bill-gates-lam-tu-thien-nhu-the-nao-1665472750.jpg
 

Tong suy nghĩ của Bill Gates, đại dịch COVID-19 vẫn “tồi tệ hơn mọi người hình dung.”  Và cuộc chiến ở Ukraine cũng như thế, chưa kể đến sự suy thoái kinh tế và “bối cảnh chính trị mà trong đó mức độ sẵn sàng suy nghĩ theo hướng toàn cầu và thực thi những điều phức tạp có vẻ như đang ở mức khá thấp.”

Gates nói về tất cả những điều này một ngày trước khi ông chuẩn bị công bố một trong những khoản quyên góp quan trọng nhất trong lịch sử hoạt động từ thiện – 20 tỉ đô la Mỹ, mà ông vừa chuyển cho quỹ cùng tên do ông đồng điều hành với vợ cũ, Melinda French Gates, vào tháng 7.2022.

Dù Melinda French Gates vẫn là đồng chủ tịch của Gates Foundation, bà đang ngày càng dành nhiều thời gian hơn cho Pivotal Ventures, công ty do bà thành lập vào năm 2015 để thúc đẩy tiến bộ xã hội ở Hoa Kỳ.

Như vậy, với khoản quyên góp đó, số tiền cho đi tổng cộng trong suốt cuộc đời của hai người (Gates và vợ cũ) lên tới 55 tỉ đô la Mỹ, biến họ trở thành những nhà từ thiện lớn nhất mọi thời đại. Họ vượt qua cả người bạn Warren Buffett, người đã cho đi 48 tỉ đô la Mỹ, phần lớn trong số đó được đưa vào quỹ Gates.

Tác động thực tế của món quà này rất lớn. Nhờ có số tiền này, quỹ Gates, quỹ lớn nhất thế giới, hiện sẽ tăng mức chi hằng năm của mình lên 50%, đạt chín tỉ đô la Mỹ một năm vào năm 2026. Theo tính toán của Gates, con số đó nhiều hơn mức chi tiêu viện trợ của khoảng năm quốc gia cộng lại.

“Về cơ bản, điều này sẽ thúc đẩy hoặc tăng tốc, nạp năng lượng, tăng năng suất cho tất cả những việc mà chúng tôi làm,” nhà đồng sáng lập Microsoft cho biết trong cuộc phỏng vấn độc quyền.

Điều này có ý nghĩa quan trọng vượt xa khoản quyên góp ba tỉ đô la Mỹ mỗi năm cho nỗ lực bình đẳng giới, xóa bỏ bệnh tật và tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, cùng những mục tiêu từ thiện khác mà quỹ Gates đang theo đuổi.

Đó là tuyên bố được thể hiện bằng số tiền hàng tỉ đô la Mỹ về tính cần thiết của việc những người cực kỳ giàu có triển khai hoạt động từ thiện tích cực hơn, thay vì gom tiền lại để các thế hệ quản trị viên có thể triển khai trong nhiều thế kỷ dưới tên của họ.

Gates nói: “Có vẻ như họ đang cố gắng tối đa hóa thời gian tồn tại cho quỹ của họ. Tuy vậy, liệu có một số mục tiêu từ thiện tạo ra tác động lớn mà họ có thể làm ngay bây giờ không?”

Sự gia tăng mức chi củng cố nguyên tắc “cho đi khi bạn còn sống,” ý tưởng xuất phát từ Chuck Feeney, nhà sáng lập 91 tuổi của Duty Free, người trong quá trình cho đi hơn tám tỉ đô la Mỹ đã tự đưa mình ra khỏi danh sách 400 người Mỹ giàu nhất của Forbes (Forbes 400) và gần như phá sản.

Bill Gates. Ảnh: John Keatley

Thay vì đợi đến lúc qua đời, Gates nói ông thực sự có ý định rời bỏ danh sách tỉ phú của Forbes khi vẫn còn sống. (Nhờ món quà gần đây nhất này, ông tụt một vị trí xuống vị trí thứ năm thế giới, với giá trị tài sản ròng khoảng 102 tỉ đô la Mỹ.)

“Tôi sẽ đưa mình ra khỏi những vị trí nổi bật của danh sách, chỉ với hai món quà lớn hơn thế này. Tôi sẽ tự đưa mình ra khỏi vị trí hàng đầu danh sách,” Gates nói, “Sẽ mất một khoảng thời gian để hoàn toàn rời khỏi danh sách, nhưng hướng đi của tôi rất rõ ràng.”

Khoản quyên góp 20 tỉ đô la Mỹ này cũng có thể là hình ảnh khái quát nhất về bối cảnh hiện tại giữa Gates và vợ cũ. Khi Jeff Bezos và MacKenzie Scott chia tay, sự phân chia tài chính đã đưa bà Scott trở thành nhà từ thiện có ảnh hưởng nhất trong thập niên này.

Bởi vì Gates và vợ cũ cùng điều hành quỹ lớn nhất thế giới, là nguồn hỗ trợ cho Global Fund, liên minh vaccine Gavi và theo đuổi mục tiêu chấm dứt bệnh bại liệt, sốt rét cùng các bệnh khác, tình trạng bất hòa của họ là một vấn đề có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt trong thời gian hai năm quyết định tương lai hợp tác của họ. Nếu một trong hai người từ chối tiếp tục tình trạng hiện tại, lúc đó Bill Gates sẽ biến thành nhà tài trợ cho các hoạt động từ thiện riêng biệt của Melinda.

Tuy nhiên, theo Bill Gates, cho đến nay mọi việc vẫn tốt. “Tôi nghĩ tất cả các bằng chứng mà tôi thấy đều nói lên rằng chúng tôi sẽ có thể điều hành tổ chức này cùng nhau mãi mãi.” Ông cho biết đầu tiên ông tham khảo ý kiến của bà và CEO Mark Suzman về việc chuyển nhượng 20 tỉ đô la Mỹ trước đó ba tháng, sau đó mới bàn bạc với Buffett và hội đồng quản trị quỹ.

Những chấn động kinh tế trong thời gian đó không thể ngăn cản ông theo đuổi con đường này, một phần là nhờ sự động viên của Melinda French Gates.

“Tin tốt là ngay cả trong khoảng thời gian khó khăn của cuộc ly hôn – thật may là việc đó đã trôi qua một năm rồi – chúng tôi vẫn có thể hợp tác làm việc tại quỹ. Tôi luôn ngạc nhiên về mức độ đồng thuận của tôi và Melinda về những công việc của quỹ. Có vài điều bà ấy biết rõ hơn tôi và chúng tôi hỗ trợ lẫn nhau.”

“Bà ấy có tiếng nói riêng, nhưng mọi thứ tôi chứng kiến đều thể hiện rằng “chúng tôi là mối quan hệ đối tác tuyệt vời cùng điều hành quỹ, chúng tôi vẫn luôn như vậy.’” Gates nhắc đến chuyến đi gần đây đến châu Phi của vợ cũ. “Vì thế, bà ấy đến Rwanda, nơi tụ họp của các nguyên thủ quốc gia của Khối thịnh vượng chung. Bà ấy đến Senegal và mỗi ngày bà ấy đều viết thư về. Tôi chứng kiến việc này, tôi suy nghĩ về nó.”

Vậy, cân nhắc đến tất cả những điều này, và vô số vấn đề cần giải quyết, vì sao quỹ Gates chỉ dừng lại ở mức chín tỉ đô la Mỹ một năm? Gates thừa nhận rằng 10 tỉ đô la Mỹ là một con số tròn trĩnh, nhưng ông sẽ đợi đến năm 2026, khi ông có thể nhận thấy rõ quỹ đã xử lý như thế nào đối với việc gia tăng mức chi. “Tôi không đặt mức trần chín tỉ đô la Mỹ. Tôi sẽ xem xét thêm nhiều về nội dung và hiệu quả hoạt động của quỹ từ bây giờ đến lúc đó.”

Ngoài ra, Bill Gates còn dựa vào Warren Buffett, người đã hướng dẫn rằng số tiền mà ông cung cấp cho quỹ – ông đã cho hoặc tích lũy được 56 tỉ đô la Mỹ tính đến nay – sẽ được triển khai đầy đủ trong vòng mười năm kể từ khi ông qua đời. (“’Hãy để những người giàu có của tương lai giải quyết các vấn đề của tương lai,” Buffett đã nói với tôi như thế rất nhiều lần.’”) Đây là phần chi tiêu từ thiện dự trù của quỹ, được những người lập kế hoạch đặt tên là “dự án Lincoln.”

Tuy nhiên, một báo cáo gần đây của tạp chí Wall Street Journal cho biết có thể Buffett sẽ dành khoản quyên góp cuối cùng dự kiến lên tới hàng chục tỉ cho quỹ Susan Thompson Buffett do người vợ quá cố của ông thành lập, tập trung chủ yếu vào quyền phá thai.

Gates, người từng nói rằng “tôi không bao giờ muốn cư xử như thể mình coi sự hào phóng của Warren là điều hiển nhiên,” tin rằng quỹ của ông sẽ vẫn nhận được phần lớn số tiền đó. “Tôi không có lý do gì để nghĩ điều đó sẽ thay đổi. Tôi đã gửi cho ông ấy thông báo này cách đây vài ngày và ông ấy rất hào hứng.”

Warren Buffett đã cho đi gần 49 tỉ đô la Mỹ, trong đó 35,7 tỉ đô la Mỹ dành cho quỹ Gates.

Dù không cố ý, nhưng Buffett đã có tác động. “Tôi chịu ảnh hưởng từ Warren đến mức tôi khó có thể duy trì suy nghĩ ban đầu của mình trong cách hiểu về đầu tư hoặc cách tiếp cận chung về hoạt động từ thiện.”

Mặc dù Gates sẽ không cam kết đóng cửa quỹ của mình ngay tại thời điểm tiền của Buffett được triển khai, nhưng ông nói ông đã chứng kiến 1/4 thế kỷ dần qua đi, để đưa ra thời gian và dự tính cho các dự án dài hạn.

Tuy nhiên, Gates giải thích trở ngại lớn nhất là nền chính trị độc hại ở cả nước ngoài, ở những nơi mà nền dân chủ bị đe dọa như Lebanon và Sri Lanka, và trong nước Mỹ.

Về phần trong nước, ông nhắc đến bữa trưa gần đây của ông với Bill và Hillary Clinton cùng một trong những người con của ông, người đã hỏi: Làm thế nào mà Arkansas từ một bang thuộc đảng Dân chủ đã chuyển thành bang của đảng Cộng hòa?

“Và họ rất xuất sắc khi giải thích những gì đã xảy ra, nhưng rồi, khi chúng tôi hỏi, ‘Vâng, vậy làm thế nào để họ trở lại thành Dân chủ?’ Họ trả lời kiểu ‘Tôi rất vui vì ở đây vẫn còn có người trẻ tuổi có thể có sự kiên nhẫn hoặc cách nhìn nhận mới về chính trị Hoa Kỳ.’”

Mặt khác, qua cuộc phỏng vấn này và trên blog Gates Notes của mình, Gates cố gắng hướng đến sự tích cực vào thời điểm mà thế giới đang khao khát điều đó. Ông đặc biệt lạc quan về những đột phá kỹ thuật số được cá nhân hóa trong giáo dục, một lĩnh vực còn sơ khai đối với quỹ trong những năm qua.

“Tôi hi vọng về điều đó hơn bao giờ hết. Với một số khóa học toán mới này, chúng tôi thực sự bắt đầu thấy tác động mà chúng tôi có thể tạo ra ở đó.” Điều tương tự cũng xảy ra với nhà vệ sinh, tài chính kỹ thuật số và các lĩnh vực khác. Gates nói: “Tôi lạc quan về rất nhiều thứ.”

Nguồn: Forbes Việt Nam

Biên dịch: Quỳnh Anh

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 110, tháng 10.2022