(Lâu lâu viết bài hơi nặng...)
Trích báo: Phải khẳng định rằng trong thời gian vừa qua bất động sản và ngân hàng như “anh em song sinh”. Nhìn lại ở các giai đoạn trước, ngân hàng lớn mạnh thì thị trường bất động sản phát triển. Và thị trường bất động sản gặp khó thì NHTM cũng khó khăn theo.
Có 2 giai đoạn thấy rõ nhất sự phát triển của ngân hàng gắn với bất động sản. Đầu tiên là thời điểm 2006-2010, thị trường bất động sản sôi động và hệ thống NHTM bắt đầu phát triển. Đến khi thị trường địa ốc gặp cú khủng hoảng vào năm 2011-2012, ngành ngân hàng lao đao theo.
Đến thời điểm 2014, thị trường bất động sản phục hồi, thì ngân hàng cũng dần tăng trưởng trở lại và phát triển mạnh về quy mô.
Thực tế, trong giai đoạn vừa qua, không có nguồn vốn NHTM thì không thể có công ty bất động sản lớn mạnh. Và không có công ty bất động sản làm dự án thì ngân hàng khó tăng trưởng tín dụng nhanh, ra vốn dễ dàng hàng ngàn tỷ chỉ cho 1 khách hàng... Do vậy, trong sự đổ vỡ của thị trường bất động sản năm 2011-2012 có trách nhiệm của ngân hàng. Đây là lý do mà một số ngân hàng rơi vào tình trạng tái cơ cấu.
Đến năm 2022, tác động 2 chiều của ngân hàng và bất động sản cũng tương tự như vậy. Tuy nhiên, Nhà nước đã quản lý tốt hơn rất nhiều ở thời điểm này.
Cũng nói thêm, ngân hàng cho vay bất động sản sẽ dễ dàng hơn. Việc đánh giá, phân tích cho vay và thu hồi vốn qua thế chấp bất động sản cũng yên tâm hơn. Trong khi cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh thì rất đa dạng, việc thẩm định và quản lý khó hơn, đòi hỏi tốn nhiều công sức và chuyên môn hơn.
Các NHTM không thể tập trung chỉ cho vay bất động sản. Một số NHTM khi dấn sâu vào lĩnh vực này đều rơi vào khó khăn khi thị trường bất động sản khủng hoảng. Hệ lụy chung sẽ ảnh hưởng toàn bộ hệ thống ngân hàng.
Và nếu chỉ cho vay bất động sản, chúng ta sẽ không phát triển được các ngành sản xuất kinh doanh, dẫn tới không tạo ra được hệ thống hàng hóa, tiêu dùng, dịch vụ cũng như không tạo ra GDP. Vòng quay vốn của bất động sản cũng rất chậm, phải từ 3-5 năm. Trong khi, đưa vốn vào sản xuất kinh doanh sẽ có vòng quay chu kỳ ngắn hơn, từ 3-6 tháng. Phát triển các ngành sản xuất kinh doanh sẽ tạo ra giá trị thông qua vòng xoáy tăng trưởng. Đây chính là sự phồn vinh của một quốc gia.
Và không có một quốc gia nào phồn vinh nhờ dấn sâu cho vay lĩnh vực bất động sản, tức tạo ra lợi nhuận cho một nhóm nhỏ. Hiện tại, Nhà nước Việt Nam đang từng bước làm rất tốt việc đẩy vốn tập trung cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Riêng với lĩnh vực bất động sản, với sự đồng bộ của hệ thống luật, thị trường này cũng dần ổn định.
-------------------------