Ngày 25-6, một trong những hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc - BYD đã quyết định cắt giảm sản lượng và hoãn các kế hoạch xây dựng dây chuyền sản xuất mới nhằm đối phó với tình trạng dư thừa nguồn cung. Theo các nguồn tin nội bộ, BYD đã huỷ các ca sản xuất ban đêm và giảm ít nhất 1/3 công suất tại một số nhà máy trong nước.
Quyết định này được đưa ra sau thời gian tăng trưởng nóng về doanh số, khi hãng liên tục vượt mặt các đối thủ, trong đó có cả Tesla. Tuy nhiên, việc gia tăng sản lượng vượt xa nhu cầu thực tế đã khiến lượng hàng tồn kho của BYD tăng mạnh. Số liệu từ Hiệp hội Đại lý ô tô Trung Quốc cho thấy, các đại lý của BYD hiện đang nắm giữ lượng hàng tồn kho tương đương 3,21 tháng, cao nhất trong toàn ngành, trong khi mức trung bình chỉ là 1,38 tháng.
Tình trạng “xe lướt 0km” và hệ luỵ thị trường
Không chỉ BYD, nhiều hãng xe khác tại Trung Quốc như Geely, Aion, Neta hay Leapmotor cũng đang đối mặt với áp lực tồn kho nghiêm trọng. Ông Lý Thư Phúc - Chủ tịch Geely mới đây đã tuyên bố dừng xây dựng thêm nhà máy ô tô mới nhằm giảm rủi ro từ công suất dư thừa.
Một trong những hệ quả bất thường của tình trạng này là sự xuất hiện ồ ạt của “xe lướt 0km” trên thị trường. Đây là những mẫu xe chưa từng qua sử dụng nhưng được đăng ký sở hữu và rao bán dưới dạng xe cũ với giá rẻ hơn xe mới. Hình thức này xuất hiện khi các hãng xe liên tục chạy đua doanh số, đẩy hàng về đại lý bất chấp sức mua, buộc đại lý phải “xả hàng” để giảm thiểu áp lực tài chính.
Việc bán xe “lướt 0km” tuy giúp người tiêu dùng sở hữu xe mới với chi phí thấp hơn, nhưng đồng thời khiến xe mới mất giá nhanh, gây rối loạn thị trường, làm giảm lợi nhuận và đe doạ sự tồn tại của các hãng xe nhỏ.
Hàng loạt hãng xe đối mặt khó khăn tài chính
Tình trạng dư thừa kéo dài đã khiến một số hãng xe nhỏ lâm vào cảnh thua lỗ kéo dài. Điển hình là Neta, thương hiệu xe điện thuộc Zhejiang Hozon New Energy Automobile đã báo lỗ khoảng 183 tỷ NDT (hơn 600 nghìn tỷ đồng) trong 3 năm qua, đồng thời gánh khoản nợ hơn 60 tỷ NDT với các nhà cung cấp. Doanh số của hãng giảm mạnh từ 152.000 xe năm 2022 xuống chỉ còn 6.450 xe trong năm 2024, và đến tháng 1-2025 chỉ giao được 110 xe. Đầu tuần này, công ty mẹ của Neta đã chính thức nộp đơn xin phá sản.
Xuất khẩu trở thành cứu cánh, nhà nước siết quản lý
Trong bối cảnh tiêu thụ nội địa chững lại, các hãng xe Trung Quốc buộc phải đẩy mạnh xuất khẩu để duy trì hoạt động. Trong 5 tháng đầu năm 2025, khoảng 20% trong tổng số 1,76 triệu xe bán ra của BYD được tiêu thụ tại các thị trường nước ngoài.
Trước tình trạng cạnh tranh giá ngày càng gay gắt, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã tăng cường giám sát ngành ô tô, đồng thời kêu gọi các nhà sản xuất ngừng việc ép giao xe ồ ạt cho đại lý. Chính phủ yêu cầu các hãng xe phải đặt mục tiêu sản xuất hợp lý, phù hợp với năng lực tiêu thụ và hiệu quả bán hàng thực tế.
Trong tuần này, nhiều đại lý ô tô Trung Quốc cũng đã đồng loạt kêu gọi các hãng xe hỗ trợ tài chính và giảm giá trong vòng 30 ngày, nhằm tháo gỡ áp lực về dòng tiền và giảm thiểu tác động tiêu cực từ cuộc chiến giá kéo dài.
Theo Cafeauto