ong-la-giang-trung-nguoi-co-du-bao-vn-index-ve-950-diem-day-song-ttck-la-ai-1665485858.jpg
 

 

Tổng cục Thống kê vừa thông báo, GDP quý 3/2022 ước tính tăng cao ở mức 13,67% và trung bình 9 tháng tăng 8,83%, mức cao nhất từ 2011 đến nay. Chỉ số CPI diễn biến khá tích cực khi chỉ số giá tiêu dùng quý 3/2022 và bình quân 9 tháng tăng lần lượt 3,32% và 2,73% so với cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 1.88%. Tuy nhiên, trái ngược với những con số tích cực của những chỉ số của nền kinh tế đó thì thị trường chứng khoán vẫn liên tục trên con đường “tìm đáy”. 

Cuối năm 2021 là thời kỳ đỉnh cao của thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ số VN-Index đạt mức 1.498,2 điểm, trở thành một trong những thị trường có tỷ suất sinh lời tốt nhất thế giới. Đến ngày 6/1/2022, VN-Index đã thành công “leo đỉnh” lịch sử khi tăng lên 1.528,57 điểm. Nhưng kể từ đó, những người chơi chứng khoán bắt đầu rơi vào tình trạng khó khăn khi mà chỉ trong vòng 9 tháng, thị trường đã bay mất hơn 500 điểm về lại mốc 1.006,2 điểm. Trong bối cảnh này, hàng loạt dự báo của các chuyên gia đã xuất hiện, người cho rằng sẽ tiếp tục giảm, người lại dự đoán thị trường sẽ hồi phục. Trong đó, có một chuyên gia liên tục đưa ra quan điểm của mình về việc thị trường sẽ tiếp tục giảm rơi về mức 950 điểm, và khuyên nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng tiền mặt hợp lý để cơ cấu danh mục. Đặc biệt, các dự đoán của chuyên gia này liên tục đúng trong suốt thời gian vừa qua đã làm dậy sóng thị trường chứng khoán. Đó chính là ông Lã Giang Trung - CEO Passion Investment.

Ông Lã Giang Trung là ai?

Ông Lã Giang Trung sinh ngày 20/7/1981, tốt nghiệp cử nhân trường Đại học Kinh tế Quốc dân chuyên ngành Tài chính Ngân hàng, sau đó ông tiếp tục lấy bằng MBA ở Australia. Hiện ông đang là thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc của CTCP Hestia (Upcom: HSA), ngoài ra ông còn là Tổng giám đốc của CTCP Passion Investment. Ông Trung sở hữu hơn 60% cổ phần của HSA với giá trị khoảng 253 tỷ đồng. Ông còn là một chuyên gia chứng khoán với kinh nghiệm hơn 16 năm và thường xuyên đưa ra những nhận định của mình về thị trường.

Năm 2006, sau khi du học về nước thì ông Trung bắt đầu làm việc tại Công ty chứng khoán Sacombank (SBS) cho đến khi thị trường sập vào năm 2007, ông chuyển qua làm Phó phòng đầu tư của công ty chứng khoán VNS. Làm việc được 1 năm, ông lại tiếp tục “nhảy việc” sang Công ty Quản lý Quỹ Bảo Việt (BVF) với vị trí là chuyên viên phân tích. Sau đó được thăng tiến lên vị trí Trưởng phòng Quản lý danh mục cổ phiếu, và cuối cùng là Giám đốc Khối cổ phiếu của công ty giai đoạn 2014 - 2015. Ông Trung từng chia sẻ lý do rời BVF là vì ông đã có chứng chỉ CFA vào năm 2009, sau một thời gian làm việc tại công ty, ông cảm thấy môi trường không còn phù hợp. Và ông đã quyết định tự làm riêng để có thể thực hiện các phương pháp mà ông cho là đúng. 

ong-la-quang-trung-nguoi-du-bao-vn-index-ve-950-diem-lam-day-song-ttck-la-ai-2-1665549779.jpg

Đầu tiên, ông Lã Giang Trung quyết định thành lập HSA vào năm 2014 với vốn điều lệ 8,2 tỷ đồng, tập trung vào các hoạt động tư vấn tài chính. Đến năm 2016, công ty đăng ký trở thành công ty đại chúng và đầu năm 2017, HSA bắt đầu được giao dịch trên Upcom. Thời điểm này ông Trung là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của công ty, và đến năm 2020 do ban hành luật mới nên ông không còn là Chủ tịch mà được bổ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT. Giai đoạn 2015 - 2017, tổng giá trị tài sản và lợi nhuận sau thuế của công ty đều tăng trưởng “thần tốc”. Cụ thể, năm 2016, tài sản HSA tăng gần 3,5 lần từ 15 tỷ lên 50,6 tỷ, lợi nhuận sau thuế tăng gấp 3 lần lên 4,4 tỷ đồng. Sang năm 2017, tài sản vụt lên 216 tỷ đồng, lãi ròng 14,7 tỷ tăng gần 2,5 lần. Tuy nhiên, đến năm 2018 lại sụt giảm trầm trọng, tổng tài sản chỉ tăng nhẹ 11,85%, còn lợi nhuận sau thuế lần đầu ghi nhận lỗ đến gần 46 tỷ. Sau 1 năm sóng gió đến năm 2019, công ty của chủ tịch Lã Giang Trung bắt đầu ghi nhận lợi nhuận dương trở lại, đạt 24 tỷ đồng. Năm trước vừa tăng lợi nhuận thì sang 2020 lại tiếp tục giảm chỉ còn hơn 5 tỷ đồng. Gần đây nhất, theo báo cáo thường niên năm 2021, tình hình của HSA đã khả qua trở lại. Tổng tài sản ở mức gần 296 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 78,7 tỷ và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng hơn 5 lần lên con số 27,8 tỷ đồng. Song song với những biến động thất thường của kết quả kinh doanh, thì ông Trung cũng tăng tỷ lệ cổ phần nắm giữ qua các năm. Năm 2017, ông Trung chỉ sở hữu 8,77% cổ phần công ty và là cổ đông lớn thứ hai, thì sau 4 năm đến cuối 2021, ông đã nắm giữ 59,75% cổ phần, trở thành cổ đông lớn nhất của CTCP Hestia. Ngoài HSA, ông còn thành lập thêm CTCP Passion Investment (PI) vào năm 2015, một công ty tư vấn chứng khoán và hợp tác đầu tư.

Từng chia sẻ về quá trình thành lập PI, ông nói rằng lúc đầu ông chỉ có 2 tỷ đồng trong tay và đủ cho công ty hoạt động được 3 năm. Nhưng chỉ trong vòng một năm sau, ông đã tự kiếm cho bản thân mình được 1 triệu USD. Để kiếm được số tiền “khủng” đó, ông Lã Giang Trung đã đi theo phương pháp riêng như lúc đầu ông mong muốn khi nghỉ việc ở BVF, đó là chỉ tập trung vào một vài cổ phiếu trên sàn. Nhờ vậy mà năm 2016 - 2017, khi “tất tay” vào những cổ phiếu như: MWG, PNJ,...đã mang lại trái ngọt. Ông từng chia sẻ rằng bản thân rất thích cổ phiếu MWG. Ông đầu tư mã cổ phiếu này từ 2016 đến cuối 2017 thì bán hết khi giá trên đỉnh, đến năm 2019 thị trường khó khăn, ông tiếp tục quay lại mua và bán hết đầu 2020 cũng gần đỉnh. Cứ mỗi lần mua là ông đều bán được giá ở “đỉnh”. Giai đoạn 2016 - 2017, PI đã đem lại tỷ suất lợi nhuận khủng cho khách hàng của mình, lần lượt là 95% và 50%, và được xem là “ngôi sao sáng” trong thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, chính vì chiến lược all-in này đã khiến ông ngậm trái đắng khi dồn tiền vào VPB, nhưng cổ phiếu này lại sụt giảm. Cũng vì việc này, ông Trung đã phải bù lỗ cho khách hàng gần 5 triệu USD vào thời điểm đó. Ngoài ra, vị doanh nhân cũng chia sẻ rằng cuộc đời ông có hai lần làm lại từ đầu. Một là thất bại vào năm 2018 vừa qua, hai là có một lần bị “cháy tài khoản” trước khi thành lập PI, vì chỉ mua cổ phiếu hàng lái mà không thoát hàng được nên đã lỗ nặng.

ong-la-quang-trung-nguoi-du-bao-vn-index-ve-950-diem-lam-day-song-ttck-la-ai-3-1665549971.jpg

Ông Lã Giang Trung cùng nhân viên của mình tại văn phòng Passion Investment (Nguồn: pif.vn)

Sau cú thất bại nhớ đời vì cổ phiếu VBP, ông Lã Giang Trung đã nhận ra là yếu tố thị trường tác động rất lớn. Nên đã chuyển sang chiến lược đa dạng hóa danh mục đầu tư, tập trung vào nghiên cứu thị trường, và kết quả là quay trở lại mức tăng trưởng mạnh những năm gần đây. Năm 2019, quỹ của vị doanh nhân này đã mang lại hiệu suất 36,49%. Giai đoạn 2020 - 2021, mức tăng trưởng còn “khủng” hơn khi lần lượt ở mức 88,53% và 101,81%. Điều này đã giúp ông nhận được sự quan tâm của truyền thông, và liên tục đưa ra các nhận định kém khả quan về thị trường chứng khoán sẽ giảm về mốc 950 điểm.

Vào ngày 5/10 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa đưa ra cảnh báo về một số doanh nghiệp thành lập app, website để huy động vốn đầu tư mà chưa được cấp phép. Đáng chú ý là trong đó có đề cập đến Passion Invest của ông Lã Giang Trung, và UBCK cảnh báo có thể gặp rủi ro khi giao dịch ở những app này vì không được pháp luật bảo vệ. Liệu rằng, thông tin này có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh đang rất thuận lợi của vị chuyên gia nổi tiếng này hay không?