Thời bao cấp cứ nói đến du học là phải đi Đông Đức mới giàu, đi Ba Lan mới “thoáng”, còn đi Liên Xô thì chỉ có mỗi “cửa” mà học hành thôi - “muốn giàu đi Đức, muốn kiến thức đi Nga” là thế. Nhưng mà cũng lạ, sau này dân Liên Xô về ngoài việc “làm quan” nhiều thì đại gia cũng lắm lắm, chưa ai chịu khó tìm hiểu xem có sự liên hệ giữa việc “học” và việc thành công trên thương trường có mối liên hệ gì không? Bài này là một trong xê ri bài phân tích về mối tương quan đó...

Đúng là thời đó ở Liên Xô có phong trào học và nhiều người học giỏi thật. Cứ nói đến học nhiều người nhớ ngay tới Đại học tổng hợp Lomonosov ở thủ đô CCCP, người không đi Liên Xô ít để ý rằng có nhiều trung tâm đào tạo khác cũng có rất nhiều người Việt học giỏi. Đơn cử trường Tổng hợp ở thủ đô Minsk của nước cộng hòa Bạch Nga (BGU), nơi hàng chục năm rồi có học sinh Việt Nam theo học và có phong trào học hành rất truyền thống. Mới đây thôi hai vị bộ trưởng nước ta là hai người bạn học khoa lý trường này, sau đó cùng chuyển tiếp sinh...còn thứ trưởng, tổng cục trưởng thì nhiều kể chả hết được, tiến sỹ giáo sư thì đông lắm! Và cũng rất đáng nghiên cứu vì sao mà tỷ lệ triệu phú người Việt sau này là cựu sinh viên của trường đại học này cũng rất cao, có lẽ chả có trường nào bằng ...

Ký túc xá số 2 của BGU nằm ngay gần sân vận động Dynamo là một ngôi nhà cao tầng xây rất hiện đại, từ năm 1981 là chỗ ở cho nghiên cứu sinh và sinh viên Việt Nam của khoa Vật lý và Báo chí. Quang “phơ” sang Liên Xô và được phân về BGU học khoa lý đúng từ 1981 và vào sống ở cái ký túc xá mới toanh và khá đẹp đẽ này. Quang người Hà Nội, học toán giỏi từ bé, là dân A0, sang Minsk bình yên thì chỉ biết học và đá bóng ở cái sân vận động của trường đằng sau ký túc xá thôi. Minsk điều kiện sống thì tốt, nhưng không có nhiều điều kiện để giao thương buôn bán như Matxcơva, Leningrad, Kiev, Baku...thế nên ngoài học và chơi thể thao ra thì sinh viên Việt Nam chỉ có một vài cách kiếm tiền cải thiện hết sức “truyền thống” và “lành” là vào những dịp nghỉ sinh viên ta xin đi làm công nhân thời vụ ở mấy cái nhà máy ở quanh Minsk hay vào dịp nghỉ hè đi làm công nhân xây tuyến đường sắt xuyên Sibery mà hay gọi là “đi BAM”. Nguyễn Đăng Quang cũng không là ngoại lệ, và anh chả có mấy biểu hiện sẽ trở thành một tycoon, một Quang “Masan” như ngày nay...

“Tai nạn” rình rập khắp nơi, và kể cả người học giỏi như Quang, cũng “học tài thi phận” như ai. Đến môn thi quốc gia gần cuối cùng trước khi tốt nghiệp anh cầm chắc sẽ có “bằng đỏ”- tức là đủ điểm để tốt nghiệp xuất sắc và sẽ có điều kiện chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh - thì với cái môn “Chủ nghĩa cộng sản khoa học”- môn học mà nói chung chỉ cần trả lời như vẹt thì có điểm “giỏi” ngay - Quang chỉ được điểm “khá”. Chả khác nào Messi đá trượt phạt đền ở Cup châu Mỹ, hay xạ thủ Hoàng Xuân Vinh hai viên cuối bắn chỉ trúng vòng 8 điểm...Biết Quang “đau” lắm anh em cùng trường càng trêu tợn, chế bài “Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc” thành bài văn tế cho Quang. Bằng xanh, chia tay giấc mơ chuyển tiếp sinh...

Không chịu chia tay với khoa học cũng như đất nước Bạch Nga, Quang về Hà Nội có một năm, rồi quay lại trường cũ làm thực tập sinh, kịp làm mỗi việc tốt lành là cưới vợ - hè 87 anh phải “cưới chạy” (đi Nga) nên cưới luôn vào tháng 7 âm lịch, có lẽ cô bạn học ngoại ngữ cùng thành phố lúc đó còn chưa biết thế nào là “tháng cô hồn”...

Từ 1984 ký túc xá số 2 BGU tiếp nhận thêm một đợt sinh viên ta học vật lý, có hai anh bạn cùng khóa đều tên Hải: Lý Xuân Hải là Hải “gộc” vì cao kều và Phạm Thanh Hải là Hải “con” vì thấp bé hơn. Hải “con” quê Hà Nam, rồi lên học chuyên tổng hợp giống anh Quang, sau đi thi vật lý quốc tế được giải. Hải “gộc” quê Đà Nẵng, bố là hiệu trưởng trường Bách khoa, nhưng đi từ HCM, vì lúc đó trong Nam học 12 năm nên thực ra hơn tuổi hội cùng năm, tuổi Thìn. Mấy sinh viên ngoan, học giỏi lại rơi vào môi trường các anh chị học suốt ngày, thì cũng lại học thôi, mặc dù lúc ấy tình hình Liên Xô bắt đầu có những dấu hiệu biến chuyển: đời sống khó khăn hơn nhiều và mấy nước Đông Âu bắt đầu cựa mình đòi “dân chủ”...

1987 Quang “phơ” quay lại trường làm thực tập, và với khả năng học hành của mình chỉ sau một năm anh xin được làm luôn nghiên cứu sinh. Hai chú em tên Hải năm dưới rút kinh nghiệm các bậc đàn anh đàn chị, học hành thi cử cẩn thận lắm, và thế là tốt nghiệp “bằng đỏ” và chuyển tiếp sinh như dự kiến. Đợt ấy nghiên cứu sinh Quang đón vợ sang chơi mấy tháng - cô giáo đang dạy học ở Hà Đông chỉ nghỉ phép được thế thôi...Mấy năm ấy Quang cũng xoay sở làm ăn các kiểu, nhưng chưa “cứu nước cứu nhà” được gì đáng kể. Khi hai ông đàn em tốt nghiệp xuất sắc và bắt đầu làm chuyển tiếp sinh, thì 1990 Quang “phơ” thành phó tiến sỹ và về nước...

Quang quyết định vào miền đất hứa Sài Gòn, đầu quân chỗ anh Vinh “đen” Cotec, và làm phần mềm tại Softpro Cotec. Thời đầu những năm 90 Mỹ mới chuẩn bị bỏ cấm vận thì Vinh “đen” là một trong những ngôi sao sáng về làm kinh tế, và Cotec thực chất là một tập đoàn đa ngành nghề vào loại đầu tiên tại Việt Nam, khá lớn và rất đa dạng. Vinh “đen” là người có rất nhiều ý tưởng đi trước thời đại, chúng nảy nở ra liên tục trong cái đầu tóc xoăn tít của anh và cứ thế anh “talk business” liên tục, chia sẻ những ý tưởng đó với cấp dưới và bất kể ai, ngày này qua năm khác, anh cũng tập trung được dưới trướng rất nhiều anh chị em học Đông Âu về, sau này đều thành đạt cả. Quang làm ở đó đôi năm, không khấm khá thêm là bao nhưng có lẽ cái “được” lớn nhất của anh là hấp thu được ý tưởng, cách nghĩ của “đại ca”. Sau này Quang cũng hay “talk business” khá nhiều, và trong nhiều mô hình làm ăn của Quang có những nét rất “Vinh đen”!

1992 Quang “phơ” được một ông anh cùng khoa nhưng trên năm rủ quay lại Nga (chứ CCCP tan rã rồi, “quê hương” Minsk nay lại là thủ đô nước khác), lần này là đấu trường lớn Matxcơva, bắt đầu gần như từ con số 0. Đó là “thời loạn” của Nga, vạn sự khó khăn, đầy rẫy nguy hiểm cho cả người Nga lẫn người nước ngoài ở đấy, tuy vậy cơ hội “thành người” thì cũng rất nhiều. Quang có lẽ khá may mắn, nhanh chóng kiếm được tiền triệu và bắt đầu hợp tác với hai sinh viên cùng trường quân đội trẻ trung, vì CCCP tan rã nên đã sớm bước sang con đường kinh doanh là H.H.Anh và 😭.Huy. Nhưng ngay từ lúc đó Quang đã có cảm nhận rằng làm ăn ở Nga thì cũng rất tốt nhưng may rủi lắm, muốn phát triển bền chắc phải ở Việt Nam cơ! Mà Việt Nam bỏ cấm vận thì cũng sẽ lặp lại con đường nước Nga đi qua, tuy không “máu lửa” như vậy nhưng cơ hội lại cũng rất nhiều, có kinh nghiệm rồi nên triển khai ở trong nước. Cũng có thể vì người vợ đang dạy ngoại ngữ ở Bình Đà, cũng có thể vì anh Vinh “đen” đang manh nha mở ngân hàng...nhưng 1994 Quang về nước. Quang về lại kết hợp với anh Vinh “đen”, làm Techcombank, một trong những NHTMCP đầu tiên mới xuất hiện, song song vẫn tiến hành kế hoạch Việt-Nga của minh (thích gọi là “Masan” cũng được, chưa có “Masan”: nhập sâm-panh về dịp Tết, xuất mỳ Vifon, nước tương Nam Dương sang Nga...). Quang bắt tay tham gia sáng lập hàng loạt công ty cả Việt, cả Nga có đuôi “EC”- vẫn ấn tượng bởi loại hình “Cotec” của anh Vinh “đen” thì phải, mà “EC” có lẽ lại hên. Bắt đầu có ý tưởng mới: phát triển sản xuất cả bên Nga, cả ở Việt Nam tùy theo cái gì tiện làm ở đâu, thị trường vẫn là Nga nhưng bị hàng loạt các doanh nghiệp cũng của người Việt Nam khác cạnh tranh quyết liệt. “Masan” vẫn là một khái niệm, chứ nào đã có Masan...

Lúc này hai thanh niên năm dưới đã thành phó tiến sỹ hết rồi. Hải “con” có vẻ thân và kết hợp với người đàn anh A0 Quang “phơ” nhiều hơn. Đây là một chàng mà theo cách dùng từ thời đó là rất “bôn sệt”, đầu óc luôn tính toán việc kiếm tiền chứ cũng chẳng biết tiêu tiền thế nào, vì có nhu cầu gì đâu, thậm chí còn khá coi thường tiền! Tuy coi thường nhưng Hải “con” luôn muốn chứng tỏ khả năng kiếm ra nhiều tiền hơn nữa, cách nào cũng kiếm được tiền, mà có lẽ thế thật khi người ta chỉ nghĩ đến chữ “tiền” thôi. Lên Matxcơva làm ăn, Hải “con” đưa ra mấy mô hình mới rất thành công, như nhập hàng bật lửa, bao cao su từ Trung Quốc về Nga, hay mô hình công ty du lịch GSO...cả hai đều lãi suất tốt và đến nay vẫn hoạt động ngon lành, nhưng Hải “con” hào phóng tặng hết lại cho những người bạn làm cùng, đối với Hải quy mô thế vẫn là quá nhỏ...Hải “gộc” cũng lên Matxcơva làm ăn, nhưng số có vẻ vất vả đường “buôn bán”. Bạn bè nhớ nhất chuyện Hải làm ăn với một đồng hương, thế rồi bị maphia Nga tóm làm con tin, để chờ bạn đồng hương kia thanh toán hết tiền hàng rồi mới thả người. Nguy hiểm kinh người, nhưng vào cái thời loạn lạc ấy thì cái gì cũng có thể xảy ra...Ngay maphia cũng phải thấy “nể” một chàng Việt Nam đẹp trai lịch lãm và rất bĩnh tĩnh ấy, và chúng đối xử với Hải rất trọng thị, trong mấy ngày có thể “thịt”anh bất cứ lúc nào ấy chúng đưa Hải “gộc” đi tắm hơi, ăn thịt nướng chứ không hề bạc đãi, cho đến khi thanh toán xong rồi được thả về! Nhưng có lẽ đầu óc toán-lý của L.X.Hải hợp với làm ăn bài bản hơn, và thế là L.X.Hải quyết định về nước.

Câu chuyện “người Việt dạy cho người Nga ăn mỳ ăn liền, tương ớt...” bắt đầu từ 1996, quy mô ban đầu khá nhỏ lẻ thôi, mãi sau khi “đánh” thử từ nhà sang thấy bán được bộ ba Quang-H.Anh-Huy mới tổ chức sản xuất, và thế là một xưởng mỳ với mấy dây chuyền khá thô sơ, vài trăm nữ công nhân Nga...bắt đầu hoạt động tại ngoại ô thành phố Ryazan cách thủ đô hơn 200 km. Cái “máy in tiền” này còn hoạt động đến mãi về sau, cho đến cả khi người Việt đua nhau mở những nhà máy mỳ lớn, hiện đại hơn nhiều...“Masan”-một thương hiệu lớn thời nay đã ra đời muộn hơn nữa, người sáng lập gồm Quang, 😭.Huy, H.H.Anh và P.T.Hải, tuy vậy có lẽ nó giống với một thỏa thuận hợp tác anh em hơn, chứ làm gì có pháp nhân Masan nào. Có lẽ ít ai biết đó là tên ghép của 2 công ty tại Nga: Sanmex và Mapro. Chỉ biết là sẽ xuất nhập khẩu Nga-Việt, Quang về nước để lại công ty cho 😭.Huy, P.T.Hải quản lý, còn công ty nữa của của H.Anh. Masan lúc đó cũng không khác nhiều một công ty XNK của Cotec là bao! Toàn những cái đầu trẻ chỉ muốn làm những việc “dời non, lấp biển” nhưng phải nói là chưa có ý tưởng gì xuất chúng vào thời điểm này cả, chưa có “bóng dáng của thiên tài”. Sau này Quang đưa ra khẩu hiệu “Vietnam can do” cũng rất ít người cảm nhận được đó không chỉ là khẩu hiệu suông, vì ngoài Quang ra ít ai hiểu sẽ “do” kiểu gì đây...À không, có đấy, Quang “phơ” bắt đầu thể hiện khả năng quy tụ các tài năng khác, bắt đầu từ người quen, bạn bè, đàn em...và thấy được thế mạnh của từng người - điều này có lẽ Quang hơn anh Vinh ‘đen”, vì đàn anh “tinh hoa phát tiết” cái gì cũng biết, cũng “talk business” được hết, chả kịp xem đàn em có triển khai được không...

L.X.Hải về Việt Nam và đứng trước chọn lựa: đầu quân cho anh Quang cùng trường hay anh Kiên “đầu bạc”. Hải về làm phó cho một ông anh cùng khoa-cũng là một nhân vật rất giỏi giang và đa tài-người này đang làm GĐ một chi nhánh ACB, và thế là số phận đưa đẩy L.X.Hải gặp ông trùm tài chính Kiên “đầu bạc”. Con mắt tinh đời của Kiên sớm nhìn ra những tố chất quản lý tuyệt vời của Hải, và từ 1996 Hải bắt đầu làm việc ở ngân hàng ACB với các chức danh quản lý, nơi anh thể hiện mình rất thành công với khả năng tổ chức, tạo lập niềm tin cho các cổ đông, đối tác...Trong Masan P.T.Hải không cảm thấy hài lòng với việc buôn bán mấy mặt hàng cà chua, dưa chuột bao tử, tương ớt xì dầu từ Việt Nam tại Nga, mà trong những năm 90 ấy bọn Nga giàu lên chóng mặt, có rất nhiều mô hình hấp dẫn Hải “con” hơn nhiều, miễn là có tài tổ chức: công ty đa cấp MMM, những dự án dotcom...Mà ở Nga thì Hải không thể giỏi tổ chức như đàn em nhanh nhẹn H.H.Anh, như 😭.Huy –những người đã bứt phá lên rất nhanh trên thương trường xứ Nga- nên anh bắt đầu suy nghĩ về hướng Việt Nam...

Masan trong những năm cuối 90 ấy vẫn tăng trưởng tuy không khỏi chật vật, ở Việt Nam thì đó chỉ là một công ty No Name, ở Nga thì gặp phải cạnh tranh quá mạnh về mỳ, gạo, tương ớt xì dầu từ đồng hương bên Nga, nhất là từ phía Rolllton...H.H.Anh và 😭.Huy mỗi người một công ty làm về xuất nhập khẩu và H.Anh thêm dịch vụ vận tải, Huy thêm phần sản xuất, tất cả khá giống nhau vì cùng trong Masan và sẵn sàng tương trợ nhau cũng như...cạnh tranh với nhau! Chỉ có một điều các công ty Masan này khác biệt với đại đa số những công ty Việt Nam khác: tuy chỉ buôn bán những thứ “dưa cà, mắm muối” nhưng luôn sử dụng những giải pháp IT hiện đại nhất, bảo mật được coi trọng hàng đầu (trong khi thói quen của các “soái” Việt khác là dùng điện thoại cầm tay, một hai cái máy tính, thêm cái máy in, máy fax là thừa đủ rồi...), cùng một chuẩn với Masan trong nước! Sau này các công ty của các “soái” người Việt đều học theo cách làm này của 2 công ty Masan kia, và có lẽ ai càng chú trọng đến IT người đó càng thành công...Ở Việt Nam, tuy đang lúc không hề dễ thở, khác với đại đa số các công ty người Việt khác Quang rất chú trọng đến nguồn nhân lực, không tiếc tiền liên tục mời những chuyên gia cao cấp của các tập đoàn đa quốc gia về giảng dạy, training cho nhân sự của mình. Có lẽ vì thế mà Masan sau này mang tiếng “sính ngoại”, thậm chí nhiều người cứ nhầm tưởng là tập đoàn đa quốc gia...

Vào lúc khó khăn nhất chính là lúc Quang “Masan” thể hiện vai trò nhà tư tưởng, “người cầm lái” của cả nhóm: trước mốc 2000 Quang đặt mục tiêu lập doanh nghiệp tỷ đô vào năm 2010! Đấy không phải là khẩu hiệu suông, mà có kế hoạch triển khai rõ ràng: triển khai 3 hướng kinh doanh sản xuất, chỉ cần 1 hướng thành công rực rỡ thì giới hạn tỷ đô khả thi! Phải nói là chả mấy ai đủ lòng tin vào cái mốc “1 B” đó, vì đó là con số quá kinh khủng dành cho một doanh nghiệp Việt Nam vào thời điểm 2000, thậm chí khi đó thị trường chứng khoán mới chuẩn bị ra đời! 3 hướng đó là: Masan Marts; ITT (EPR-quản trị doanh nghiệp) và Masan Food. Chỉ cần một hướng thành công...

Quang là một nhà tổ chức đúng nghĩa, luôn nghĩ về “sơ đồ”, “mô hình” và tái tổ chức các công ty liên tục, thay đổi cổ đông và hình thức quản lý tài sản cũng chóng mặt. Masan chính thức thành lập 2002 (mặc dù họ kỷ niệm 20 năm thành lập trong năm nay-thế nào cũng có lý cả!), đó là Masan Consumer với doanh thu cả năm chỉ 25 tỷ VND. Khó nhất là tìm được đúng người, Quang đã mời về Masan được “nhà phù thủy” sinh năm 1973 Trương Công Thắng từ tay P&G với chức danh TGD và “nhiệm vụ bất khả thi”: đưa doanh số sau 5 năm đến 2008 lên 500 tỷ VND. Chin-su là một điểm sáng trong phần sản xuất và kinh doanh của Masan trong thời gian sau năm 2000. Để tạo đột phá trên thị trường Nga Masan đã đưa ra một sản phẩm xì dầu với mẫu mã chai lọ hoàn toàn mới, có nét vuông cả ở phần nắp lẫn phần thân chai. Nó mang lại thành công bất ngờ ở Nga, hình dáng cái chai dễ cầm nắm, tên gọi lạ nhưng dễ nhớ này lập tức được bán “cháy hàng”, và sau một thời gian ngắn lại có một quyết định khá táo bạo nữa của Quang: đưa Chin-su ra chiếm lĩnh thị trường trong nước, và sau đó là đưa mỳ ăn liền ra quyết liệt “thi đấu sân nhà”-chiếc bánh thị trường không hề nhỏ ấy cần phải được chia lại! Từ một nhà sản xuất tý hon Masan tuyên chiến thẳng thừng với những “ông lớn” về mỳ: Vifon, Acecook...và về nước chấm, bột nêm như Knorr...Thời điểm cũng khá thuận lợi, vì Quang và H.Anh đã cùng Sơn “Eurowindow” chiếm lĩnh được Techcombank. Trương Công Thắng đã đưa vào mô hình bán hàng khác hẳn: không chấp nhận đại lý nợ tiền hàng, mà đổ rất nhiều chi phí vào marketing (10 triệu USD là con số “không tưởng tượng được” trong thời điểm đó). Thắng đã hoàn thành quá xuất sắc kế hoạch: doanh số 2008 tăng lên không phải 500 tỷ, mà 800 tỷ VND! (và 2008-2013 tăng lên 10000 tỷ!!!)

Hải “con” đã tách hẳn ra khỏi Masan trước đó và là người đầu tiên định hướng về Việt Nam, có lẽ ở Nga đã hết đất “diễn”. Cũng là một người rất nhiều ý tưởng và giỏi về IT Hải triển khai những dự án vừa vừa, mà người Nga đã gặt hái thành công tại Nga như “Trường Xưa” (trang mạng cho những người cùng trường, cùng lớp xưa kia dễ tìm được nhau), đào tạo chứng chỉ kinh doanh BĐS qua mạng, đào tạo kinh doanh mạng online...và quan trọng nhất là “Học làm giàu” từ 2006 với pháp nhân IDT. P.T.Hải về nước khá sớm, quy tụ một số anh em bạn bè nhưng chủ yếu Hải làm là chính, thực hiện những dự định của chính mình...Có lẽ nếu Hải tập trung toàn lực vào làm mạng xã hội (và không phải người Việt, dùng tiếng Anh) thì chúng ta ngày nay đang dùng sản phẩm của Hải chứ không phải Facebook của chàng Mark, xin đừng cười, hoàn toàn có thể đấy, chứ FB vào năm 2004 mới khai sinh và chỉ là một trong hàng ngàn mạng xã hội bé tý, trong việc đó thì Hải đã đi trước Mark! Nhưng làm giàu bằng cách dạy người khác “học làm giàu” lôi cuốn Hải hơn, “đa cấp” nó như một “định mệnh” đối với Hải! Từ một chàng nói năng nhát gừng bỗng đâu Hải thành một diễn giả rất cuốn hút, có thể thao thao bất tuyệt và đi vào lòng người...

Thị trường chứng khoán bước đầu còn bỡ ngỡ bỗng trở thành một kênh kiếm tiền hấp dẫn, các “soái” người Việt ở nước ngoài đều không thể bỏ qua yếu tố này. Nhưng “soái” thì không thể theo đuôi, bỏ tiền vào “cổ”, “chứng” như nhà đầu tư thông thường, mà phải tạo ra sản phẩm, phải dẫn dắt đám đông. Rất nhiều “soái” Đông Âu đã nhao về Việt Nam để không bỏ lỡ thời cơ, nhưng bỏ hẳn thị trường Nga mà quay về giống Quang năm nào thì chỉ có H.H.Anh, 😭.Huy và sau là P.C.Dũng VP Bank vào những năm 2005-2006 ấy. Masan lúc đó ở Việt Nam chỉ còn lại Quang và H.H.Anh, chứ Huy có nguồn đầu tư ngoại khác nên tách ra làm hàng loạt dự án khác, trong đó đình đám nhất là “Đảo Kim cương” ở Thủ Thiêm. Tại sao đồng lòng về Việt Nam, “ngửi” thấy cái gì thì có lẽ chỉ người trong cuộc mới tỏ tường thôi!

Trước đó một trong 3 định hướng của Quang đã kịp nếm mùi thất bại: Masan Marts mở ra hàng loạt tại HCM từ 2001 đến 2004, nhưng không đủ sức để thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, họ vẫn chưa quen vào những cửa hàng nho nhỏ nhưng văn minh kiểu Seven/Eleven này, mà cứ thích ra chợ cơ! Masan Marts thất bại, đóng cửa sáu chục cửa hàng, bây giờ nhìn lại mới thấy đó là do “đi trước thời đại” quá xa, chứ như bây giờ cái gì cũng phải “chuỗi”, mà đã “chuỗi” rồi thì dễ bán có lời lắm, từ “Thế giới di động” cho đến “Món Huế”, “Phở Hùng”...Định hướng thứ hai của Quang là ITT cũng chả mấy tươi sáng, vì Masan Marts thất trận thì còn gì nhiều đâu mà quản lý! Thế là phân công khá rõ ràng, H.H.Anh tập trung vào Techcombank, còn Quang lo định hướng cuối cùng: Masan Food. Những nhãn nước chấm Chin-su, Nam Ngư, Tam Thái Tử...những loại mỳ Omachi “không sợ nóng”, Tiến Vua...làm Masan (nay đã có công ty con Consumer đảm trách) trở thành người chiến thắng trong cuộc đối đầu gay gắt của các ông lớn – vâng, lúc nay Masan đã trở thành một ông lớn...Và tên “Phơ” đi vào dĩ vãng, bây giờ người ta đã quen gọi cái tên Quang “Masan”.

Hải “con” có lẽ kiếm tiền dễ dàng hơn cả. Thuê hẳn cả tầng cao của tòa nhà Chamvit làm văn phòng “xịn” nhất Hà Nội, dạy cả người có tiền lẫn người mơ ước có tiền cách thức làm giàu khá đa dạng, mà ai có dự án, có ý tưởng thì Hải và đội ngũ sẽ giúp để hình thành dự án khả thi và tìm nhà đầu tư. Cũng là một dạng đa cấp nhưng Hải triển khai sớm và “có học” nhất, không giống những tổ chức MLM “nhà quê” khác, chỉ có mỗi một mồi câu là lãi suất. Thông điệp Hải đưa đến cho những kẻ muốn “học làm giàu” là: muốn làm giàu phải học, và học được! Và thông điệp ẩn tiếp theo là: nếu bạn vẫn chưa học được hoặc lười, thì đưa tiền đây chúng tôi sẽ đầu tư hộ cho, bạn chỉ việc ngồi yên mà “học”! Muốn các “học sinh” thấy mình có sản phẩm hải và công ty IDT của mình đã triển khai bán hàng qua mạng từ 2010, sớm hơn Vingroup nhiều năm, một số mặt hàng mua của IDT qua mạng còn rẻ hơn đi chợ. Rồi thông tin đến tai “học sinh” là IDT là đối tác chiến lược của BTA (😭.Huy), là chủ đầu tu vài dự án nghìn tỷ rất tiềm năng. Và cú ngoạn mục là Hải trở thành “vua macca” tự phong với sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành “quê hương của macca thế giới”, với mức đầu tư trồng thử cả nhiều nghìn ha nhưng chẳng ai biết rõ quy mô thế nào, rồi sắp tới Hải trở thành “vua macca thế giới”...Hải trở thành nhà thuyết trình vĩ đại, và các nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi phải nài nỉ, Hải mới chấp nhận vay tiền! Tất nhiên lãi suất cũng phải “ngon lành” 30-60% năm cho nhà đầu tư...

Trong ba người có lẽ L.X.Hải nổi tiếng hơn cả. Anh trở thành Tổng giám đốc ACB, được bầu chọn là “lãnh đạo ngân hàng xuất sắc nhất Việt nam” hai năm 2007 và 2010, nhưng anh luôn hiểu mình vẫn là người làm thuê cho các ông chủ như Kiên “bạc”, như Trần Mộng Hùng, không hề nhận mình là “doanh nhân thành đạt” mặc dù rất xứng đáng...và vũ khí tự bảo vệ tốt nhất cho mình là làm ăn minh bạch, kín kẽ. N.Đ.Quang vẫn trung thành với chiến lược của mình, quyết không “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”, tức là không phân tâm khi nhiều người vớ bẫm khi nhảy vào thị trường BĐS vô cùng sôi động trong những năm ấy. Ngược lại anh một mặt anh tập trung cho hướng phát triển Masan Food, mặt khác anh chuẩn bị kỹ lưỡng cho thương vụ ngoạn mục nhất của đời mình, mà nó có lẽ xứng đáng đi vào mọi giáo trình dạy về kinh tế hiện đại của Việt Nam ngày nay. Quang cho Masan thành lập rất nhiều công ty con, mỗi công ty đều có chức năng, nhiệm vụ, sứ mệnh khá rõ ràng (những ý tưởng bay bổng năm nào của anh Vinh “đen” dưới bàn tay tổ chức xuất sắc lần lượt trở thành hiện thực).

Và thế là 2/11/2009 cổ phiếu Masan chính thức chào sàn! Thời điểm đó dân tình vẫn còn háo hức đầu tư cổ phiếu lắm, chả có nhiều cổ phiếu “rẻ hơn rau” như bay giờ! Nhưng quan trọng nhất, tôi xin dùng chữ “thiên tài” ở đây, đó là định nghĩa thế nào là cổ phiếu MSN! Tin chắc rằng đại đa số những nhà đầu tư nhỏ lẻ, thậm chí cả nhiều chuyên gia nữa, trước đó hay ngày hôm nay cũng không thể giải thích cho gãy gọn “MSN” là gì! Điều đó chỉ có thể hiểu được nếu người ta bỏ công ra đọc “Bản cáo bạch niêm yết lần đầu”của Tập đoàn Masan-nếu hiểu nôm na đó là tất cả mọi giá trị hữu hình và vô hình mà Quang và các cộng sự sở hữu tại thời điểm đó! Một tuyệt phẩm về mặt kinh tế! Và ai đọc rất kỹ thì mới có thể hiểu được MSN được xây dựng lên từ Satec-Quang dùng một công ty nhỏ nhất và “sạch đẹp” của tập đoàn, công ty giao nhận vận tải (forwader)! Đối với người chơi chứng khoán thì đâu có quan trọng, người ta chỉ cần tự hiểu Masan đó là Techcombank, đó là Chin-su, đó là xuất khẩu Việt-Nga...Masan được định giá 4700 tỷ VNĐ.

Nhưng như thế vẫn chưa đủ “nét căng”-Masan đi tiếp một bước cũng đầy bất ngờ và ngoạn mục nữa! Năm 2010 Masan mua lại mỏ wolfram Núi Pháo từ tay Dragon Capital và các cổ đông VIệt khác - chưa cần bàn kỹ về việc mua lại thế nào, làm gì tiếp với nó...cái mà Masan cần và đủ, đó là Núi Pháo được mệnh danh là mỏ wolfram lớn nhất thế giới! Masan bước hẳn vào một lĩnh vực mình chưa hề có chút kinh nghiệm nào và tiềm ẩn đầy rủi ro. Nhưng với những ai đã bỏ công đọc xem MSN là gì thì tất nhiên là hiểu, bản nhạc nào cũng cần có khúc cao trào...”Vua macca thế giới” của P.T.Hải là một khúc cao trào, nhưng thiếu đi mất bản nhạc! Giấc mơ doanh nghiệp “1 B” đã thành hiện thực, tháng 4/2011 tập đoàn đầu tư Kohlberg Kravis Roberts (KKR) ký kết với Masan về việc sẽ mua 10% cổ phần của Masan Consumer với giá 159 triệu USD. Qua thương vụ này, Masan Consumer được định giá gần 1,6 tỷ USD. Quang mạnh tay đẩy mạnh các kế hoạch M&A như những thương vụ “Cám con cò”, Vinacafe, nước khoáng Vĩnh Hảo, Vissan... và thuê những nhân sự nước ngoài chất lượng bậc rất cao.

Nhưng bắt đầu thời điểm khủng hoảng kinh tế cả thế giới lẫn trong nước, và điều này tác động đến mọi doanh nghiệp, mọi kế hoạch của bất cứ ai. Đầu tiên là ngành ngân hàng tài chính, với “đại án bầu Kiên”. Nguyễn Đức Kiên bị bắt 8/2012 và cuối tháng đó khắp nơi râm ran đồn đại là người tiếp theo sẽ là Nguyễn Đăng Quang. Đến mức Quang đang ở Mỹ cũng phải vội về, để xuất hiện trước công chúng cho yên lòng các nhà đầu tư. Nhưng L.X.Hải thì không được may mắn như thế, anh bị bắt sau Kiên ít tháng, cùng với hàng loạt lãnh đạo của ACB - ngân hàng TMCP tốt nhất Việt Nam vào thời điểm ấy. Để “đánh” Kiên có sẵn cớ là “đại án Huyền Như” và nguyên tắc “có thể làm bất cứ việc gì luật pháp không cấm” của Luật Doanh nghiệp mới bị bỏ qua, và cả xã hội đều hiểu người oan ức nhất ở đây là “người làm thuê cao cấp” L.X.Hải, vì với “tội danh” như Hải có thể bỏ tù lãnh đạo của bất cứ ngân hàng thương mại cổ phần nào. Tôi không quên được hình ảnh của L.X.Hải vào phiên tòa sơ thẩm tuyên án, tòa đọc bản án hơn bốn tiếng đồng hồ và cho phép các bị cáo được ngồi, chỉ được nghe thôi chứ làm gì còn điều kiện nói nữa, nhưng riêng L.X.Hải vẫn cố đứng từ đầu đến cuối. Trong bộ áo sọc, đeo kính cận, với cái dáng đứng liêu xiêu của mình Hải như muốn nói với cả xã hội về nỗi oan tày liếp của mình...Sau đó đến phiên phúc thẩm, Kiên và Hải y án, Hải nhận 8 năm tù giam.

Những năm cuối này Masan như con mãnh hổ, vẫn tiếp tục chính sách M&A mở rộng ngành hàng của mình, tận dụng mạng lưới phân phối và điểm bán hàng ít đối thủ nào có được. Năm 2014 Trương Công Thắng bất ngờ từ giã Masan, sau gần 12 năm thành công vang dội (sau đó anh còn giúp “Thế giới di động” được như ta biết ngày nay, rồi nay hình như đã từ bỏ thương trường?!). Masan không theo đuổi kế hoạch thứ hai (EPR) nữa, mà trở thành người sử dụng lớn. Vẫn tiếp nối truyền thống sử dụng công cụ IT hiện đại nhất từ những năm 90, bây giờ mỗi năm Masan tiêu tốn hàng trăm tỷ cho mục đích: biết mọi thông tin về hàng hóa của mình trong real time, dù nằm ở kho hay bất cứ đại lý nào! Một quyết định rất mạnh mẽ nữa là đưa tất cả thông tin lên “đám mây”, dùng Google Amazon Oracle - hiện nay Masan là doanh nghiệp Việt Nam có mức độ hỗ trợ IT tốt nhất! Muốn đạt được mục tiêu một lần nữa Quang lại tìm “người tài”: thuê tài năng trẻ Ng. vừa giỏi IT vừa có tài tổ chức làm điều đó trong 24 tháng với mức lương 18 tỷ (anh đã hoàn thành chỉ sau một năm rưỡi!). Masan thuê FPT Soft làm Games để phục vụ việc marketing và bán hàng (gamification)- một phong cách quản lý và bán hàng còn rất mới đối với Việt nam (dành cho ai muốn tìm hiểu sâu: nôm na là Masan “gây nghiện” cho tất cả các đại lý của mình ở khắp các tỉnh thành, họ sẽ được nhân viên Sales của Masan giúp cho tích hợp mọi thông tin qua những Ups của Masan, qua đó Masan sẽ có được đầy đủ mọi thông tin về hàng hóa của mình!). Chin-su nay chỉ là một nhãn hàng có rất ít đóng góp cho doanh thu tổng thể đã rất lớn của Masan, nhưng nó chính là “bộ mặt” của tập đoàn. Mục tiêu của Masan và Quang trong thời gian này: đưa hàng của Masan đến với thị trường Asean, sân chơi đã mở. Núi Pháo cũng đã lên sàn UpCom, kế hoạch thu xếp tài chính cho những cuộc chơi lớn vẫn thực hiện bài bản."Trong túi" của Masan vẫn còn những con bài lớn vẫn chưa đưa "lên sàn" mà còn đang để dành: Techcombank, Masan Food...

Hải “học làm giàu” âm thầm hơn hai người bạn kia nhiều, nhưng sóng gió rồi cũng đến với anh. Cũng như hình mẫu MMM ở Nga năm xưa, rồi cũng đến lúc những người đóng tiền không nhận được tiền lãi của mình, sơ đồ Ponzi thì vẫn sẽ là Ponzi...Anh bị tạm giam từ 1/2016 vì những cáo buộc của một số nhà đầu tư. Một người rất thông Minh như P.T.Hải thừa hiểu được rằng khó mà kết tội được anh không “làm thật” - vì anh có trồng macca, có đầu tư BĐS, vì nhà đầu tư không hề bị ép buộc phải đầu tư vào IDT của anh. Nhưng điểm yếu duy nhất của anh...à mà thôi, khi chưa bị kết án thì chưa thể nói được gì nhiều.

Còn nhiều lắm những “quân tướng”, “học trò” của P.T.Hải áp dụng những bài học, ý tưởng của Hải chứ không hề dừng lại. EGame (Education Game) là một chương trình của Hải triển khai lỡ dở. APAX English là một mô hình hàng “con cháu” bắt chước ý tưởng của anh, hãy xem tiếp các bước phát triển của nó tiếp nhé các bạn! Đến một lúc nào đó có ai viết lại lịch sử các mô hình “đa cấp” tại Việt Nam thì Hải sẽ có một vị trí đáng buồn nhưng rất trang trọng trong câu chuyện ấy...

3 cuộc đời của ba nhà vật lý từ cùng một mái trường xưa, nay thật khác xa, “một người về đỉnh cao-một người về vực sâu...”. L.X.Hải sau khi thụ án xong đã quay lại con đường kinh doanh. Những nhà lãnh đạo doanh nghiệp tài ba như L.X.Hải rõ ràng Việt Nam ta vẫn thiếu lắm, và còn rất nhiều người bạn sẵn sàng dang tay chờ đón anh. Mới đây nhất thông tin từ báo chí cho biết, hiện đang làm Thành viên HĐQT Coteccons giúp cho mấy tay Kazaktank

P.T.Hải còn phải trải qua những ngày nặng nề nhất ở phía trước, mà nặng nề nhất bao giờ cũng là sự “bất định”, kiếp nạn này một mình anh gánh chịu sẽ còn nặng nề hơn rất nhiều, chỉ mong anh còn thời gian để lại quay về thực hiện những ý tưởng rất không giống ai của mình.

N.Đ.Quang với Masan vẫn trên con đường đến những đỉnh cao mới, nhưng cuộc đời đỉnh cao bao giờ cũng đi liền với những dốc đứng, với những ngã rẽ cuộc đời. Quang cũng hay “talk business” rằng mình cũng đôi ba lần đã cận kề với sự phá sản, nhưng anh không ngại rủi ro, nhất là những rủi ro có thể đo đếm được. Có lẽ Quang may mắn hơn những người anh em kia là có người bạn đời- cô giáo tiếng Nga ở Hà Đông năm nào- mấy chục năm nay luôn chung vai gánh vác, quán xuyến công việc của tập đoàn cùng với chồng.

Dân vật lý là dân cũng rất giỏi tính toán, nhưng lại có cảm nhận về tâm linh, xã hội nhạy bén hơn dân toán, và có lẽ vì thế óc tưởng tượng của họ phong phú hơn. Khi chuyển sang kinh doanh họ linh hoạt hơn dân toán, đầu óc hơn dân văn, dũng cảm hơn dân kinh tế, thông thái hơn dân học luật...

Nhà vật lý vĩ đại Albert Einstein từng nói: “Chỉ có 2 cách sống trên đời: một là coi như chẳng có phép màu nào hết, hai là coi như xung quanh ta tất cả là sự nhiệm màu”. Rõ ràng Einstein đã sống theo cách thứ hai, và ba nhà vật lý cùng khoa trong câu chuyện này có lẽ cũng vậy. Chúc cho họ sẽ hái được “trái ngọt ở cuối con đường” vì câu chuyện của ba nhà vật lý bỏ sang kinh doanh này vẫn còn đang tiếp diễn.

Tác giả: Nam Nguyên/Đông Âu Anh Hùng Truyện

Phần 1: Những người mở đường
Phần 2: (1984-1994) Tuổi trẻ sau cách mạng
Phần 3: Lập thân, Tề Gia,…(1994-2004)
Phần 4: Họ đã kiếm 1 triệu usd đầu tiên như thế nào?
Phần 5: Mì ăn liền cho hàng trăm triệu người
Phần 6: Thế chân kiềng của 3 tỷ phú việt từ mối quan hệ của vingroup, masan và techcombank

Phần 7: Những ông trùm tài chính Việt Nam – nhóm Đông Âu (phần 7): "Bố già' chứng khoán Việt Nam – Nguyễn Duy Hưng Ssi