Tín Hiệu Mới Cho Nhà Ở Xã Hội
Mới đây nhất, Bộ Xây dựng đề xuất gói 110.000 tỷ cho vay phát triển nhà ở xã hội qua các ngân hàng thương mại. Đề xuất này được kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và Bộ Xây dựng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính phối hợp để xây dựng chi tiết hơn.
Nội dung cụ thể là gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng sẽ được cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà cho công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn. Dù việc phân bổ gói tín dụng chưa được đề cập nhưng theo Bộ Xây dựng, gói 110.000 tỷ đồng sẽ giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013-2016 khi thị trường gặp khó khăn.
Chính phủ và các cơ quan ban ngành đang có động thái mạnh mẽ nhằm thúc đẩy nhà ở xã hội phát triển
Chưa dừng ở đó, cuối tháng 1, ngay khi kì nghỉ Tết Nguyên đán vừa kết thúc, tại tờ trình số 10/TTr-BXD ngày 29/01/2023 về xây dựng Nghị quyết, Bộ Xây dựng cũng đề xuất với Thủ tướng các chính sách thí điểm nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, gồm Hình thức giao đất thực hiện dự án nhà ở xã hội; Quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội; lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; ưu đãi chủ đầu tư; xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội và đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách.
Thông tin tích cực thúc đẩy nhà ở xã hội không chỉ bó hẹp trong động thái của Bộ Xây dựng mà đầu tháng 2/2023, tại Hội nghị giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thủ tướng đã yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, đề xuất dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, chồng chéo, khoảng trống pháp luật trong thời gian chưa sửa các luật liên quan.
Ngoài ra, dù tín dụng ngân hàng bị siết nhưng Nghị quyết 156/NQ-CP Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chỉ đạo các tổ chức tín dụng khẩn trương xem xét ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả, có khả năng trả nợ, đáp ứng các quy định của pháp luật.
“Khúc Mắc” Của Nhà Ở Xã Hội
Nhìn nhận về sự thiếu hụt nguồn cung trầm trọng của nhà ở xã hội và nhà giá rẻ trong những năm qua, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu Hà Nội đã đưa ra những giải pháp cụ thể để thúc đẩy phân khúc này. Theo bà, nguồn cung chỉ có thể được tháo gỡ và tăng trưởng khi đi cùng các giải pháp tổng thể, mang tính chiến lược và dài hạn.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ nhằm “tháo gỡ” nguồn cung nhà ở xã hội
Giải pháp thứ nhất là những vướng mắc về pháp lý cần được tháo gỡ. Khung pháp lý chưa được hoàn thiện là một trong những nguyên nhân khiến nguồn cung thiếu hụt trầm trọng. Vào năm 2024, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được thông qua, tình hình nguồn cung nhà giá rẻ có thể được cải thiện nhiều hơn khi khung pháp lý đã hoàn thiện hóa.
Cốt lõi của vấn đề đối với dự án căn hộ vừa túi tiền là cần có cơ chế thúc đẩy, tháo gỡ riêng để chủ đầu tư có động lực làm. Nếu thấy được lợi nhuận kỳ vọng phù hợp với chi phí đầu tư và công sức bỏ ra, chủ đầu tư sẽ tham gia vào thị trường. Chủ đầu tư cần đưa ra sản phẩm có tổng giá thành vừa túi tiền hơn, cần tính toán kỹ càng để có chi phí đầu ra phù hợp.
Một giải pháp quan trọng khác thúc đẩy nhà giá rẻ là cần linh hoạt trong giải pháp thanh toán. Hiện tại các kênh huy động vốn của chủ đầu tư đang rất thách thức: việc tiếp cận tín dụng khó khăn, lãi suất huy động cao. Cùng với đó, động thái chấn chỉnh thị trường trái phiếu khiến nguồn vốn huy động của doanh nghiệp đứt gãy.
Bà Hằng cho rằng bên cạnh cách thức truyền thống, các chủ đầu tư cần linh hoạt hơn trong chính sách bán hàng để không phụ thuộc quá nhiều vào các kênh bên ngoài. Chủ đầu tư có thể đưa ra các phương pháp thanh toán linh hoạt.
Ví dụ như những chính sách khuyến khích người mua đối với việc thanh toán nhanh, người mua có thể thanh toán đến 95% với tỷ lệ chiết khấu giảm giá từ chủ đầu tư. Đây gần như là một việc chung tay giúp thị trường phục hồi theo góc độ khắc phục những điểm chưa thể tốt ngay trong thời điểm hiện nay.
Ngoài ra, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài cũng là một giải pháp có thể xem xét. Chủ đầu tư có thể cân nhắc các cơ hội hợp tác đầu tư với những doanh nghiệp có nguồn lực tài chính, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản đến từ Nhật Bản, Singapore hay Hàn Quốc… Nhóm doanh nghiệp nước ngoài đều sẵn sàng hợp tác đầu tư trong điều kiện dự án có cơ sở pháp lý tốt.
Kết hợp với các điều kiện pháp lý hoàn thiện, nguồn vốn nước ngoài đến từ các chủ đầu tư nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài có thể mang đến những tín hiệu tích cực hơn cho thị trường nhà giá rẻ trong năm 2024 và 2025.
Theo Đại Trường Sơn để nhận được nhiều tin tức Bất động sản cập nhật thường xuyên !
Nguồn: https://by.com.vn/x1w3n