Nhân sự trong ngành F&B hầu như là một “nỗi nhức nhối” của bất kỳ chủ quán F&B nào… Tại sao nhân sự lại ra vào liên tục? Tại sao các em lại vô kỷ luật? Tại sao và tại sao?

F&B bản chất là một nhánh của ngành Hospitality. Mà hospitality cuối cùng là câu chuyện của con người... Nhân sự F&B là cửa ải nhiều cung bậc nhưng chủ quán nào rồi cũng sẽ phải trải qua…

1. THAY ĐỔI TỪ NGƯỜI CHỦ

Nhân sự có kém, có vô kỷ luật, có củ chuối đến mức nào đi chăng nữa thì cuối cùng đó vẫn là nhân sự của BẠN và theo một góc nhìn nào đó thì Nhân sự chính là tấm gương phản ánh của người chủ…

Đối với mình, chủ quán cần phải có tối thiểu hai thứ sau: Tư duy và Kỹ năng.

Về mặt tư duy, hãy coi nhân viên là người đồng hành. Có người lên, có người xuống, đi cùng nhau chặng dài chặng ngắn là do nhiều yếu tố nhưng vị thế của họ phải được đặt đúng chỗ, là người đồng hành: cùng với người chủ vun đắp giá trị cho quán và chuyển giao giá trị sản phẩm của quán đến với khách hàng. Ngành F&B sản phẩm không chỉ đơn giản là món, nó còn là dịch vụ đi kèm. Mà dịch vụ đi kèm sẽ được mang lại chủ yếu bởi nhân vieien. Nếu bạn coi nhân viên là chỉ đơn thuần là người làm công ăn lương, dịch vụ đi kèm chắc chắn sẽ kém và khi đó thì những Tầm nhìn – Sứ mệnh – Giá trị cốt lõi chỉ nói để cho vui mà thôi…

Về mặt kỹ năng, mình luôn khuyến khích chủ quán sẽ là người có thể làm được tất cả mọi việc trong quán. Bạn có thể không phải là người pha chế giỏi nhất nhưng ít nhất cũng phải biết pha chế. Bạn có thể nấu ăn không ngon bằng đầu bếp nhưng bạn nên biết làm các món trên menu của mình. Mình đã từng chứng kiến có những chủ quán khóc bởi vì đội bếp bỏ đi trong ngày khai trương. Khi chủ quán biết làm đồ, ngoài việc không “sợ” nhân viên, bạn có thể làm cùng, hỗ trợ nhân viên khi cần và từ đó có thêm sự đồng cảm và tôn trọng từ nhân viên. Tiếng Anh có câu: “You are not in my shoes” hàm ý bạn làm việc thì bạn mới hiểu việc và thấu cảm tình cảnh của người khác được

nhan-su-fandb-cuoi-cung-la-dieu-gi-1743607799.jpg
 

2. THAY ĐỔI TỪ QUY TRÌNH

Người chủ có Tư duy đúng và Kỹ năng đúng rồi nhưng đó chỉ là bước khởi đầu. Đôi khi bạn đã nỗ lực hết mức, nhân viên cũng đã nỗ lực hết mức nhưng vẫn sai sai ở đâu đó… Khi đó, hãy xem lại quy trình…

Kiểm soát con người rất khó, tâm lý nhân sự rất khó nắm bắt… Thứ tốt hơn chúng ta nên kiểm soát, đó là quy trình. Tuy nhiên điều thường thấy, đó là mọi người thường hay đi xin bộ quy trình, kiếm các form biểu mẫu và tưởng rằng đã nắm bí kíp trong tay. Không đơn giản vậy. Quy trình là vật chết, con người là vật sống. Bạn có thể xin quy trình ở đâu đó nhưng tuyệt đối hãy nhớ đó chỉ là tham khảo. Bạn phải biến hóa, thêm bớt và đưa quy trình đó khớp với quán của mình. Tư duy làm quy trình nằm ở 5 điều: Đơn giản hóa, hợp lý hóa, văn bản hóa, hình ảnh hóa, video hóa… Trong suốt mấy năm vừa rồi, mình đã tham gia chỉnh sửa nhiều quy trình và phần lớn trong thời gian đó, việc làm của mình là bỏ bớt những điều rắc rối, phức tạp và tối nghĩa trong quy trình của các quán… Đơn giản để thực thi, đơn giản để nhân bản

Có được quy trình chuẩn rồi nhưng đó chỉ là một chặng, làm sao để quy trình đó đi vào được việc vận hành hàng ngày, làm sao để truyền thông để nhân sự đồng thuận, giám sát để nhân sự làm theo, kỷ cương để quy trình và nhân sự đi cùng với nhau nhịp nhàng và đường dài mới là đoạn khó. Hành trình kiểm soát vận hành đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỷ mỷ và kiên định vô cùng…

3. HIỂU BẢN THÂN, HIỂU NHÂN SỰ

Quan sát cá nhân thì mình thấy những người quản lý giỏi thường là những người thấu hiển bản thân mình một cách sâu sắc. Sự thấu hiểu bản thân tạo thành động lực nội tại bên trong con người. Động lực bên trong mạnh mẽ lan tỏa năng lượng và thu hút và ảnh hưởng lên nhân sự khác.

Có một thực tế, đó là 1. Phần lớn nhân sự ngành F&B sẽ coi đây là công việc part-time 2. Lương trả cho nhân sự ngành F&B không cao so với những ngành khác 3. Tốc độ quay vòng ra vào của nhân sự ngành F&B luôn thuộc top so với ngành khác. Vậy làm cách nào để có thể khiến nhân sự gắn bó hơn? Không có gì khác ngoài việc thấu hiểu và thấu cảm đối với nhân sự.

Bản chất cuối cùng khi đào rất rất sâu thì chủ quán hay nhân sự cũng không khác nhau nhiều về mặt động lực trong đó có một số động lực chính 1. Thu nhập 2. Hiểu ý nghĩa việc mình làm 3. Tạo sự thăng tiến trong công việc 4. Gia tăng kiến thức và năng lực… Vậy nên lương sẽ chỉ là một phần trong động lực làm việc của nhân viên, để giữ được nhân sự lâu dài trong công việc và để họ làm tốt công việc của mình, nhân viên cần phải biết được ý nghĩa công việc của mình đang làm là gì? Chủ quán cũng cần phải có lộ trình để nhân viên có thể có được sự thăng tiến, để họ thấy được bức tranh tương lai nếu họ gắn kết với nghề và tạo thêm các cơ hội để nhân viên học hỏi, gia tăng kỹ năng, từ đó gia tăng thêm thu nhập và tạo thành được những nhân sự cứng mà mình hay gọi là những nhân sự libero. Khi có nhiều nhân sự libero, khi đó chủ quán có thể yên tâm giao việc và thực sự được “giải phóng lãnh đạo”

Nhân sự ngành F&B luôn là một bài toán không dễ có lời giải nhưng ba đầu mục trên sẽ là những bước khởi đầu để bạn tạo dựng một đội ngũ nhân sự mạnh mẽ… Hành trình đó bắt đầu từ lắng nghe để thấu hiểu bản thân, từ đó lắng nghe để thấu hiểu nhân sự, những người bạn đồng hành của mình

www.facebook.com/TungPiz/posts/

Theo Hoàng Tùng