maxresdefault-1627641505.jpg
Một hình ảnh quảng cáo của Sabeco

Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - Mã CK: SAB) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất Quý 2/2021 với doanh thu thuần trong kỳ đạt 7.226,2 tỉ đồng, tăng nhẹ 1,27% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 1.070,9 tỉ đồng, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, SAB báo lãi sau thuế 2.057,3 tỉ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 1.919,5 tỉ đồng, tăng 2,94% so với cùng kỳ năm 2020.

SAB cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, công ty đã thực hiện nhiều giải pháp để tối ưu việc quản lý kinh doanh và tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bán hàng, góp phần giảm thiểu ảnh hưởng từ làn sóng thứ 3 và thứ 4 của đại dịch Covid-19.

Cụ thể, chi phí quản lý doanh nghiệp của SAB giảm 24,2% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 267,4 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2021. Chi phí bán hàng tăng mạnh 43,6% so với cùng kỳ năm 2020, lên hơn 1.945,3 tỉ đồng.

Trong đó, riêng chi phí cho quảng cáo và khuyến mãi của SAB là 1.246,4 tỉ đồng, tăng 62,7% so với 6 tháng đầu năm 2020 và chiếm 64% tổng chi phí bán hàng. Tương đương mỗi ngày SAB chi khoảng 6,88 tỉ đồng cho hoạt động quảng cáo, khuyến mãi.

Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản của Sabeco đạt 28.561 tỷ đồng, tăng 4% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền gửi ngân hàng có thời hạn từ 3 tháng đến một năm là 15.291 tỷ, chiếm đến 54%.

Lượng tiền mặt mà Sabeco hiện sở hữu cũng khá cao, ở mức 3.150 tỷ đồng. Giám đốc Tài chính Sabeco Hong Keng Teo cho biết sẽ xem xét các hướng sử dụng lượng tiền mặt này một cách hiệu quả. Tuy nhiên, ưu tiên hiện nay của công ty là tập trung cho chiến lược cấu trúc nguồn vốn và cải thiện hệ thống Sabeco.

Nợ phải trả của SAB tại cuối tháng 6/2021 đạt 6.399,6 tỉ đồng, tăng 3,89% so với đầu năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn là phải trả người bán ngắn hạn (1.354,5 tỉ đồng); thuế phải nộp Nhà nước (1.418,8 tỉ đồng). Dư nợ vay và nợ thuê tài chính là 818 tỉ đồng, chiếm 2,86% tổng nguồn vốn.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 29/7, giá cổ phiếu SAB của Sabeco tăng 1,62% lên 157.000 đồng. Tuy nhiên, nếu so với hồi đầu năm, thị giá cổ phiếu này đã giảm 19%.

Năm nay, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu đạt 33.491 tỷ đồng và lợi nhuận 5.289 tỷ. Sau 1/2 thời gian, doanh nghiệp hoàn thành 39% cả kế hoạch doanh thu và chỉ tiêu lợi nhuận. Để có thể về đích đúng dự kiến, Sabeco sẽ phải tăng tốc trong 2 quý còn lại.

Tại đại hội cổ đông, CEO Sabeco Bennett Neo thừa nhận kế hoạch kinh doanh đưa ra hồi tháng 1 dựa trên dự báo tích cực về triển vọng phục hồi của nền kinh tế 2021. Tuy nhiên, thực tế sự phục hồi đến lúc này chưa nhanh như kỳ vọng, nhất là sau làn sóng dịch Covid-19 hồi đầu năm.

Bên cạnh đó, Sabeco cho biết chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng, tác động trực tiếp đến biên lợi nhuận gộp của công ty. Các tin đồn về chủ sở hữu Sabeco bán lại hãng bia cho Trung Quốc, dù đã được doanh nghiệp lẫn Bộ Công Thương lên tiếng, cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của công ty.

Thực tế, ngành bia đã phải chịu tác động kép của đại dịch Covid-19 bùng phát và nghị định 100 có hiệu lực hồi đầu năm, đặt ra các quy định khắt khe về tiếp thị quảng cáo bia và tăng xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm đối với người tham gia giao thông sử dụng bia rượu.

Không chỉ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thị phần của Sabeco cũng bị cạnh tranh gay gắt bới các đối thủ phía sau, mà cụ thể là Heniken.

Cách đây 10 năm, ông chủ Bia Sài Gòn gần như không có đối thủ khi nắm trong tay 45,5% tổng sản lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam. Tuy nhiên, thị phần của Sabeco sau đó bắt đầu bị sụt giảm, xuống còn 37,1% vào năm 2015 trước khi tăng trở lại. Theo báo cáo của Euromonitor, Sabeco kiểm soát 39,6% thị trường bia Việt Nam vào cuối năm 2019.

Trong khi đó, những nỗ lực mở rộng thị trường giúp Heinekengia tăng dần thị phần, qua đó đạt mức cao mới 33,5% vào năm 2019.