Theo báo cáo cập nhật vĩ mô mới đây, CTCP Chứng khoán VNDirect đã đưa ra một vài biến số khó đoán có thể tác động tích cực hoặc kém tích cực đến triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam trong năm 2023. Cụ thể, sức hấp dẫn của Việt Nam có còn trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh FDI trong khu vực và lộ trình mở cửa của Trung Quốc liệu có đúng hẹn được xem là những biến số khó đoán.
Biến số #1: Liệu Việt Nam có còn là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư nước ngoài?
Việt Nam đang là một điểm đến hấp dẫn cho các công ty có chiến lược đa dạng hóa “Trung Quốc +1” nhờ chi phí lao động cạnh tranh, vị trí địa lý thuận lợi (gần trung tâm sản xuất ở miền nam Trung Quốc) và ổn định chính trị. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác và khu vực lớn trên thế giới như CPTPP, EVFTA, RCEP...
Nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đặt mục tiêu đầu tư hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam trong thời gian tới, cụ thể như: dây chuyền sản xuất iPhone, IPad của Apple, dây chuyền sản xuất điện thoại của Google (Pixel 7), Xiaomi và Oppo cũng bày tỏ ý định thành lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
VNDirect dự báo vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tăng 10-12% so với cùng kỳ và vốn FDI giải ngân tăng 6-8% so với cùng kỳ trong năm 2023.
Tuy nhiên, VNDirect nhận thấy sự cạnh tranh thu hút FDI giữa các nước trong khu vực ngày càng gay gắt và dường như Việt Nam hiện đang tụt lại phía sau khi không hiện diện trong ngành công nghiệp bán dẫn và xe điện.
Năm 2020, Indonesia ban hành Đạo luật Omnibus là bước ngoặt cho các công ty nước ngoài đang hoạt động hoặc đầu tư vào quốc gia này. Kể từ đó, dòng vốn FDI vào Indonesia đã tăng vọt 10% so với cùng kỳ trong năm 2021 và 46% so với cùng kỳ và lên 31 tỷ USD trong 9 tháng năm 2022. Nếu như trong năm 2021, Việt Nam và Indonesia là hai nước trong khu vực thu hút nhiều vốn FDI nhất. Nếu như Việt Nam đang cố gắng thành trung tâm sản xuất thiết bị điện tử thì Indonesia lại tập trung vào phát triển chuỗi cung ứng xe điện. Tuy nhiên sang năm 2022, Malaysia ghi nhận FDI tăng vọt lên 32 tỷ đô (gấp ~3 lần so với cùng kỳ), đẩy Indonesia (~31 tỷ đô) và Việt Nam (16 tỷ đô) xuống thứ hai và ba.
VNDirect nhận thấy ngành xe điện và bán dẫn đang định hình dòng chảy FDI vào ASEAN. Những sự thay đổi lớn trong hai ngành này bao gồm: nhiều loại hình đầu tư mới xuất hiện, thêm các phân khúc mới trong chuỗi giá trị, mở rộng công suất và tăng cường mạng lưới phân phối trong khu vực. Vì tiềm năng to lớn của hai ngành trong tương lai, các nước trong khu vực đều đã tích cực triển khai nhiều chính sách thu hút FDI trong chuỗi sản xuất này, đồng thời khuyến khích người dân sử dụng xe điện.
Tuy nhiên, VNDirect nhận thấy Việt Nam dường như đang chậm hơn so với các nước khác do không có chính sách thu hút rõ nét, điều này có thể làm giảm sức hấp dẫn của Việt Nam trong việc thu hút FDI trong tương lai.
Biến số #2: Lộ trình mở cửa và phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn đang là một biến số
Tăng trưởng tổng mức bán lẻ của Trung Quốc đã giảm 0,5% so với cùng kỳ trong tháng 10/2022 từ mức tăng tăng 2,5% so với cùng kỳ trong tháng 9/2022 trong bối cảnh các thành phố lớn liên tục bị phong tỏa do COVID-19. Tăng trưởng lĩnh vực sản xuất giảm nhẹ từ mức 6,3% trong tháng 9 xuống còn 5,0% trong tháng 10 do gián đoạn chuỗi cung ứng liên tỉnh. Rủi ro vỡ nợ của các nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn về tài chính vẫn đang ở mức cao. Giá nhà đã giảm 13 tháng liên tiếp. Doanh số ký bán của các doanh nghiệp bất động sản lớn đã giảm 33,7% so với đầu năm.
Trước diễn biến kinh tế kém khả quan, Chính phủ Trung Quốc đã công bố một số chính sách mới nhằm giúp tổng vốn đầu tư công tăng lên hơn 7 nghìn tỷ NDT (khoảng 1 nghìn tỷ USD) trong năm 2022. Khoản vốn này dự kiến sẽ thúc đẩy hoạt động xây dựng trong quý 4/2022 và cả trong năm 2023. Chính phủ Trung Quốc cũng đã ban hành “chính sách 16 điểm” nhằm giải cứu thị trường BĐS đang lâm vào khó khăn. Các khoản vay của nhà phát triển bất động sản đáo hạn trong vòng 6 tháng tới sẽ được gia hạn thêm một năm. Chính quyền cũng kêu gọi các định chế tài chính cung cấp hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở có chất lượng tốt và rủi ro vỡ nợ có thể kiểm soát được.
Trung Quốc có khả năng tăng trưởng chậm lại trong nửa đầu năm 2023 do kế hoạch mở cửa trở lại vào tháng 1/2023 có khả năng làm số ca nhiễm Covid-19 gia tăng, kéo theo xu hướng mở cửa thận trọng hơn. Tuy nhiên tăng trưởng có thể tăng mạnh trong nửa cuối năm 2023 khi quá trình mở cửa trở lại được thúc đẩy sau khi số ca nhiễm mới được kiểm soát.
VNDirect giữ quan điểm thận trọng về triển vọng trong dài hạn của Trung Quốc do thị trường bất động sản suy thoái cũng như tiềm năng tăng trưởng chậm hơn (phản ánh sự suy yếu trong ngành sản xuất và bất động sản). IMF đã hạ dự báo tăng trưởng nền kinh tế của Trung Quốc năm 2023 xuống 4,4% so với dự báo trước đó là 4,6%.
VNDirect tin rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ là một cú hích lớn cho ngành du lịch Việt Nam, vì du khách Trung Quốc chiếm hơn 30% lượng khách nước ngoài đến Việt Nam trong năm 2019 (trước dịch COVID-19). Theo đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, dịch vụ lưu trú ăn uống và hàng không sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi của lượng khách du lịch từ Trung Quốc. Việc giao thương qua biên giới hai nước dễ dàng hơn cũng sẽ hỗ trợ xuất khẩu nông sản Việt Nam. Cụ thể, xuất khẩu cao su, gạo, rau quả, thủy sản, gỗ & sản phẩm gỗ sang thị trường Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ xu hướng chi phí vận chuyển giảm và nhu cầu gia tăng từ thị trường Trung Quốc.
Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng góp phần ổn định chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho lĩnh vực sản xuất của Việt Nam, nhất là ngành điện tử & linh kiện, máy móc thiết bị và dệt may.