hải, hồ hởi cho tôi xem clip bầu Thắng ngẫu hứng hát bài tự chế về Cà phê Ông Bầu lúc nửa đêm, khi dự án còn đang thai nghén. Cũng ông Hải, luôn nói với tôi, "anh Đức sẽ viết lại câu chuyện cà phê" dù người khơi dậy và đau đáu với nó, mà tôi chứng kiến, là ông. Luôn lùi lại phía sau, nhưng khát vọng, tốc độ và chiến lược của ông Trần Thanh Hải đã cho thấy tầm vóc của một doanh nhân. "Tôi muốn có một thương hiệu cà phê của Việt Nam mà thế giới biết đến". "Thực ra cà phê Trung Nguyên cũng đã có mặt ở rất nhiều nước trên thế giới rồi, đâu phải đợi đến Nuticafé?". "Chúng ta cũng có nhiều sản phẩm nhưng chưa tập trung vào những đặc trưng của Việt Nam. Tôi muốn "đi thẳng" vào cà phê sữa đá. Tôi muốn người ta uống và biết được đó là cà phê sữa đá của Việt Nam. Trước giờ nói đến Việt Nam là nói đến phở, áo dài, bánh mì... nhưng giờ sẽ thêm cà phê sữa đá. Quan điểm của tôi là càng nhiều doanh nghiệp Việt có sản phẩm xuất khẩu ra thế giới là điều mừng của đất nước. Tất cả cùng làm vì niềm tự hào dân tộc" - ông Hải nhấn mạnh.

Là người đến sau, tự thú nhận "chỉ hiểu với cái mình đang làm" chứ không tìm hiểu quá nhiều về thị trường cà phê. Thế nhưng chiến lược của ông Trần Thanh Hải hoàn toàn thực tế và khác biệt. Nếu vị trí là yếu tố cạnh tranh số 1 của các chuỗi cà phê từ trước tới nay thì với Cà phê Ông Bầu "vị trí phù hợp, không đầu tư quá lớn, chi phí mặt bằng không quá cao" bởi "linh hồn vẫn là dòng phổ thông cho tất cả mọi người. Giá thuê cao, giá bán cao, mình sẽ tự giới hạn lượng khách hàng của mình" - ông Hải giải thích và cho biết, đã có trường hợp đề nghị hợp tác vì cùng chung triết lý "sống thật - cà phê thật" và đặc biệt vì yêu mến ba ông bầu. Tuy vậy "bài toán kinh doanh vẫn phải được đặt ra hàng đầu. Chúng tôi phải từ chối vì không muốn người ta thất bại. Thuê mặt bằng vài ngàn USD mà bán với giá của Cà phê Ông Bầu là không đủ chi phí. Thế nên vị trí không phù hợp chúng tôi phải cân nhắc kỹ chứ không mở bất chấp" - ông Hải cho biết. Nếu các chuỗi cà phê luôn phải "nhất cận thị..." thì Cà phê Ông Bầu "đang test vùng sâu vùng xa. Hiện vùng sâu thì chưa nhưng tới cấp xã thì đã có. Chúng tôi đang nghiên cứu ở Tiền Giang" - ông Hải tiết lộ.

Tương tự, Việt Nam không có thế mạnh về cà phê Arabica, loại cà phê ít cafein và chứa nhiều hương thơm như chính cái tên của nó (aroma) được nhiều nước ưa chuộng nên ông Hải, muốn quảng bá cà phê Robusta, thế mạnh của Việt Nam nhưng sử dụng gần giống với Arabica. Trước khi đưa ra thị trường loại cà phê phiên bản đặc biệt mang tên Cada Specialty, ông Trần Thanh Hải có tặng tôi một hộp uống thử. Hương vị  (với người nghiền và có cơ hội trải nghiệm nhiều loại cà phê như tôi) quả thật, rất giống với Arabica. Khi uống, có thể cảm nhận được vị đắng dịu, hơi chua và hương thơm tinh tế của 14 loại trái cây. Cada Specialty của ông Trần Thanh Hải không cần sử dụng đường vẫn không gây sốc ngay cả với người lần đầu sử dụng. Để có được kết quả này, đội ngũ của ông Trần Thanh Hải đã mất khá nhiều thời gian nghiên cứu.  Có lẽ do cà phê từ Nông trường Phước An điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khá sát với khí hậu, thổ nhưỡng của cà phê Arabica. Nếu Arabica được trồng ở độ cao trên 600 m, khí hậu mát mẻ thì Robusta của Nông trường Phước An cũng được trồng ở độ cao hơn 500 m so với mực nước biển, khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng...

Cà phê tiện lợi, sử dụng giống cà phê phin; cà phê thật 100% nhưng vị không quá khác biệt với cà phê độn; đưa Robusta ra thế giới bằng cách "đồng vị" với Arabica... Chiến lược khác biệt của ông Trần Thanh Hải giúp Cà phê Ông Bầu chỉ trong vòng ba tháng đã đạt 100 điểm ở 15 tỉnh, thành trên cả nước. Tốc độ, kết quả này là đáng kinh ngạc, nhất là ra đời trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ở thời điểm căng thẳng nhất. Màu vàng rực rỡ và hoài cổ với logo hai chữ Ông Bầu viết tắt vẫn đang mọc rất nhanh trên các con đường, khu phố.

Tháng 7 này, lứa cầu thủ đầu tiên của Học viện bóng đá NutiFood-JMG sẽ tham dự giải Bóng đá vô địch U17 quốc gia. Cách đây 4 năm, khi quyết định mở học viện, ông Trần Thanh Hải từng tuyên bố : "NutiFood muốn làm bóng đá chuyên nghiệp". Có lẽ đây là tuyên bố hiếm hoi của ông Trần Thanh Hải về bóng đá dù sự tham gia và đóng góp của NutiFood với môn thể thao vua là không hề nhỏ. Mới nhất, giải bóng đá Đại học Quốc gia TP.HCM mở rộng SV-League 2020 do 8 doanh nhân bắt tay nhau tổ chức, ông Trần Thanh Hải trở thành nhà bảo trợ cho đội bóng của Đại học Cần Thơ. Giờ thì rất nhiều người đã gọi Chủ tịch NutiFood thân mật là bầu Hải. Cùng với bầu Đức, bầu Thắng, những doanh nhân yêu bóng đá sạch, trân trọng những giá trị thật, cả 3 ông bầu đang nỗ lực viết lại câu chuyện cà phê, để Việt Nam thực sự là cường quốc cà phê theo đúng nghĩa của nó.

Thanh Hằng/Báo Thanh Niên