Hiện tại, Việt Nam có 19,400 triệu phú và 58 người có 100 triệu USD trở lên. Các nhà phân tích kết luận, “Việt Nam đang giàu lên nhanh nhất thế giới.”

Nhận xét đó hoàn toàn đúng. Nếu là một người sinh ra từ thập niên 1980 trở xuống, chứng kiến sự phát triển của đất nước, nó sẽ giống như ngày và đêm.

Nhưng nếu chỉ dựa vào giá trị tài sản để đánh giá thì sẽ là một thiếu sót. Lấy ví dụ sau đây.

Có 2 người:

- Một người có tài sản 1 triệu đô, nhưng thu nhập chỉ 4,000 đô. Nếu mất trắng, người đó phải mất 250 năm mới lấy lại được.

- Một người vô sản, nhưng thu nhập 50,000 đô. Người đó chỉ phải mất 20 năm để kiếm được 1 triệu đô.

Ai là người giàu hơn?

Giá trị tài sản chỉ cho thấy bạn sở hữu gì. Nó có thể là căn nhà mặt tiền thừa kế từ cha mẹ. Ở một thành phố lớn như Sài Gòn, chỉ cần sở hữu một căn nhà, bạn là một triệu phú trên giấy tờ.

Vấn đề là gì?

- Nó không hề cho thấy nguồn gốc của tài sản, bạn có tài năng gì, và hiệu suất làm việc bao nhiêu.

- Giá trị chỉ là giả định trên giấy. Nếu tất cả bán cùng một lúc thì giá cả sẽ sụp đổ.

- Khi giá bất động sản được bơm thổi, giá cả được tăng lên hàng chục lần. Đó chỉ là sự lạm phát chứ không phải là thịnh vượng.

- Tỷ lệ người như vậy là bao nhiêu? 19,400 là con số lớn, nhưng nếu chia bằng 100 triệu thì sẽ thành 0.0194%. Còn 99.99% dân số còn lại đang sở hữu bao nhiêu và giàu ra sao?

Ngược lại, một người trắng tay nhưng với năng suất cao, sẽ tạo ra của cải nhiều hơn một người có tài sản nhưng năng suất thấp.

Khi đo lường hay so sánh sự giàu có giữa các quốc gia, không ai lại dùng tài sản. Chúng ta dùng năng suất lao động, thu nhập bình quân, hay đơn giản là GDP đầu người. Vì nó cho thấy khả năng tái tạo của cải.

Nếu lấy năng suất làm thước đo, tiêu đề “Giàu lên nhanh nhất” lại biến thành “Hạng 123 về GDP bình quân đầu người.”

Đó là sự khác biệt giữa giá tài sản và năng suất. Một cái dễ dàng nói dối bằng thống kê, còn cái còn lại thì không.