Vinamit đang lâm vào một cuộc chiến. Không phải cuộc chiến thị trường, thương hiệu, bản quyền sáng chế… hay cái gì đó tương tự. Mà là cuộc chiến đất đai.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit cảm thấy suy sụp vì cuộc chiến này khiến cho bao công sức gây dựng của ông có nguy cơ bị xóa sổ, ảnh hưởng tới hàng ngàn lao động.
Mọi chuyện bắt đầu từ kiến nghị của một cử tri trước kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Bình Dương khóa IX, đơn vị huyện Phú Giáo. Cử tri này bất ngờ đề nghị tỉnh “xem xét thu hồi đất của Công ty Vinamit để quy hoạch khu dân cư tập trung dọc hai tuyến đường ĐH.504 và 508, nhằm tạo tiềm lực phát triển kinh tế xã hội của địa phương”.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng đáp ứng lời kêu gọi của cử tri này, và tổ chức đoàn kiểm tra công tác quản lý, sử dụng đất của Công ty Vinamit tại xã Phước Sang, huyện Phú Giáo.
Đề xuất trên “lạ” ở chỗ, người đề xuất không thể biết được hiệu quả kinh doanh của Vinamit – là doanh nghiệp tư nhân, để đong đếm so sánh giá trị với việc làm dự án bất động sản.
Đó là chưa nói, theo quy hoạch sử dụng đất điều chỉnh đến năm 2020 được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt, thì hơn 152 ha của Vinamit thuộc quy hoạch đất nông nghiệp.
Hơn thế nữa, trên trang thông tin điện tử chính thống của mình, UBND huyện Phú Giáo cũng chỉ rõ” “Vùng đất Phú Giáo là đất bazan xám rất phù hợp trồng cây công nghiệp và các loại cây ăn quả… Đất đai, khí hậu, sông suối Phú Giáo rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp hiện là thế mạnh của huyện và các trang trại trồng trọt chăn nuôi tại huyện đang là lợi thế đưa nền nông nghiệp đi lên theo hướng sản xuất lớn”.
Tuy nhiên Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương lại kết luận ngoài chức năng nhiệm vụ: "hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp chưa có đóng góp vào ngân sách để phát triển kinh tế xã hội tại địa phương”.
Từ cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương giao Thanh tra tỉnh chủ trì phối hợp sở ngành kiểm tra toàn diện đối với dự án sản xuất nông nghiệp của Vinamit để có cơ sở đánh giá hiệu quả dự án và đóng góp vào ngân sách địa phương, từ đó có kiến nghị về định hướng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch nông nghiệp một cách hiệu quả.
Ngày 17-12-2019, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng ký văn bản số 6490/UBND-KT giao Thanh tra tỉnh phối hợp Sở ngành thanh kiểm tra “tình hình tuân thủ các quy định của pháp luật” tại dự án sản xuất nông nghiệp của Vinamit.
Tháng 4-2020, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm ký quyết định số 1149/QĐ-UBND thành lập đoàn thanh tra kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật với dự án trên diện tích hơn 150 ha của Vinamit.
Thanh tra tỉnh Bình Dương đã yêu cầu Vinamit báo cáo nhiều vấn đề như tình hình đầu tư, hiệu quả và đặc biệt là hồ sơ nguồn gốc pháp lý khu đất hơn 150 ha.
Về tình hình đầu tư và hiệu quả, ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamit đã đưa ra chứng từ cho thấy, năm 2019, Vinamit đóng thuế giá trị gia tăng cho ngân sách Bình Dương hơn 34 tỉ đồng, năm 2018 gần 30 tỉ đồng, năm 2017 hơn 28 tỉ đồng. Ngoài ra còn chưa kể đến các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp nộp cho ngân sách Bình Dương và các đóng góp xã hội khác ở cấp xã và huyện nơi có nông trại, tương đương hàng tỉ đồng mỗi năm.
“Hiệu quả ở đây chính là khoản lợi nhuận mà doanh nghiệp thu về khi bán sản phẩm hoàn thiện và nộp thuế cho ngân sách nhà nước”, ông Viên nói.
Về hồ sơ nguồn gốc pháp lý khu đất hơn 150 ha, ông Viên cũng trình ra đầy đủ văn bản cho thấy, khu vực này nguyên là nông trại Phước Sang của Trường Đại học Cần Thơ. Trường này đã bỏ tiền đền bù đất công theo mức giá tại Quyết định số 24/1999/QĐ-UB ngày 6-3-1999 của UBND tỉnh Bình Dương.
Vinamit sang nhượng lại quyền sử dụng đất trên rồi được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho chuyển đổi sang hình thức giao đất có đóng tiền sử dụng đất một lần tại quyết định 4519/UBND-SX ngày 9-10-2007 do Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thị Kim Vân ký.
Tháng 12-2007, Vinamit đã đóng hơn 32 tỉ đồng tiền sử dụng đất một lần và được Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương cập nhật thay đổi vào sổ đỏ năm 2008. Từ đó đến nay, Vinamit trồng trọt làm vùng nguyên liệu theo đúng mục đích sử dụng đất đã được cấp phép.
Vì thế, trước kết luận bất hợp lý của Sở Tài nguyên và Môi trường là căn cớ dẫn tới cuộc thanh tra của tỉnh Bình Dương, trong bối cảnh còn chưa "hoàn hồn" vì đại dịch Covid-19, Vinamit đã có đơn kêu cứu tới Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, tới Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mong muốn truyền tải vụ việc lên Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Nội vụ vào thanh tra công vụ hoạt động thanh tra doanh nghiệp của tỉnh Bình Dương.
Trong tuần này, đoàn thanh tra của Bộ Nội vụ sẽ xác minh làm rõ phản ánh việc cơ quan chức năng Bình Dương thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai của Vinamit gây khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.
10 năm trước, ông chủ của Vinamit từng vướng vào cuộc chiến đòi thương hiệu.
Năm 1998, ông Viên khởi nghiệp ở thị trường Trung Quốc với thương hiệu Đức Thành (sau đổi thành Vinamit). Hồi đó, chỉ vì sơ suất khi không đăng ký tên thương hiệu bằng tiếng Hoa, ông đã bị “lật kèo” trong nội bộ. “Phải mất bốn năm liên tục, trải qua ba phiên toà Vinamit mới giành lại quyền sở hữu thương hiệu của mình”, ông Viên kể.
Tốn công, tốn sức, tốn của, nhưng rất may là ông Viên đã đạt được một kết cục có hậu. Sau nhiều năm thành công trong lĩnh vực chế biến trái cây sấy, Vinamit đã mạnh dạn đầu tư một vùng nguyên liệu sạch rộng 152 ha tại huyện Phú Giáo, Bình Dương.
Mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ bài bản của ông Viên, với khu nông trại Vinamit Organic Farm ở Phú Giáo đã được cấp chứng nhận Organic USDA, Organic EU, Oganic China. Công ty không chỉ cung cấp sản phẩm trong nước mà còn xuất sang nhiều thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu.
Ông Viên là một doanh nhân có tư duy tân tiến ngay từ thời kỳ đầu lập nghiệp. Năm 1995, ông Viên đã bỏ Mỹ (chỉ để bộ phận kinh doanh ở lại làm việc) để tập trung đánh thị trường Trung Quốc trong sự ngỡ ngàng của nhiều người quen biết. Theo giải thích của ông, ngoài việc thấy được tiềm năng của thị trường này, ông còn thuận lợi hơn trong việc đi lại, giao nhận và xử lý thông tin.
Theo ông, phần lớn hàng hóa Việt Nam xuất sang Trung Quốc đều đi theo đường tiểu ngạch. Để hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc bền vững hơn, cách tốt nhất là các doanh nghiệp Việt hãy chuyển sang xuất khẩu chính ngạch, thông qua nhà phân phối bản địa hoặc đặt văn phòng tại Trung Quốc.
Trong những ngày đầu, Vinamit cũng chủ yếu xuất qua Trung Quốc theo đường biên. Tuy nhiên, với việc sản phẩm mít sấy của họ khi đến tay người tiêu dùng thì đã vỡ vụn do phải trải qua quá nhiều lần bốc dỡ hàng lên xuống, cộng với chuyện có nhiều thương lái khác cũng mua hàng Vinamit qua bán, khiến giá cả "loạn" ảnh hưởng nghiêm trọng tới thương hiệu do đó Vinamit buộc phải chuyển sang xuất khẩu chính ngạch dù thuế VAT lên đến 17%.
Trong các bài báo, ông Lâm Viên chia sẻ về khát vọng đem lại thực phẩm sạch, cách ăn uống khoa học đến cho người tiêu dùng Việt. Ông chia sẻ, con đường làm thực phẩm hữu cơ rất đơn độc.
“Vì là một công việc khó, không thể bùng nổ như các sản phẩm hóa học được, cần phải thuyết phục người tiêu dùng. Bởi người tiêu dùng vẫn quen với các sản phẩm hóa học hoàn mỹ. Còn sản phẩm sinh học có vẻ đẹp không hoàn mỹ, vẻ đẹp của sự bất toàn” - ông Lâm Viên noi - “Nhưng tôi chấp nhận rủi ro, thực sự rất rất rủi ro và hoang phí tiền của. Vì mình phải lấy tri thức của mình, trải nghiệm làm bài học, làm ra công thức, giáo dục lại cộng sự, kỹ sư nông học của mình để thay đổi; từ đó thay đổi cả cộng đồng. Đó là chuyện không dễ, mình phải thân chinh làm như một lão nông thực thụ, vì nếu rời ra họ lại đi theo đường cũ, vì đường mới quá khó, còn đường cũ thì quá dễ.”
Ông chủ Vinamit suy sụp vì bị “tranh” đất trồng trọt nhằm biến thành khu dân cư
08:55 20/06/2020