Khi nào nên là tấm khiên, khi nào nên lùi lại?
“Người sáng lập là người đặt viên gạch đầu tiên, nhưng không nhất thiết phải là người xây mọi tầng tiếp theo.”
1. TỪ LINH HỒN THÀNH GIỚI HẠN
Trong những ngày đầu, người sáng lập thường là người làm tất cả mọi thứ: bán hàng, chăm khách, thuê người, phát triển sản phẩm, xử lý khủng hoảng…
Không có họ, công ty không tồn tại.
Nhưng khi tổ chức lớn lên, vấn đề bắt đầu xuất hiện.
Người sáng lập từng là Động cơ, nhưng nếu không thay đổi, rất dễ làm mất Động lực.
2. CHE CHẮN LÀ CẦN THIẾT, NHẤT LÀ LÚC ĐẦU
Khi công ty còn non trẻ, tổn thương và mong manh, vai trò người sáng lập như một “tấm khiên”:
- Họ chịu trách nhiệm trước khách hàng, nhà đầu tư, thị trường.
- Họ bảo vệ đội ngũ non trẻ khỏi áp lực bên ngoài.
- Họ là điểm tựa tinh thần và là nơi tập trung niềm tin.
Che chắn là đúng, nhưng chỉ đúng trong một giai đoạn.
Nếu tiếp tục “che mãi”, tổ chức không bao giờ trưởng thành được.
3. KHI NÀO VAI TRÒ BẮT ĐẦU THÀNH… CHE LẤP?
Dưới đây là những dấu hiệu điển hình:
- Nhân sự không dám quyết, vì sợ “sếp không đồng ý”.
- Các quản lý cấp trung trở thành “cái bóng”, không được tin, không được giao quyền.
- Mọi thứ đều phải “qua sếp mới duyệt”.
- Sếp luôn đúng, luôn giỏi nhất, và không ai thay thế được.
Nguy hiểm không nằm ở chỗ người sáng lập “quá mạnh” mà ở chỗ họ không nhận ra tổ chức đã cần mình ở một vai trò khác.
Bạn có nhận thấy dấu hiệu Che lấp nào trong doanh nghiệp của mình hiện tại hay không?
4. LÙI MỘT BƯỚC, ĐỂ TỔ CHỨC TIẾN BA BƯỚC
Người sáng lập giỏi không phải là người làm mãi, mà là người dạy được người khác làm tốt hơn mình.
- Thay vì giữ quyền, hãy xây cơ chế kiểm soát.
- Thay vì là người giỏi nhất, hãy nuôi những người giỏi hơn.
- Thay vì làm trung tâm, hãy làm nền để đội ngũ tỏa sáng.
Công ty không lớn vì người sáng lập giỏi, mà vì người sáng lập biết rút lui đúng lúc để hệ thống tự vận hành.
5. NHƯNG TẠI SAO LÙI LẠI KHÔNG DỄ?
Không phải người sáng lập nào cũng sẵn sàng buông tay, và điều đó không hẳn là vì họ ích kỷ hay thiếu tầm nhìn. Có những lý do sâu xa khiến việc “lùi lại” trở thành một thử thách lớn:
- Sợ mất kiểm soát: Công ty là “đứa con tinh thần” của họ, được xây dựng từ mồ hôi, nước mắt và những đêm không ngủ. Giao phó nó cho người khác giống như trao một phần cuộc đời mình vào tay kẻ khác, điều này đòi hỏi lòng tin khổng lồ mà không phải ai cũng có ngay.
- Lo tổ chức sụp đổ: Họ tin rằng mình là “linh hồn” duy nhất giữ mọi thứ gắn kết. “Nếu tôi không ở đây, ai sẽ định hướng? Ai sẽ xử lý khủng hoảng?”, nỗi sợ này khiến họ ôm đồm, dù biết tổ chức cần trưởng thành.
- Gắn bó cá nhân quá sâu: Với nhiều người sáng lập, công ty không chỉ là sự nghiệp mà còn là danh tính, là giấc mơ họ sống mỗi ngày. Rút lui đồng nghĩa với việc từ bỏ một phần bản thân – điều không hề đơn giản về mặt cảm xúc.
- Thiếu người kế nhiệm đủ tầm: Đôi khi không phải họ không muốn lùi, mà vì chưa tìm được ai đủ năng lực thay thế. Nuôi dưỡng một đội ngũ giỏi hơn mình là lý tưởng, nhưng thực tế không phải lúc nào cũng có sẵn “ngôi sao” để trao quyền.
Vì vậy, “lùi lại” không chỉ là quyết định chiến lược, mà còn là một cuộc chiến nội tâm. Người sáng lập cần vượt qua chính mình trước khi có thể giúp tổ chức tiến xa hơn.

6. CASE STUDY: Phạm Nhật Vượng – Xuất lúc cần, lui khi xong
Trong thế giới kinh doanh Việt Nam hiện đại, anh Phạm Nhật Vượng là hình mẫu hiếm hoi của một người sáng lập biết “lùi” không phải vì yếu, mà vì… đã xong vai.
Anh Vượng không hiện diện mỗi ngày. Nhưng khi công ty ở giai đoạn then chốt, tái cấu trúc Vingroup, chuyển đổi sang công nghệ, hoặc ra mắt VinFast toàn cầu, anh luôn là người đứng mũi chịu sào.
Và rồi khi hệ thống đã vận hành, người kế nhiệm đủ năng lực, anh lại rút lui, để tập trung vào những trận chiến mới, từ VinFast sang VMI, từ xe điện sang AI và hạ tầng năng lượng…
“Xuất hiện nơi cần, và lui lại khi tổ chức đã đủ mạnh.”
Đó không chỉ là chiến lược, mà là một đẳng cấp của tư duy lãnh đạo.
Trong giai đoạn VinFast IPO, anh đích thân đứng ra làm người “chống đỡ” truyền thông quốc tế, dẫn dắt sứ mệnh thương hiệu. Nhưng sau đó, anh trao quyền cho các CEO chuyên nghiệp điều hành từng mảng, từng quốc gia.
Không ôm, không giữ ánh đèn, không ràng buộc vai trò cá nhân với tầm vóc tổ chức.
Vì hình như với anh, mục tiêu không phải là “mình có mặt ở mọi nơi”, mà là “mọi thứ tiến về phía trước, kể cả khi mình không còn ở đó.”
7. VÀ ĐÔI KHI… LÙI CHÍNH LÀ BIẾN MẤT
Có những người sáng lập chọn rời vị trí CEO khi biết mình không còn phù hợp:
- Elon Musk rút dần khỏi vai trò CEO của Tesla Energy bằng cách chuyển bớt quyền cho đội ngũ.
- Jack Ma rời vị trí điều hành Alibaba khi đến giai đoạn cần người khác phát triển hệ sinh thái.
- Travis Kalanick buộc phải khỏi Uber vì cái bóng quá lớn khiến tổ chức không thể điều chỉnh văn hoá.
Lùi không có nghĩa là bỏ cuộc!
Lùi là để tổ chức có thể tự đứng vững, thậm chí đi xa hơn cả người sáng lập.
8. BẠN ĐANG CHE CHẮN HAY CHE LẤP?
- Bạn đang là tấm khiên bảo vệ đội ngũ, hay là cái bóng làm họ không thể lớn?
- Bạn đang tạo điều kiện cho người khác toả sáng, hay giữ ánh đèn sân khấu cho riêng mình?
- Bạn đang xây tổ chức vững mạnh, hay chỉ đang nuôi giấc mơ cá nhân?
Lùi một bước không làm bạn nhỏ đi.
Lùi đúng lúc có thể giúp tổ chức vươn lên lớn hơn cả giấc mơ ban đầu của bạn.
Có những người sáng lập nghĩ rằng mình không thể rút lui, vì tổ chức sẽ “rối” nếu không có mình. Nhưng thật ra, tổ chức chỉ trưởng thành khi người sáng lập đủ bản lĩnh để không cần… hiện diện mỗi ngày.
Anh Vượng là một minh chứng sống động cho điều đó.
Lùi không có nghĩa là rút.
Biến mất không có nghĩa là buông bỏ.
Vắng mặt không có nghĩa là thờ ơ.
Mà là một sự trưởng thành về tư duy lãnh đạo, khi cá nhân không còn là trung tâm, mà tổ chức mới là điều quan trọng nhất.
#DrNeo #giaiphapphattrien #doanhnghiepdotpha