Vào năm 2021, ngay sau Đại hội cổ đông thường niên của CTCP Đường Quãng Ngãi (QNS), một công ty chứng khoán phát hành báo cáo phân tích, trong đó có nêu lên những con số chưa từng công bố: nhóm công ty liên quan đến Nutifood đang nắm 16% vốn điều lệ của QNS và Masan sở hữu khoảng 5%.

Khi thông tin này xuất hiện trên báo chí, đại diện Masan đã bác bỏ, nói rằng tập đoàn này không đầu tư cổ phiếu QNS nào. Dù vậy, vẫn có nhiều người nghi ngờ, vì sữa là mảng sản phẩm còn thiếu mà Masan từng khẳng định sẽ bước chân vào tại ĐHĐCĐ năm 2019 nhằm tăng cường sức mạnh của hệ thống sản phẩm tiêu dùng từ bếp tới bàn ăn và tận dụng sức mạnh của hệ thống phân phối Winmart/Winmart+.

Về phía Nutifood, dù không lên tiếng nhưng cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên đó đã chứng kiến một động thái chưa từng có tiền lệ. Lần đầu tiên ĐHĐCĐ QNS bầu ra thành viên HĐQT là người ngoài công ty. Đó là ông Nguyễn Văn Đông, chuyên gia M&A của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC). Công ty chứng khoán này là đơn vị tư vấn cho CTCP Cà phê Phước An (CPA) – thành viên của Nutifood.

Ông Đông nhận ủy quyền cho 1 nhóm cổ đông nắm giữ 29,35 triệu cổ phiếu, tương đương 8,2% vốn điều lệ. Chứng khoán Rồng Việt cũng nắm giữ 3 triệu cổ phiếu QNS tại thời điểm 30/6/2021. 

CTCP Chứng khoán SSI (SSI) viết trong báo cáo phân tích sau đó, cho rằng đây là đại diện cho nhà đầu tư liên quan đến nhóm Nutifood.

Đến ngày 2/8, nhóm Nutifood chính thức lộ diện khi Nutifood Bình Dương công bố mua thêm 2 triệu cổ phiếu QNS, qua đó cùng Nutifood sở hữu tổng cộng 19 triệu cổ phiếu, trở thành nhóm cổ đông lớn sở hữu 5,33% cổ phần của QNS. 

Hiện tại cơ cấu cổ đông của QNS vẫn khá phân mảnh với ban lãnh đạo cấp cao nắm giữ gần 18%. Thành Phát – công ty con của QNS cũng đang là cổ đông lớn nhất sở hữu 15,6%. Do là công ty con của QNS nên bản chất quyền biểu quyết của công ty này vẫn do ban lãnh đạo hiện hành của công ty quyết đinh. Nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ gần 18%, trong đó nhóm VinaCapital sở hữu 7%.

VinaCapital vốn là công ty chứng khoán thân thiết với Masan, vì vậy càng thêm những ý kiến đồn đoán rằng đây thực tế là phần sở hữu của Tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang.

nguyen-dang-quang-1659884768.jpg
 

Nutifood có xuất phát điểm là Tổ hợp đời sống của các dược sĩ, kỹ sư Trạm Nghiên Cứu Dược Liệu - Sở Y Tế TP.HCM mang tên Tổ hợp Đồng Tâm, sản xuất các loại kẹo bổ multivitamin, viên ngậm mentha, cốm bổ trẻ em. Khi trở thành doanh nghiệp sản xuất sữa, định vị sản phẩm của công ty là sữa dinh dưỡng cho người ốm. Năm 2012, Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm đổi tên thành Công ty CP Thực phẩm Dinh dưỡng NutiFood. Hiện tại Chủ tịch công ty là ông Nguyễn Thanh Hải (bầu Hải) và tổng giám đốc là bà Trần Thị Lệ - Vợ ông Hải.

tran-thi-le-1659885304.jpg

Bà Trần Thị Lệ - Tổng giám đốc Nutifood

 
 

Việc các doanh nghiệp F&B lớn muốn nhảy vào Đường Quảng Ngãi là điều dễ hiểu vì Đường Quảng Ngãi được đánh giá là công ty hấp dẫn trong ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam. Thị phần của công ty này trong lĩnh vực sữa đậu nành có thương hiệu (Vinasoy, Fami) luôn đạt trên 80% trong nhiều năm, thậm chí đạt gần 86% trong năm 2020 (theo Nielsen). Bên cạnh đó, mảng mía đường cũng đóng góp tỷ trọng lớn vào doanh thu của Đường Quảng Ngãi. Ngoài ra, Công ty còn sở hữu Nhà máy Bia Dung Quất, Nhà máy Nước khoáng Thạch Bích, Công ty Bánh kẹo Biscafun và Nhà máy Điện sinh khối An Khê…

Năm 2021, doanh thu từ sữa đậu nành của QNS đạt 4.090 tỷ đồng, tăng 5,6% so với năm trước đó và đóng góp khoảng 55,5% tổng doanh thu của QNS. Quý 2/2022, mảng sữa đậu nành chiếm 60% doanh thu QNS, ghi nhận mức tăng 230 tỷ đồng, lãi ròng đạt 265 tỷ đồng.