Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam - CTCP (SeaProdex – mã chứng khoán SEA) vừa công bố thông tin về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc chi tạm ứng cổ tức năm 2021 bằng tiền tỷ lệ 95%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 9.500 đồng. 

Lý do giúp SeaProdex mạnh tay bất ngờ như vậy là nhờ lãi khủng sau khi nhận khoản doanh thu tài chính 1.240 tỷ đồng trong đó có 1.226 tỷ đồng là cổ tức nhận về từ CTCP Việt Pháp Sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) – đơn vị sở hữu thương hiệu Cám Con Cò nổi tiếng.

Proconco do SeaProdex nắm 22,08% vốn cổ phần từ nhiều năm nay. Chia cổ tức khủng là động thái chưa từng có và bất ngờ diễn ra ngay sau khi Tập đoàn Masan vừa bán đi mảng thức ăn chăn nuôi của mình (gồm Proconco và Anco) cho De Heus của Hà Lan hồi cuối năm 2021.

Công Ty Cổ phần Việt – Pháp Sản xuất Thức ăn gia súc (Proconco) được thành lập năm 1991, tiền thân là công ty liên doanh sản xuất thức ăn chăn nuôi đầu tiên giữa Pháp và Việt Nam với cơ cấu vốn đầu tư ban đầu theo tỷ lệ 51% của Pháp và 49% Việt Nam. Cuối năm 2007, đầu năm 2008, Proconco đã chuyển đổi từ mô hình công ty liên doanh sang công ty cổ phần. Đến tháng 3/2008, CTCP Việt Pháp Sản xuất Gia súc Proconco chính thức ra mắt với số vốn 146 tỷ đồng. Trong báo cáo thường niên 2020 của SeaProdex, Proconco có vốn điều lệ hơn 1.582 tỷ đồng.

Proconco có thương hiệu “Con Cò” là thương hiệu thức ăn chăn nuôi lâu đời nhất và cũng là một trong các thương hiệu cao cấp nhất tại Việt Nam. Tổng công suất sản xuất của Proconco năm 2014 là gần 1,4 triệu tấn.

Nhưng nhắc đến Proconco thì không thể không nhắc đến Tập đoàn Masan và những lần mua đi bán lại.

Masan mua Proconco năm 2012

Ngày 1/10/2012, Công ty Hòa Mười Giờ do Masan Group sở hữu 100% vốn đã thực hiện mua lại 40% cổ phần của Proconco. Tổng giá trị của giao dịch là khoảng 96 triệu USD.

Hoa Mười Giờ sau này được đổi tên thành Masan Agri. Sau khi thương vụ này hoàn tất, Masan Agri được chuyển nhượng cho công ty con của Masan Group là Masan Consumer nắm giữ đồng thời bán lại 49% cổ phần cho Quỹ đầu tư TPG Growth.

Masan đã mua lại số cổ phần trên từ Quỹ đầu tư Prudential Vietnam Assurance Private Ltd và PCA International Funds SPC (đại diện cho Vietnam Segregated Portfolio). Hai tổ chức có liên quan đến Prudential này đã đầu từ vào Proconco từ năm 2008.

 Masan Consumer khi đó cho biết thương vụ mua lại Proconco đặt nền móng để công ty tham gia vào phân khúc thị trường cung cấp chất đạm (thịt, cá, hải sản) đầy hấp dẫn, với tiềm năng tăng trưởng cao trên cơ sở sự gia tăng dân số của Việt Nam và mức đô tiêu thụ đạm trên đầu người ngày càng gia tăng.

 Masan bán Proconco năm 2014

Đến đầu năm 2014, với mục đích giúp tái cấu trúc tập đoàn đơn giản hơn và nhằm để Masan Consumer chỉ tập trung vào ngành thực phẩm và đồ uống, khoản đầu tư vào Masan Agri lại được chuyển nhượng từ Masan Consumer sang cho Masan Group.

Cụ thể, vào tháng 5/2014, Masan Group đã mua lại 51% cổ phần của Masan Agri với tổng giá trị thanh toán là 1.246 tỷ đồng. Đến tháng 12/2014, Masan Group tiếp tục mua 49% cổ phần cổ phần còn lại của Masan Agri với giá 1.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 12, Masan Group đã bán toàn bộ 99,99% cổ phần tại Masan Agri cho một bên thứ 3 với số tiền 3.035 tỷ đồng và Masan Group không còn nắm giữ lợi ích tại Masan Agri cũng như Proconco.

Masan mua lại Proconco năm 2015

Tháng 4/2015, Masan Group công bố đã mua 52% và 70% cổ phần của Công ty Cổ phần Việt – Pháp Sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) và Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco), bằng việc mua 99,99% cổ phần của Công ty TNHH Sam Kim. Tập đoàn sau đó đã đổi tên Công ty này thành Công ty TNHH Masan Nutri-Science.

Như vậy, thông qua việc mua lại Công ty TNHH Sam Kim (Masan Nutri-Science), Masan Group cấu trúc lại sở hữu Proconco với tỷ lệ lớn hơn trước đây, giữ tỷ lệ chi phối (52%). Cùng việc mua thêm Anco, Masan Group đã có trong tay 1 nền tảng lớn trong ngành thức ăn chăn nuôi.

Ngày 23/7/2019, Masan Nutri-Science đổi tên thành Masan MeatLife sau khi chuyển đổi mô hình kinh doanh sản phẩm nông nghiệp sang mô hình kinh doanh thịt đóng gói có thương hiệu phục vụ cho người tiêu dùng với sản phẩm thịt có thương hiệu đầu tiên là MeatLife.

Mảng thức ăn chăn nuôi được MNS Feed – đơn vị thành viên của Masan MEATLife quản lý. Doanh nghiệp này nắm 75% vốn Proconco, 99,99% vốn Anco cùng 100% vốn các công ty thức ăn chăn nuôi khác.

Masan lại chia tay Proconco vào năm 2021

Tháng 9/2021, Masan MEATLife lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về kế hoạch tái cấu trúc bằng việc tách biệt các mảng kinh doanh độc lập, cụ thể là thức ăn chăn nuôi. Điều này cho phép đơn vị chuyển đổi thành nền tảng kinh doanh chỉ tập trung vào thịt có thương hiệu.

Nhưng sau đó, cuối năm 2021, Masan thông báo bán toàn bộ mảng thức ăn chăn nuôi cho De Heus của Hà Lan để tập trung vào chiến lược “Point of Life” với tiềm năng lớn hơn từ mảng tiêu dùng. Sau giao dịch, Masan MeatLife nắm giữ 100% vốn chủ sở hữu của mảng kinh doanh thịt tích hợp (bao gồm Thịt và Trang trại), và 51% vốn chủ sở hữu của 3F VIET (bao gồm Thịt và Trang trại).