- Cù Tuấn biên dịch phân tích của The Economist.

-----_

img-8360-1745411697.jpeg
 

Các mức thuế cao ngất ngưởng của Donald Trump không phải là lệnh cấm thương mại với Trung Quốc, nhưng cũng gần như vậy. Mặc dù khó ước lượng chính xác mức độ sụt giảm trong thương mại giữa hai nước, vì các công ty sẽ tìm kiếm các tuyến đường mới và ông Trump liên tục thay đổi phạm vi áp thuế, nhưng một sự sụt giảm mạnh là điều chắc chắn sẽ xảy ra.

Khi bị từ chối, hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ đi đâu? Khi chuỗi cung ứng điều chỉnh, các công ty sẽ mở rộng ra nước ngoài để đủ điều kiện hưởng thuế thấp hơn, như nhiều công ty đã làm trong cuộc chiến thương mại đầu tiên của ông Trump. Những kẻ thiếu trung thực có thể cố lừa gạt hải quan Mỹ. Nhưng việc chuyển hướng, dù hợp pháp hay không, khó có thể bù đắp cho sự sụt giảm mạnh nhu cầu từ nước nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới. Phần còn lại của thế giới sẽ phải bù đắp phần lớn sự thiếu hụt này, dù muốn hay không.

Vào cuối nhiệm kỳ đầu của ông Trump, thuế quan Mỹ áp lên 2/3 hàng nhập khẩu từ Trung Quốc với mức trung bình 19%, tăng từ 3% trước đó. Tuy nhiên, những kẻ lách thuế được khuyến khích đã tìm ra cách đối phó. Họ định giá thấp lô hàng, dán nhãn sai hàng hóa, làm giả giấy tờ và chuyển hướng hàng qua các nước thứ ba. Goldman Sachs ước tính rằng lượng hàng xuất khẩu Trung Quốc trị giá khoảng 120 tỷ USD đã né được thuế trong năm 2023.

Lần này, việc tránh thuế sẽ khó khăn hơn nhiều. Một lý do là ông Trump đã áp thuế cấm đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc—tạm thời ngoại trừ một số sản phẩm điện tử và dược phẩm—thay vì chỉ một phần, nghĩa là các nhà xuất khẩu ít có động lực để dán nhãn lại sản phẩm. Các trung tâm chuyển hướng như Mexico và Việt Nam đã cảnh giác với các công ty Trung Quốc sử dụng họ để né thuế, do lo ngại bị Mỹ trả đũa ngành xuất khẩu của chính họ. Claudia Sheinbaum, tổng thống Mexico, đã tuyên bố sẵn sàng hợp tác với ông Trump về vấn đề trung chuyển, bao gồm áp thuế mới nhằm vào hàng Trung Quốc và kiểm tra các cửa hàng thuộc sở hữu Trung Quốc.

Có lý do cho sự nhún nhường của bà Sheinbaum. Sự ám ảnh của ông Trump với cán cân thương mại song phương không phân biệt rõ giữa việc chuyển hướng đáng ngờ và chuỗi cung ứng điều chỉnh hợp pháp theo thuế quan. Các nước như Campuchia, Ấn Độ, Mexico, Thái Lan và Việt Nam, mà đang xuất khẩu sang Mỹ nhiều hàng hóa hơn so với thời điểm trước cuộc chiến thương mại đầu tiên của ông Trump, đang gặp rủi ro. Các nhà đàm phán Thái Lan đã đề nghị kiểm soát “hàng giả từ nước thứ ba”; còn các quan chức Việt Nam đã cam kết xóa bỏ “gian lận thương mại” và siết chặt quy định về xuất xứ hàng hóa.

1.Xây dựng rào cản
Hàng hóa Trung Quốc mà không thể bán sang Mỹ sẽ chuyển hướng đi nơi khác. Điều này xảy ra khi các nước láng giềng đã bày tỏ lo ngại về sản xuất công nghiệp Trung Quốc. Để đối phó với tăng trưởng kinh tế yếu, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang bơm tiền và cho vay cho các nhà sản xuất, khiến sản lượng tăng vọt. Các công ty Trung Quốc đã giảm giá xuất khẩu 20% kể từ năm 2023, và thặng dư thương mại sản xuất của Trung Quốc với các nước châu Á và Mỹ Latinh tăng nhanh hơn nhiều so với Mỹ hay châu Âu. Năm ngoái, 198 khiếu nại đã được nộp chống lại Trung Quốc tại WTO. Con số này là một kỷ lục, trong đó có 37 khiếu nại từ Ấn Độ.

Mặc dù dòng hàng hóa giá rẻ sẽ là lợi ích cho người tiêu dùng, các chính trị gia lo ngại nó sẽ đẩy các nhà sản xuất trong nước ra khỏi thị trường. Lấy ví dụ Thái Lan, nơi sản xuất công nghiệp đã giảm 1/10 kể từ năm 2019, đồng thời thâm hụt thương mại với Trung Quốc tăng gấp đôi. Các công ty máy tính và điện tử chịu thiệt hại nặng nề nhất, với sản lượng giảm 40%, bất chấp hy vọng Thái Lan có thể trở thành trung tâm sản xuất laptop. Trung Quốc năm ngoái xuất khẩu máy tính xách tay trị giá 33 tỷ USD sang Mỹ, giờ sẽ phải tìm thị trường mới.

Điều này có thể gây khó khăn ngay cả đối với các nước hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại đầu tiên. Một ví dụ là thị trường đồ chơi ở Việt Nam, trị giá 1 tỷ USD mỗi năm, nơi các công ty như Bandai Namco và Lego đã đầu tư. Ngành này giờ đối mặt với cạnh tranh từ hàng Trung Quốc giá rẻ lẽ ra được xuất sang Mỹ. Một ví dụ khác là ngành dệt may, nơi Mỹ nhập 29 tỷ USD hàng từ Trung Quốc năm ngoái. Ông Trump đã hủy bỏ quy tắc “de minimis”, cho phép các gói hàng dưới 800 USD vào Mỹ miễn thuế, hỗ trợ các công ty Trung Quốc như Temu và Shein. Chuyển hướng thương mại của số hàng hóa này có thể gây hại cho các nhà sản xuất ở Bangladesh và Ấn Độ.

Các nước theo chủ nghĩa bảo hộ hơn sẽ không ngần ngại đáp trả Trung Quốc. Ấn Độ và Indonesia đã nhanh chóng làm vậy trong lần trước. Tuy nhiên, một số nước khác thận trọng hơn. Malaysia và Thái Lan đang kiềm chế các biện pháp đối phó, vì sợ làm người láng giềng hùng mạnh tức giận. Áp lực lên các lãnh đạo của họ sẽ chỉ tăng trong những tháng tới.