Founder Tsai Chi Jui – nhà chiến lược đại tài

Theo thông tin từ Forbes, ông Tsai Chi Jui hiện có tài sản khoảng 1,28 tỷ USD, giữ vị trí 36 trong danh sách 50 người giàu nhất Đài Loan. Giống như rất nhiều thương nhân lớn trong ngành sản xuất tại Đài Loan, nhà sáng lập tập đoàn Pou Chen vô cùng kín tiếng. Thông tin của người đàn ông U80 này trên truyền thông rất ít ỏi.

ong-tsai-chi-jui-1623221397.jpeg
 
 ông Tsai Chi Jui và con gái


Sau khi tốt nghiệp khoa Giáo dục của trường Đại học Taichung, Tsai Chi Jui đi dạy mỹ thuật tại một trường trung học nhỏ vào ban ngày và đi làm thêm vào buổi tối ở một vài nhà máy khác nhau. Cha của Tsai Chi Jui là một thợ may khiêm tốn.

Trong những ngày tháng đi làm thêm ở các công xưởng, với kiến thức mỹ thuật học tại trường cũng như kinh nghiệm trong mảng gia công, Tsai Chi Jui nghĩ ra được rất nhiều sáng kiến để cải thiện chất lượng sản phẩm. Trên nền tảng đó, vào năm 1969, cùng 3 người anh em của mình, ông đã chính thức mở một nhà máy sản xuất giày cao su tại Changhua.

Công việc kinh doanh của nhà Tsai phát triển rất thuận lợi suốt thập niên 1970 và là 'tấm gương soi’ phản ánh sự lớn mạnh không ngừng của nền kinh tế chuyên về xuất khẩu của Đài Loan. Pou Chen đã ký hợp đồng với một tên tuổi lớn đầu tiên trong năm 1980 – chính là Adidas. Thương vụ này đã mở cánh cửa để Pou Chen có cơ hội thâm nhập vào mạng lưới của các nhà sản xuất đồ thể thao đa quốc gia.

Những năm tiếp theo, do phải đối mặt với chi phí lao động ngày càng tăng cao tại Đài Loan cũng như đồng đô la Đài Loan tăng giá, mảng xuất khẩu của Pou Chen bắt đầu mất dần lợi thế cạnh tranh, nên nhà Tsai rục rịch lên kế hoạch chuyển các nhà máy của mình sang Trung Quốc. Năm 1988, Pou Chen ra mắt công ty tên Yue Yuen tại Hong Kong.

Có thể nói, Pou Chen là một trong những doanh nghiệp tham gia tích cực nhất vào làn sóng chuyển dịch đầu tư đầu tiên từ Đài Loan vào Trung Quốc. Pou Chen đã đóng góp rất lớn vào việc biến Trung Quốc trở thành 'công xưởng của thế giới'.
 
Năm 1990, tập đoàn này bắt đầu niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán của Đài Loan. Năm 1992, họ mở rộng sản xuất sang Indonesia, đồng thời niêm yết cổ phiếu của Yue Yuen trên sàn chứng khoán Hong Kong. Năm 1994, Pou Chen tiếp tục ‘tấn công’ vào một nước Đông Nam Á khác là Việt Nam. Năm 1999, nhà Tsai mở rộng ngành nghề sản xuất sang hàng điện tử, khi đầu tư vào Global Brands Manufacture.

Về mảng giày dép

Kể từ thập kỷ 1970, Pou Chen đã là một tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực gia công sản xuất giày thể thao. Từ chỉ đơn giản là gia công theo đơn đặt hàng của các thương hiệu (OEM), sau nhiều năm đầu tư nghiên cứu họ đang dần trở thành nhà sản xuất kiêm thiết kế (ODM). Các khách hàng lớn của họ có thể kể đến Nike, Adidas, Asics, New Balance, Timberland và Solomon.

Cửa hàng bán lẻ của thương hiệu YYSports từ Pou Chen.

Vào năm 2002, mảng sản xuất giày dép của họ đã quy về công ty trực thuộc Yue Yuen, khi Pou Chen đã bán 67 công ty thành viên cho Yue Yuen. Hiện Yue Yuen có nhà máy sản xuất tại Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Mỹ và Trung Quốc. Mỗi năm Yue Yuen sản xuất khoảng 300 triệu đôi giày, chiếm 20% tỷ trọng thị trường giày thể thao thế giới.

Về mảng bán lẻ

Pou Chen bắt đầu để mắt tới thị trường bán lẻ vào năm 1992 và có giấy phép bán lẻ đồ thể thao không lâu sau đó. Vào năm 2008, Pou Chen chính thức ra mắt công ty Pou Sheng International – trực thuộc Yue Yuen, chuyên về bán lẻ.

Ngoài ra, để giảm rủi ro khi chỉ tham gia một thị trường duy nhất, Tập đoàn này đã đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh bằng cách đầu tư vào doanh nghiệp chuyên sản xuất – kinh doanh đồ điện tử tên Global Brands Manufacture (GBM) vào năm 1999, sản xuất bảng mạch in – PCB và lắp ráp điện tử - PCBA. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, buộc Pou Chen phải điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh. Năm 2010, họ bán 40% cổ phần của mình trong GBM thông qua đấu giá.

Ngoài ra, Pou Chen còn có tham gia vào lĩnh vực phát triển bất động sản, đầu tư vào Ngân hàng, quản lý khách sạn cũng như có một thương hiệu giày thể thao riêng tên YYSports.

Về tính cách cá nhân, theo tiết lộ từ vài nhân sự cao cấp của Pou Chen làm việc lâu năm với ông Tsai Chi Jui, thì ông chủ của mình có tính cách hòa nhã, dễ gần và khiêm tốn. Nếu vứt ông trong một biển người sẽ rất khó để nhận ra ông và nếu không nói trước, các nhân viên của Pou Chen rất khó để biết người đàn ông giản dị đó là ông chủ của mình.

Trái ngược với vẻ bình dị bên ngoài, ông Tsai Chi Jui là một người rất sắc sảo khi quan sát hướng đi của thị trường và thường dự đoán khá chính xác những vấn đề sẽ xảy ra trong khoảng 3 đến 5 năm. “Ông ấy là một người làm chiến lược rất giỏi”, một quan chức cao cấp của Pou Chen từng tiết lộ. Trong suốt hơn 50 năm phát triển vừa qua, những chiến lược táo bạo và tham vọng to lớn của Pou Chen đều đến từ bộ não thiên tài của nhà sáng lập này.

“Công chúa băng giá” của Pou Chen - Tsai Pei Chun

Sau khi tốt nghiệp khoa tài chính tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania – Mỹ vào năm 2002, Pei Chun Tsai về Đài Loan làm trợ lý cho Chủ tịch của Tập đoàn Pou Chen và giám đốc của Mega Financial Holding. Năm 2007, Tsai Pei Chun được phép tham gia vào những hoạt động quan trọng của Tập đoàn.

Ngoài cô chị Tsai Pei Chun (phải), cô em gái Tsai Ming Chieh cũng đang tham gia vào Ban điều hành của Pou Chen.

Năm 2012, ở tuổi 33, Pei Chun Tsai bắt đầu chính thức tiếp quản Tập đoàn Pou Chen từ cha Tsai Chi Jui và hiện là CEO của tập đoàn. Vì phong cách làm việc nghiêm túc, không khoan nhượng mà Patty (tên tiếng Anh của Tsai Pei Chun) được gọi là “Công chúa băng giá”.

Theo Common Wealth, 2 trong những thách thức lớn nhất hiện tại với người thừa kế của tập đoàn Pou Chen là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, sự thay đổi các kênh bán hàng, thói quen tiêu dùng và sự khó huy động được nguồn lực chung để tối ưu hóa chúng do Tập đoàn đang hoạt động theo kiểu quản lý quân đội.
Dường như, ông Tsai Chi Jui đã trao quyền khá lớn cho các nhà quản lý cấp cao và giám đốc nhà máy ở khắp nơi trên thế giới. Lãnh đạo ở mỗi khu vực có mức độ độc lập cao trong việc quyết định dòng sản phẩm, lợi nhuận và mua sắm nguyên vật liệu; sự phân bổ nguồn lực cũng dựa trên doanh thu mỗi nơi thu về.

Theo đó, trong quá khứ, công ty mẹ đã không thể kiểm soát một cách hiệu quả hoạt động của các công ty thành viên, khiến trong các nhà máy ở nước ngoài đã xảy ra nhiều bê bối đáng tiếc, như bạo lực công sở tại công ty con ở Việt Nam hay tham nhũng ở công ty con tại Hong Kong

Thế nên, 2 trong những nhiệm vụ quan trọng của Tsai Pei Chun chính là tái cấu trúc doanh nghiệp và xây dựng nền văn hóa tốt cho cả Tập đoàn Pou Chen.

Trong gần 10 năm nên nắm quyền cao cấp tại Tập đoàn, cô con gái đầu của nhà sáng lập Pou Chen gần như đã thay đổi toàn bộ Ban điều hành. Những người lớn tuổi được thay thế bằng những người trẻ tuổi. Với tư duy của một người trẻ được đào tạo trong môi trường hiện đại như ở Mỹ, cô không chỉ thuê những người trong ngành mà còn là những người ngoài ngành ngồi ở những vị trí quan trọng trong tập đoàn và các công ty con. Trong khi cách cũ của Pou Chen thường là đào tạo và cất nhắc các vị trí bên dưới leo dần lên vị trí lãnh đạo theo thời gian.

Patty là một người có ý thức mạnh mẽ về sự công bằng. Cô ấy không thể chịu được những việc như tham nhũng trong những ngày tháng làm trợ lý cho cha mình. Cô ấy không bao giờ cậy quyền khi xử lý công việc, cũng không chấp nhận làm việc trong ‘vùng xám’, không có pháp luật rõ ràng. Patty không phải người quá khoan dung và dễ mềm lòng”, một người thân thiết của CEO Pou Chen chia sẻ.

Trên hết, ngành công nghiệp sản xuất giày dép thâm dụng lao động đang phải đối mặt với áp lực rất lớn do tỷ lệ gia tăng dân số đang ngày càng giảm tại Trung Quốc và chi phí lao động đang ngày càng tăng cao ở Việt Nam. Không thể chối cãi rằng Tập đoàn Pou Chen phải đối mặt với áp lực chi phí lớn hơn Feng Tay – doanh nghiệp chỉ đang làm việc với một đối tác duy nhất là Nike, và khả năng sinh lời cũng mờ nhạt hơn so với đối thủ.

CEO Pou Chen - Tsai Pei Chun đã gặp gỡ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một lần viếng thăm Việt Nam.

Cùng việc mảng sản xuất gia công cho các thương hiệu lớn trên khắp thế giới không còn dễ ăn như trước đây, nữ thừa kế U40 đang bắt tay vào nghiên cứu các khách hàng khả dĩ mà mình có thể tiếp cận, nhằm chuẩn bị cho sự thay đổi chiến lược lớn thứ 2 của mình. Các dấu hiệu cho thấy, trong khoảng vài năm gần đây, Pou Chen đang rất nỗ lực tập trung vào các kênh bán lẻ.

Pou Sheng International, công ty sở hữu gần 9.000 cửa hàng bán lẻ tại Trung Quốc, gần đây đã bắt đầu tham gia vào thị trường thể dục – thể thao, khi họ mở các cửa hàng trải nghiệm cũng như tổ chức các hội nhóm chạy bộ.
Quả thật, Tsai Pei Chun đang rất nỗ lực trong việc tìm ra con đường đi mới cho doanh nghiệp gia đình nhưng liệu cô có tìm ra được hay không phải để thời gian trả lời.

Dưới thời Tsai Pei Chun, Pou Chen tăng trưởng chậm và đang bị Covid-19 ‘hại’ thê thảm

Theo Báo cáo tài chính của Pou Chen, trong vài năm gần đây, lợi nhuận hợp nhất của Tập đoàn có tăng nhưng không đột biến. Năm 2019, doanh thu của họ vào khoảng 10,130 tỷ USD lợi nhuận ròng 2,273 tỷ USD; doanh thu năm 2018 tầm 9,727 tỷ USD, lợi nhuận ròng tầm 2,348 tỷ USD; doanh thu năm 2017 tầm 9,158 tỷ USD, lợi nhuận ròng khoảng 2,267 tỷ USD.

Hiện tại, Pou Chen đang chịu những tổn thất nặng nề từ đại dịch Covid-19. Doanh số của họ trong Quý I/2020 đã giảm 22,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất trong 6 năm gần đây. Các đơn đặt hàng đang giảm 50% trong Quý II/2020 và với tình hình dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát như hiện tại, tương lai gần hẳn sẽ không sáng sủa.

Thế nên, Pou Chen không chỉ quyết định giảm khoảng 10% lương thưởng trên toàn Tập đoàn mà còn cắt giảm nhân sự của nhiều quốc gia. Ví dụ mới đây họ đã cho nghỉ khoảng 3.000 công nhân tại Việt Nam. Trong một tiết lộ năm 2018, họ có 10 nhà máy tại 6 khu vực ở Việt Nam, với lượng nhân công tương ứng tầm 160.000 người. Cụm 4 nhà máy lớn nhất có khoảng 90.000 nhân công, sản xuất mỗi năm 72 triệu đôi dày và mang về cho Tập đoàn khoảng 1,2 tỷ USD/năm doanh thu.