fb-img-1687527528292-1687527635.jpg
 

Cộng đồng người Hàn Quốc ở Việt Nam có khoảng 200.000 người. Đây là một cộng đồng không ổn định vì người Hàn sang Việt Nam ít người ở lâu dài. Họ sang đây để làm việc trong các công ty của Hàn Quốc là chính, hết nhiệm kỳ thì họ sẽ về nước.

Các công ty Hàn Quốc ở Việt Nam chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao. Họ sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu sản phẩm đi toàn thế giới. Cũng như nhiều quốc gia khác, họ chọn Việt Nam vì chính sách ưu đãi đầu tư tốt, giá lao động rẻ, chính trị ổn định. 

Và để đảm bảo chất lượng sản phẩm, để giữ bí mật công nghệ, thì các vị trí quản lý hoặc các vị trí quan trọng, đều do người Hàn Quốc đảm nhiệm. Người Việt Nam chúng ta khi làm trong doanh nghiệp Hàn Quốc, chủ yếu là công nhân và các vị trí thấp.

Chính vì sự phân bổ lao động như vậy, nên trong doanh nghiệp, người Hàn nhìn người Việt với một con mắt thiếu tôn trọng, cách cư xử cũng vì thế mà không đủ lịch sự, thậm chí thô lỗ. Buồn hơn là thái độ này không chỉ nằm ở môi trường làm việc, mà còn lan sang cả môi trường sinh sống. 

Người Hàn ở Việt Nam chỉ tôn trọng người Việt Nam có chức sắc hoặc người Việt giàu có. Đứng trước những người Việt như vậy, người Hàn vô cùng nhã nhặn, thậm chí còn có phần tỏ ra rất nhún nhường. Nhưng nếu đứng trước trẻ em, hay những người bình thường, thì họ sẽ mang luôn thái độ trong môi trường làm việc ra để ứng xử.

Con gái tôi kể rằng: "Con đi ra khỏi thang máy, con mở cửa ở sảnh cho một cô Hàn Quốc, cô ấy chẳng nói gì mà còn nhìn nhìn con!"

Tôi không nói người Hàn xấu, vì môi trường làm việc và sự phân bố lao động đã làm cho họ nhìn và ứng xử đối với người Việt như thế. Để thay đổi điều này, cách duy nhất là người Việt chúng ta phải nâng cao giá trị của chính mình.

Thu hút FDI là cần thiết, nhưng không phải là yếu tố quyết định. Nhìn từ nhiều năm trước, cái FDI giải quyết được nhiều nhất, chỉ là tạo việc làm cho lao động thông thường. Thuế và lợi tức cho Việt Nam không có được là mấy. Vì vậy các lãnh đạo địa phương cũng chẳng nên quá tự hào khi địa phương mình có nhiều dự án FDI. Cũng đừng quá ưu tiên doanh nghiệp FDI để họ tưởng họ là Vua, là Chúa. 

Doanh nghiệp FDI ngoài tạo ra một số việc làm thì cũng chỉ mang theo một chút giá trị về truyền thông. Còn tạo ra nhiều việc làm thực sự, đóng góp ngân sách xứng đáng, chung tay cùng địa phương trong nhiều vấn đề, thậm chí chăm sóc tận tình các cơ quan ban ngành, chính là các doanh nghiệp Việt Nam.

Vậy tại sao chúng ta không coi trọng doanh nghiệp trong nước như coi trọng doanh nghiệp nước ngoài?

Tại sao doanh nghiệp nước ngoài đến trụ sở là tiếp, là giải quyết nhanh mà doanh nghiệp trong nước không được ứng xử như thế?

Khi ngưởi nước ngoài nhìn thấy người Việt không coi trọng nhau, thì cũng chẳng có lý do gì để họ phải coi trọng người Việt. Tôn nghiêm của người Việt chính là ứng xử của người Việt mà tạo nên, và bắt đầu của điều đấy lại chính là từ trụ sở.

 

P/s: tôi thích tấm ảnh này cho dù đó chỉ là hành động mang tính ngoại giao.