Khu đô thị Nam Đà Lạt nằm trên địa phận một phần xã Phú Hội, Tà Hine, Ninh Loan và Ninh Gia, thuộc huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Diện tích toàn khu 3,446ha (gồm 1,432.5ha diện tích đất và 2,013.4ha diện tích mặt nước).
Tại đây được quy hoạch làm nhiều phân khu chức năng như khu dân cư trú đông ASIAN (Lavender Bay, khu A) diện tích gần 27.1ha với dân số 1,354 người; khu biệt thự mùa hè (Summer, khu B) quy mô 308.6ha với dân số 2,009 người; khu nghỉ dưỡng (Paradise Island, khu C) 184ha với dân số 1,330 người; khu đô thị trung tâm (Davos Hills, khu D) 266.2ha dân số 6,550 người; khu công viên cây xanh, vườn hoa (Flower Palace, khu E) 638.9ha với dân số 1,928 người.
Mục tiêu dự án khi được phê duyệt quy hoạch là đầu tư thành một khu dân cư - đô thị cao cấp, hiện đại, sinh thái; kết hợp các chức năng tham quan du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, dịch vụ tổng hợp, nghiên cứu học tập, trung tâm nuôi trồng đa dạng sinh học, bảo tồn phát triển diện tích rừng tự nhiên.
Sài Gòn Đại Ninh được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2010 với tổng vốn đầu tư hơn 25 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện, dự án chậm tiến độ.
Vào tháng 06/2020, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra, đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với dự án khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh. Tuy nhiên một năm sau, tháng 07/2021, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận về việc sửa đổi một số nội dung thanh tra hồi tháng 06/2020, trong đó liên quan đến dự án Nam Đà Lạt do Sài Gòn Đại Ninh làm chủ đầu tư. Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng căn cứ thẩm quyền, hướng dẫn công ty thực hiện thủ tục giãn tiến độ, điều chỉnh dự án theo Luật Đầu tư 2014, gia hạn sử dụng đất theo Luật Đất đai 2013, yêu cầu hoàn thành dự án theo đúng cam kết; khẩn trương triển khai đầu tư theo quy mô đã được phê duyệt.
Những ai đứng sau Sài Gòn Đại Ninh
Sài Gòn Đại Ninh được thành lập vào tháng 01/2010; trụ sở đặt tại số 2/8 Phạm Hồng Thái, phường 10, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Người đại diện theo pháp luật là bà Phan Thị Hoa (thường trú tại TPHCM). Vốn điều lệ ban đầu 600 tỷ đồng; các cổ đông sáng lập gồm Công ty TNHH Xây dựng Kinh doanh Nhà ở Phương Nam nắm 85%, bà Đào Thúy Hằng 5%, ông Phan Văn Đức 5%, ông Hoàng Văn Thọ 2%, ông Trần Tấn Công 1%, ông Nguyễn Đình Tùng 1%, ông Nguyễn Văn Lam 0.5%, ông Trần Hồng Thắng 0.5%.
Vào tháng 08/2016, bà Phan Thị Hoa giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật, đồng thời toàn bộ phần vốn của Nhà ở Phương Nam đều được chuyển cho bà Hoa sở hữu; các cổ đông sáng lập còn lại giữ nguyên cơ cấu. Tháng 10/2017, Công ty nâng vốn lên 2,000 tỷ đồng; bà Hoa cũng tăng tỷ lệ nắm giữ lên 88.5%, Đào Thúy Hằng giữ nguyên 5%, ông Phan Văn Đức 5%; các cổ đông khác giảm sở hữu gồm ông Hoàng Văn Thọ còn 0.6%, ông Trần Tấn Công 0.3%, ông Nguyễn Đình Tùng 0.3%, ông Nguyễn Văn Lam 0.15%, ông Trần Hồng Thắng 0.15%.
Tháng 01/2021, cũng là thời gian dự án Nam Đà Lạt trải qua đợt thanh tra, ông Nguyễn Cao Trí ngồi vào ghế Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Sài Gòn Đại Ninh. Tháng 11/2022, ngoài ông Trí, Công ty bổ sung thêm người đại diện pháp luật là ông Hoàng Thanh Bách (sinh năm 1985) - giữ chức Giám đốc điều hành Sài Gòn Đại Ninh.
Được biết, ông Hoàng Thanh Bách từng làm Phó Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của CTCP Tập đoàn Capella - doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi của ông Nguyễn Cao Trí. Ngoài ra, ông Bách còn là cổ đông sáng lập và Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật CTCP Tal Hospitality - F&B Entertainment Group; hoạt động trong mảng nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động; vốn điều lệ 235.3 tỷ đồng với các cổ đông sáng lập gồm CTCP Capella Entertainment nắm 50.5%, CTCP RW Consultant Hospitality Management 49% và ông Bách 0.5%. Tháng 02/2023 vừa qua, công ty này thay đổi người đại diện pháp luật sang ông Dương Đình Lai.
Bà Phan Thị Hoa, giữ chức Chủ tịch HĐQT khi công ty bắt đầu đầu tư dự án. Dù không có tên trong danh sách cổ đông sáng lập, bà Hoa là người đứng sau cổ đông lớn nhất của Sài Gòn Đại Ninh - Công ty TNHH Xây dựng Kinh doanh Nhà ở Phương Nam (gọi tắt là Nhà ở Phương Nam).
Nhà ở Phương Nam thành lập vào năm 1993, trụ sở tại quận 7, TPHCM. Bà Hoa giữ chức Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty và cũng là cổ đông lớn nhất. Theo cập nhật đến ngày 26/05/2023, Công ty có vốn điều lệ 540 tỷ đồng; trong đó bà Hoa nắm 92%, bà Đào Thúy Hằng 4%, ông Phan Văn Đức 3% và bà Đào Thúy Uyên 1%.
Bà Hoa còn là chủ sở hữu kiêm Giám đốc và người đại diện pháp luật Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh Lavender Bay, vốn 800 tỷ đồng khi mới thành lập vào tháng 05/2019. Tháng 12/2020, Công ty nâng vốn lên 1,530 tỷ đồng.
Cũng vào giữa năm 2019, tháng 6, Sài Gòn Đại Ninh thành lập Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh Lavender vốn 800 tỷ đồng, địa chỉ trùng với Công ty Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh Lavender Bay nói trên và cũng do bà Hoa làm Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.
Đến khoảng tháng 01/2021, cùng lượt với việc chuyển giao tại Sài Gòn Đại Ninh, cả hai công ty này đều thay chức Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật từ bà Hoa sang ông Nguyễn Cao Đức. Giữa năm 2022, Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh Lavender giảm vốn điều lệ từ 800 còn 100 tỷ đồng. Ông Nguyễn Cao Đức là em trai của ông Nguyễn Cao Trí, đứng tên nhiều doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái liên quan tới ông Trí như Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Bến Thành, CTCP Capella Entertainment, CTCP Địa ốc Bến Thành…
Nguồn: Thu Minh - FILI (Tạp chí Tài chính & Cuộc sống)